Các dấu tích Phật giáo thời Lý ở một số di tích, phế tích được Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Yên Bái nghiên cứu, phát hiện trong Di chỉ Khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại, huyện Lục Yên có các hoa văn trang trí hình rồng, hoa sen... mang những nét đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt hòa quyện với những nét văn hóa được giao thoa từ phương Bắc.
Đến triều đại nhà Trần (1225 - 1400), nước Đại Việt là một trong những quốc gia Phật giáo, nên sự giao lưu văn hóa tương đối cởi mở và người Việt đã du nhập và phổ biến những nét văn hóa, nghệ thuật Chăm Pa vào những kiến trúc Phật giáo mà ở Yên Bái đã phát hiện được rất nhiều những dấu tích trong khu vực chùa tháp Hắc Y - Đại Cại; chùa Hang Úc, xã Tân Lập, huyện Lục Yên... đó là hình ảnh của chim thần Gruda, vũ nữ Apsara, lá đề, thủy quái Makara...
Có những nghiên cứu căn cứ vào tư liệu lịch sử do Ngô Sỹ Liên ghi chép: "Năm Nhâm Ngọ thứ 3 (982)... Vua thân đi đánh nước Chiêm Thành thắng được. Trước đây, vua sai Từ Mục và Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị họ bắt giữ, vua giận mới đóng thuyền chiến, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém được Phê - Mỵ - Thuế tại trận; Chiêm Thành thua to; bắt sống được binh sĩ không biết bao nhiêu mà kể; bắt được kỹ nữ trong cung trăm người và một thầy tăng người Thiên Trúc...".
Từ căn cứ này, có giả thuyết đưa ra rằng, dấu tích văn hóa - nghệ thuật Chăm Pa trong kiến trúc Phật giáo thời Trần được xây dựng thông qua bàn tay của những tù binh Chăm Pa do vua Lý bắt được làm tù binh và cho sinh sống thành làng Chăm ở ngoại thành Thăng Long.
Cũng có ý kiến lại cho rằng, dưới triều đại nhà Trần, áp lực quân sự lớn nhất với Đại Việt là từ phương Bắc. Còn ở phương Nam, nhà Trần có mối quan hệ giao hảo rất tốt với vương quốc Chăm Pa; đồng thời, Phật giáo lúc này đang ở trong thời kỳ phát triển mạnh, nên những dấu tích văn hóa Chăm Pa trong kiến trúc Phật giáo thời Trần, đó là sự giao thoa văn hóa rất tự nhiên mà mối quan hệ bang giao hữu nghị là nhân tố thúc đẩy.
Thêm những ý kiến nữa đặt ra là, vì sao những kiến trúc Phật giáo thời Trần hay sự hiện diện của văn hóa - nghệ thuật Chăm Pa trong các kiến trúc Phật giáo lại chỉ đậm đặc và được coi như là một trung tâm Phật giáo ở Lục Yên chứ không có ở nhiều nơi trong vùng biên viễn khác của quốc gia Đại Việt? Trước hết, những dấu tích kiến trúc Phật giáo này nằm ở một vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế rất quan trọng của quốc gia Đại Việt.
Trong khi đó, người được giao trấn ải nơi này là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Ông là người tài ba ở nhiều lĩnh vực, thông thạo nhiều ngoại ngữ, bang giao phóng khoáng.
"Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn viết về Trần Nhật Duật: "Nhật Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi ở thôn Bà Già (thôn này có từ hồi Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, bắt được người Chiêm cho ở đấy, lấy tiếng Chiêm đặt tên là Đa Gia Ly, sau gọi sai thành Bà Già). Nhật Duật đến chơi, có khi đến ba, bốn ngày mới về. Lại hay đến chơi chùa Tường Phù, nói chuyện với nhà sư người Tống, ở lại đến hôm sau mới về. Người nước ngoài đến kinh sư, thường kéo đến nhà ông. Nếu là khách Tống thì ông kéo ghế ngồi gần, chuyện trò suốt buổi; nếu là người Chiêm hay người các man khác thì đều theo phong tục nước họ mà tiếp đãi”.
Vì thế, có giả thuyết cho rằng, vì đam mê nghệ thuật kiến trúc Chăm Pa nên ông chính là tác giả đưa những yếu tố văn hóa Chăm Pa đi vào các kiến trúc trong trung tâm Phật giáo thời Trần ở Lục Yên.
Đồng thời, Hắc Y - Đại Cại nằm trên tuyến huyết mạch giao thương giữa Đại Việt với Trung Hoa và ngược lại theo dòng sông Chảy, mà Lục Yên xưa vốn là nơi có nhiều sản vật quý hiếm để trở thành một trung tâm buôn bán sầm uất, kéo theo sự hiện diện của một trung tâm Phật giáo để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa quản lý, bảo vệ đất nước trên góc độ tôn giáo cũng là lẽ đương nhiên.
Tất cả những nghiên cứu, giả thuyết nêu trên đều nhằm sáng tỏ tính chân thực, giá trị lịch sử, văn hóa - nghệ thuật vô giá của những dấu tích Phật giáo thuở xa xưa mà chúng ta hôm nay đang được thừa kế. Qua đó, chúng ta nhân lên niềm tự hào về một di sản văn hóa rất đặc biệt của quê hương mình để giữ gìn, bảo vệ và phát triển những giá trị văn hóa đó thành nguồn lực xây dựng nhân tố con người và quê hương đất nước.
Sơn Nam