Mỗi dân tộc đều có những nghi lễ dành cho trẻ mới sinh để cầu mong cho chúng được khỏe mạnh như lễ đầy cữ, lễ đặt tên, lễ cúng mụ, lễ trừ tà... Nhưng có điểm khá giống nhau là hầu hết các dân tộc đều có lễ thôi nôi được tổ chức khi đứa bé tròn 1 tuổi, giống như người phương tây tổ chức sinh nhật lần đầu tiên cho trẻ.
Tuy nhiên, đối với đồng bào Thái thì không chỉ có nghi lễ thôi nôi mà họ còn có nghi lễ đan nôi. Thông thường, xưa kia khi đứa trẻ sinh ra được khoảng chục ngày trở lên đến một tháng thì cũng là lúc người mẹ cũng bắt đầu phải làm những công việc vặt trong nhà, thậm chí đã phải làm việc nặng. Thành thử, đứa bé cũng không được bế ẵm nhiều và thay vào đó là phải đặt nằm trong nôi.
Trước khi đứa bé được nằm nôi, gia đình chọn ngày lành để làm nghi lễ đan nôi, mời người biết đan nôi đẹp, có vía tốt, con cái khỏe mạnh đến giúp đan nôi và mời thầy cúng làm lễ cúng nôi. Nghi lễ này không cầu kỳ lắm, bởi lễ cúng chỉ cần có xôi, rượu, thịt lợn, thịt gà, vải và chút tiền lễ.
Trong văn tế cúng nôi, thầy cúng bẩm báo các bà mụ nặn ra đứa trẻ, tổ tiên (ma nhà), ma nơi đất ở, ma mường, ma bản rằng gia chủ có đứa bé mới sinh và mong được các mụ, các ma phù trợ cho đứa bé khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, không bị các ma xấu làm hại.
Cúng xong, tùy vào đứa trẻ là trai hay gái, thầy cúng lấy bảy hoặc chín tấm tre đan mắt cáo (ta leo) và một miếng vỏ cây núc nác là những vật thiêng có sức mạnh xua đuổi tà ma buộc vào gầm của chiếc nôi để cho đứa trẻ khi ngủ một mình trong nhà không bị tà ma quấy nhiễu làm cho ốm yếu, quấy khóc.
Sau đó, thầy cúng bế đứa bé đặt vào nôi và lấy một tấm vải đỏ đã được niệm chú phủ lên người đứa bé. Sau nghi lễ này, anh em, họ hàng được mời đến dự lễ đan nôi xúm lại quanh chiếc nôi cùng chúc cho cháu bé hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh và lớn lên thành người tài giỏi, rồi bỏ vào nôi chút tiền làm quà cho đứa bé.
Khi đứa bé đủ 1 tuổi thì bà con làm lễ thôi nôi. Nghĩa là, lúc này trẻ đã chập chững biết đi, không còn thích hợp nằm nôi nữa. Nếu để nằm nôi thì trẻ có thể bò ra ngoài và bị ngã nôi nên được chuyển sang ngủ giường hoặc trẻ thường được bố mẹ vừa địu vừa làm việc. Lễ thôi nôi mang ý nghĩa gia chủ tạ ơn các bà mụ, ma nhà, ma đất ở, ma bản, ma mường đã bảo trợ cho đứa trẻ ngoan ngoãn, cứng cáp.
Trong nghi lễ này, ở nhiều dân tộc còn có nghi lễ đặt tên, nghi lễ chọn nghề. Sở dĩ lúc này mới đặt tên vì xưa kia việc khai sinh đối với đứa trẻ chưa được xã hội lúc đó quan tâm. Hơn nữa, trong điều kiện kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc còn khó khăn, y học chưa phát triển, môi trường khí hậu khắc nghiệt... nên lắm bệnh tật khiến nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số "sinh nhiều dưỡng ít". Bởi vậy, khi đứa trẻ qua 1 tuổi, khỏe mạnh thì mới đặt tên. Nghi lễ đặt tên ở nhiều nơi cũng khá đơn giản.
Trong mâm cúng, thầy cúng bày bên cạnh những cành lá cây có hoa thơm, quả ngọt, cây thuốc quý, bông lúa, bắp ngô... rồi đặt đứa trẻ xuống gần đó và xem trẻ bò tới nhặt lá gì, vật gì thì đặt tên luôn thứ đó. Có thể vì cách đặt tên như thế cho nên xưa kia rất nhiều người có tên: sắn, lá, lúa, ngô, bưởi, chanh... Đối với nghi lễ chọn nghề, chủ yếu được thực hiện ở người Kinh.
Để thực hiện nghi lễ này, thầy cúng cũng đặt cạnh mâm cúng các dụng cụ nghề như kéo cắt tóc, dao xây, thước thợ... Đứa trẻ chọn vật gì thì cha mẹ sẽ định hướng cho con theo nghề đó.
Qua những nghi lễ trên, có thể thấy trong đời sống dân gian xưa kia, người dân rất coi trọng trẻ nhỏ và trẻ nhỏ được ví như biểu tượng của phúc lộc trong mỗi gia đình.
Sơn Nam