Chùa Tùng Lâm Ngọc Am là một ngôi chùa lớn ở thành phố Yên Bái. Những ngày đầu xuân, chùa có khoảng trên 1 nghìn du khách đến lễ Phật, chiêm bái và vãn cảnh chùa. Đi lễ chùa là một nét đẹp của người Việt nhưng ít ai biết đi lễ chùa như thế nào cho đúng với nét đẹp đó.
Đại đức Thích Minh Huy - Ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Hội Phật giáo tỉnh Yên Bái, Trụ trì chùa Tùng Lâm Ngọc Am cho biết: "Lễ chùa đầu xuân là dịp để con người thành tâm đến với đức Phật. Thành tâm thì nghi thức phải hoa quả, hương nến để dâng lên đức Phật, tiền đèn dầu nên để vào hòm công đức chứ không nên để vào tay Phật”.
Khi đi vào chùa cần phải bước vào nhà chính của đền, chùa, không được đi vào từ cửa chính giữa (tức cửa trung quan vì cửa này chỉ dành cho thiên tử, bậc cao tăng, trụ trì đi ra vào cửa này). Còn những người đi lễ nên đi vào cửa phụ bên phải đền còn gọi cửa "giả quan”, khi lễ, bái xong nên đi ra nên đi vào cửa bên trái”.
Khi con người bước vào lễ đền, chùa cần phải có "Tâm từ bi hỉ xả bác ái” có nghĩa "từ bi” là mang tâm của mình tới mọi người, còn "hỉ xả” trong lòng có gì rối ren trong tâm cũng như người thân cũng phải buông bỏ, "bác ái” là từ bao dung rộng lớn, đem tất cả đau khổ của mình để yêu thương, để trùm khắp muôn loài.
Bà Đặng Thị Minh ở tổ 4A, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho biết: "Đầu xuân, gia đình tôi thường cùng nhau đi lễ. Mỗi khi đặt chân đến chốn cửa đền, chùa, tôi có cảm giác lòng nhẹ nhàng, thanh thản, tìm về với cội nguồn dân tộc”.
Đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp mà còn là dịp hiểu biết thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, có thêm kiến thức những lịch sử.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít người ăn vận trang phục không phù hợp với không khí của chốn tôn nghiêm. Ngay những ngày đầu xuân, tại chùa Linh Long có đôi thanh niên mặc quần soóc, áo phông, tay trong tay vào chùa.
Còn tại đền Nam Cường, có một tốp nữ mặc váy xòe ngắn, vung tay chân chụp ảnh.... Hay tại đền Tuần Quán, có người vẫn ăn mặc phóng khoáng như trong công viên.
Thiết nghĩ, để những hành vi phản cảm trên không xuất hiện rất cần các nhà đền, ban quản lý lễ hội, chính quyền địa phương có bảng quy định rõ ràng. Có thể yêu cầu khách đến lễ phải mua khăn choàng dài phủ kín qua gối hoặc có dịch vụ cho khách thuê...
Nếu làm được như vậy thì tin chắc rằng, lễ hội xuân sẽ ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách trong và ngoài nước.
Quyết Thắng - Thủy Thanh