Nghệ nhân Lò Văn Biến ở thị xã Nghĩa Lộ kể, ngày xưa, các lễ hội không biến tấu rút gọn như bây giờ. Ngày thứ nhất của lễ hội hoa ban là lễ hiến sinh (cúng thần). Đám rước xuất phát từ nhà của già bản để đến ngôi đình làng.
Đi đầu là các cụ già trong trang phục tế lễ. Tiếp đó, đến dân bản trong những bộ quần áo lễ hội đủ màu thành kính bước theo sau. Lớp trai gái thanh niên đi tốp cuối cùng; những chàng trai mặc áo đỏ viền xanh, quần vàng, đội nón chóp sơn dầu, chân quần cuốn xà cạp đen, lưng đeo gươm hoặc vác giáo trên vai, dắt một chú trâu mộng để hiến sinh trong lễ tế thần.
Chú trâu béo tròn được tắm rửa sạch sẽ, da căng bóng, đôi sừng được quấn giấy màu lấp lánh, trên trán và hai mông trâu được dán những bông hoa ban cắt bằng giấy trắng. Lễ tế thần diễn ra trên bãi đất rộng trước đình làng. Chủ lễ là một vị thầy mo. Sau khi khấn vái thần linh phù hộ cho bản mường có một năm mới hạnh phúc, bình yên, chú trâu mộng được dắt ra bãi cỏ. Người ta mổ thịt, làm tiệc cả bản cùng ăn.
Nghệ nhân Lò Văn Biến còn kể, các buổi tối trong những ngày lễ hội là thời gian cho các cuộc vui xòe và hát dân ca. Nhưng đối với thanh niên nam nữ thì đêm hội cuối cùng, dành riêng cho các đôi nam nữ tự tình với nhau. Dưới ánh trăng non, hoa ban trắng bạc ánh lên một màu tinh khiết giữa màu xanh đậm đặc của núi rừng, các cô gái Thái trong chiếc áo cỏm, lấp lánh hàng khuy bạc tuyệt vời mải mê hát giao duyên cùng những chàng trai.
Đây là đêm cuối của lễ hội. Bên những dòng sông, những con thuyền độc mộc chở những lứa đôi trôi giữa tiếng sáo trúc và những câu dân ca Thái mênh mang. Các đôi uyên ương tặng nhau những tấm vải gối thêu công phu, những chiếc vòng đeo tay bằng bạc hay những chai rượu nếp đậm đà hương vị núi rừng.
Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ kể rằng, thời còn trẻ, bà cũng cùng trai làng gái bản vào chơi hang Thẩm Lé. Bà vẫn còn cảm giác khi đôi chân với bó đuốc trên tay, bước đi dò dẫm quanh co trong động ngắm nhìn những nhũ đá buông xuống với đủ hình thù và bất chợt những giọt nước trong veo từ trên cao rớt xuống cổ, xuống vai thì ai nấy đều cảm thấy mát rượi, tâm hồn nhẹ bâng như trong mộng ảo.
Ra khỏi hang, ngồi nghỉ trên thảm cỏ, họ nhìn nhau sung sướng. Các chàng trai, cô gái lại kể cho nhau nghe chuyện tình nàng Ban và chàng Khun. Câu chuyện oan khiên, đau khổ nhưng đẹp đẽ từ một thủa xa xưa. Chuyện gắn với rừng ban tinh khiết quanh Thẩm Lé hùng vĩ này.
Hội xuân hang Thẩm Lé, ngắm hoa nghe chim hót phải chăng lúc đầu xuất phát từ câu chuyện tình trên. Nhiều trai làng, gái bản xưa đã trở nên đôi bạn tình trăm năm chung thủy như: "Hoa ban nở, hoa ban tàn/tình ta đẹp như hoa ban/còn dài lâu như hoa nào/Hỡi người ta yêu?”.
Mỗi khi mùa xuân về, hoa ban lại nở trắng rừng, tình yêu lại nảy nở, trai gái lại thành đôi. Những người con của núi rừng lại giữ gìn bảo tồn và phát huy về những giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc Tây Bắc.
Nguyễn Nhật Thanh