Lặng lẽ, man mác buồn nhìn nén nhang toả khói, người bạn tôi giới thiệu: Đây chính là 2 ngôi mộ tập thể trong đó có Nguyễn Thái Học. Ngay sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, hầu hết những nghĩa sỹ đều sa vào tay giặc. Thực dân Pháp mở những phiên tòa đại hình xét xử vụ án khởi nghĩa Yên Bái. Một ngày tháng 6/1931, Nguyễn Thái Học và các đồng sự của ông ung dung ra pháp trường.
Ông bình tĩnh chứng kiến cái chết của đồng đội. Đến lượt mình, ông chậm rãi bước lên máy chém miệng đọc 2 câu thơ bằng tiếng Pháp: "Chết vì Tổ quốc chết vinh quang/ Lòng ta sung sướng, chí ta nhẹ nhàng”.
Hỏi về 17 cột trụ nối với nhau bởi vòng tròn không kín như vành trăng khuyết, người bạn tôi giải thích: Đó là ý tưởng của nhà thiết kế. 17 cột trụ tượng trưng cho 17 nghĩa sỹ bị thực dân Pháp hành quyết sau cuộc khởi nghĩa.
Vành tròn khuyết dang dở biểu hiện sự thất bại, không vẹn toàn, sự khiếm khuyết của tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng với phương châm hành động "Không thành công cũng thành nhân” nhưng mảnh khuyết ấy lại rơi về đất mẹ trở thành mầm sống sinh sôi như lòng yêu nước trường tồn của dân tộc. Nhà bia tưởng niệm các nghĩa sỹ được thiết kế như một ngôi nhà Việt Nam truyền thống. Mái gắn ngói mũi hài, bia làm bằng đá hoa cương, tên 17 liệt sỹ được phủ nhũ vàng trang trọng, lưu danh muôn đời.
Cuộc khởi nghĩa Yên Bái chỉ xảy ra trong vài tiếng đồng hồ, nhưng đã gây tiếng vang khắp hoàn cầu, lay động tới nước Pháp. Aragông – nhà thơ cộng sản Pháp đã viết bài thơ "Yên Bái”. Những lời thơ đanh thép đó được đặt trong một mô hình mô phỏng lưỡi máy chém đặt giữa những thảm cỏ xanh mịn màng nơi đây. "Yên Bái/ Đây là điều nhắc nhở ta rằng/ Không thể bịt miệng một dân tộc, mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ”.
Nén nhang thơm vẫn lặng lẽ toả khói, tôi sang thăm phần tượng đài của cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Tượng đài liên kết thành khối vừa thực vừa siêu thoát trong không gian cao, rộng như sự tôn vinh tinh thần yêu nước, tâm thế quật cường của dân tộc. Nguyễn Thái Học sáng láng, trí tuệ, đầy ý chí. Ông về cõi vĩnh hằng mang theo lời hô: "Việt Nam vạn tuế”.
Bên cạnh Nguyễn Thái Học là Nguyễn Khắc Nhu - ông đồ áo the khăn xếp, Ngô Hải Hoàng mặc đồ nhà binh uy nghiêm, Phó Đức Chính với gương mặt của tuổi 20 đầy nhiệt huyết. Tôi dừng lại lâu hơn bên hình ảnh người phụ nữ duy nhất trong nhóm tượng đài. Đấy là cô Giang - một trong những đảng viên ít ỏi của tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng.
Người bạn tôi giới thiệu: cô vừa là đồng chí nhưng cũng là người phụ nữ thân yêu nhất của Nguyễn Thái Học. Trước ngày quyết định khởi nghĩa Yên Bái, họ đã đưa nhau lên đền Hùng, báo với tổ tiên và thề trọn đạo phu thê.
Khi Nguyễn Thái Học bị hành quyết, cô Giang đã đóng giả trai, trà trộn trong đám người xem hành án để nhìn mặt chồng lần cuối, rồi trở về quê chồng: làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường tuẫn tiết bằng chính khẩu súng Nguyễn Thái Học tặng cô.
Khu tưởng niệm cuộc Khởi nghĩa Yên Bái nằm trọn trong công viên Yên Hòa - một công viên rộng và đẹp nhất tỉnh Yên Bái. Không ồn ào như những nơi khác, Khu di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia này vẫn lặng lẽ đón người đến thăm vừa như một danh lam thắng cảnh, vừa như một cõi tâm linh sâu thẳm.
Yên Bái hôm nay là một thành phố với dáng vẻ hiện đại, văn minh.
Tôi ra về trong cảm xúc nao nao khó tả. Thành phố Yên Bái bắt đầu lên đèn. Phố Nguyễn Thái Học lung linh, bừng sáng.
Ngọc Hà