Sáo cúc kẹ - hay còn gọi là sáo mũi là loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Xa Phó. Ở Yên Bái, số người biết chơi loại nhạc cụ này không nhiều, tôi mới chỉ biết đến nghệ nhân Đặng Thị Thanh ở xã Châu Quế Thượng và nghệ nhân Đặng Nho Vượng ở xã Đại Sơn – huyện Văn Yên là người chơi rất giỏi loại nhạc cụ độc đáo này.
Có lẽ vì nó quá khó sử dụng nên hầu như không có ai theo học, nhất là lớp trẻ. Trong một lần đi công tác ở huyện Yên Bình, tôi có nghe nhiều người nói đến thầy giáo Đỗ Quốc Toản - giáo viên môn Giáo dục thể chất ở Trường Tiểu học và THCS Cảm Ân, xã Cảm Ân biết chơi loại nhạc cụ này. Vì khá tò mò nên tôi đã tìm đến nhà để được gặp anh.
Trò chuyện vui vẻ, rồi Toản thổi cho tôi nghe một khúc nhạc trong bài: "Anh vẫn hành quân”. Tiếng sáo của Toản nghe trong trẻo và da diết lắm, lúc cao vút, lúc trầm lắng, thiết tha. Thấy tôi tỏ vẻ hâm mộ, Toản giải thích: "Thổi sáo ngang không khó đâu chị ạ! Còn thổi sáo mũi thì khó thực sự”.
Tôi hỏi bắt nguồn từ đâu mà Toản lại thích thổi sáo mũi, Toản chia sẻ lý do anh đến với cây sáo mũi cũng đơn giản lắm. Cách đây khoảng gần chục năm, một lần, ngồi xem ti vi thấy có tiết mục thổi sáo mũi rất hay và độc đáo, thế là anh liền có ý nghĩ sẽ làm theo. Nhưng thổi sáo mũi không dễ như thổi sáo ngang, anh không biết phải lấy hơi như thế nào. Tập cả tháng trời mà Toản vẫn không thể thổi được. Nản quá, anh cất sáo vào tủ và không tập nữa.
Nhưng rồi Toản lại nghĩ, tại sao họ làm được mà mình không làm được. Thế là anh lên mạng xem cách người ta hướng dẫn thổi sáo mũi và học theo. Ban đầu để lấy hơi, Toản phải dùng bông bịt một bên mũi để hơi dồn vào bên còn lại. Cứ thế, sau vài tháng chăm chỉ luyện tập, Toản đã có thể thổi được một vài bài dễ mà không cần phải dùng bông nữa. Giờ thì Toản đã thổi được rất nhiều bài yêu thích.
- Đam mê cây sáo như vậy, sao Toản không theo học chuyên ngành âm nhạc để trở thành nghệ sỹ? - tôi hỏi.
- Em rất yêu nghề giáo viên và chưa bao giờ hối tiếc với sự lựa chọn của mình - Toản bảo.
Mặc dù công việc vất vả và lương cũng không cao nhưng dạy học thực sự mang lại cho anh nhiều niềm vui. Toản cho rằng, Giáo dục thể chất không phải là bộ môn đơn điệu, khô cứng như người ta vẫn nghĩ, bởi khi dạy cho các em các bài học của bộ môn này chính là dạy cho các em hướng đến những điều tốt đẹp; sự mạnh khỏe về thể chất đồng nghĩa với những hướng thiện trong tâm hồn.
Thổi sáo và dạy học là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau nhưng thổi sáo cũng giúp ích cho công việc của Toản rất nhiều, nhất là đối với các phong trào đoàn thể của nhà trường. Cách đây 3 năm, tiết mục sáo mũi của anh đã được giải ấn tượng trong Liên hoan tiếng hát ngành giáo dục tỉnh Yên Bái. Toản rất vui vì đã có những đóng góp nhỏ bé vào thành tích chung của nhà trường trong nhiều năm qua.
Cuộc sống của con người được ví như một bức tranh nhiều gam màu sống động, có những gam màu trầm và cũng có những gam màu tươi sáng. Và mỗi người trong chúng ta đều có những cách riêng để làm cho bức tranh cuộc sống của mình ngày càng tươi đẹp hơn.
Thầy giáo Quốc Toản cũng vậy, anh đã tô điểm cho bức tranh cuộc sống của mình bằng những nốt nhạc tươi vui. Điều đó cũng giúp anh mỗi ngày càng thấy yêu hơn những gì thân thương, giản dị của cuộc sống xung quanh mình.
Mai Phương