Nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của Tổ quốc với địa hình đa dạng, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ - Yên Bái là địa bàn cư trú lâu đời của 30 dân tộc, trong đó có người Mông sinh sống trên các triền núi cao. Với khoảng 82.000 nhân khẩu, người Mông ở Yên Bái đứng thứ tư về số dân trong tỉnh.
Đồng bào Mông Yên Bái có truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục tự nhiên và luôn tự hào về vốn văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Đó là kho tàng dân ca, dân vũ, truyện cổ, nhạc cụ dân tộc và các lễ hội mang tính cộng đồng được tổ chức hàng năm.
Lễ hội trong năm của đồng bào Mông phải kể tới: lễ hội Tầu sừ được tổ chức vào dịp tết, lễ Nào xông của cộng đồng bản, diễn ra vào ngày Thìn tháng Giêng hàng năm và đặc biệt là lễ hội Gầu tào được tổ chức vào dịp đón năm mới. Gầu tào là lễ hội quan trọng đối với người Mông, nhằm mục đích cho gia chủ cầu con và gắn với cộng đồng là cầu cho mùa màng tươi tốt, người yên vật thịnh. Hội Gầu tào còn là dịp diễn xướng của vũ điệu khèn Mông cùng các điệu lý mời rượu, những câu hát dân ca xốn xang và mời gọi.
Văn nghệ dân gian dân tộc Mông ở Yên Bái cũng rất phong phú với kho tàng truyện kể, hát ru, dân ca, dân vũ... phản ánh cuộc sống lao động, chinh phục tự nhiên và mong ước mơ về cuộc sống hạnh phúc, no đủ. Gầu plềnh là thể loại đặc sắc trong kho tàng dân ca của người Mông, thường được diễn xướng vào dịp vui xuân, đón tết. Đây là hình thức hát giao duyên với lời ca dí dỏm, tình tứ, giàu tính ước lệ và mang âm điệu miên man, say đắm:
"…Mặt trời chiếu mặt trăng
Mặt trăng sáng rực soi khắp ngả
Mình về cùng ta kết duyên thắm tươi...”
(Tình ca Mông)
Từ lâu, cây khèn luôn là vật bất ly thân với người đàn ông dân tộc Mông. Nhờ cây khèn độc đáo này, người Mông không chỉ thổ lộ tâm tình qua âm điệu du dương, trầm bổng mà còn là đạo cụ sinh động, giàu tạo hình trong những động tác điêu nghệ và mạnh mẽ của vũ điệu "tha kệnh”. Múa khèn thể hiện tinh thần thượng võ, ý chí kiên cường của người đàn ông miền sơn cước.
Cùng với văn hóa phi vật thể, người Mông ở Yên Bái còn có các loại hình văn hóa vật thể cũng rất độc đáo như kiến trúc nhà ở, đồ trang sức và trang phục truyền thống. Đặc biệt là váy áo của phụ nữ Mông với gam màu đen chủ đạo cùng những nét hoa văn tượng hình.
Nếu như trang phục phụ nữ Mông ở Mù Cang Chải, Văn Chấn luôn tạo được ấn tượng bởi những bộ áo váy hoa văn tinh xảo cùng chiếc khăn đội đầu, vòng thắt lưng được đính nhiều đồng tiền xu, tạo nên chuỗi âm thanh vui tai theo mỗi bước chân của các cô gái trên đường xuống chợ… thì phụ nữ Mông ở Trạm Tấu lại luôn rực rỡ trong những bộ áo váy với gam màu tươi tắn, những vòng tròn nhiều màu xinh xắn trên ống tay áo cùng những chiếc khăn đội đầu duyên dáng, tôn thêm vẻ đẹp của phụ nữ vùng cao.
Cùng với gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đồng bào Mông ở Yên Bái luôn đoàn kết, vượt lên khắc nghiệt của tự nhiên, lao động, sáng tạo làm cho cuộc sống vùng cao ngày càng khởi sắc. Ruộng bậc thang là một kỳ tích kết tinh từ những giá trị văn hóa và khát vọng vươn tới của người Mông nơi "cổng trời” Mù Cang Chải.
Mùa lúa chín cuối tháng 9 – đầu tháng 10 hàng năm, cũng là dịp diễn ra Tuần Văn hóa - Du lịch Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải với các sự kiện đặc sắc văn hóa Mông, như: phiên chợ vùng cao, triển lãm ảnh ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, hội thi giã bánh giày, biểu diễn khèn Mông, thi chọi dê... cùng các môn thể thao dân tộc: ném pao, đánh quay, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy và đặc biệt là được trải nghiệm cảm giác "Bay trên mùa vàng” từ đỉnh đèo Khau Phạ, thưởng ngoạn phong cảnh nên thơ - hùng vĩ của núi ngàn cùng những thung vàng đẹp như huyền thoại trên những cánh dù lượn.
Nếu như người Mông ở Mù Cang Chải giỏi làm ruộng bậc thang, thì đồng bào Mông ở Suối Giàng, Văn Chấn lại luôn biết phát huy tiềm năng thế mạnh để làm đẹp thêm cho cuộc sống của mình. Nằm ở độ cao gần 1.400 m so với mực nước biển, quanh năm khí hậu mát mẻ như Sa Pa, Đà Lạt... Suối Giàng là vùng sinh thái có cảnh quan thơ mộng cùng những đặc sản nổi tiếng, trong đó phải kể tới chè tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, mọc trên núi cao, bốn mùa mây vờn gió thổi làm nên sắc trà tinh khiết, đậm đà hương vị tự nhiên.
Suối Giàng cũng là không gian sống của đồng bào Mông với những sinh hoạt văn hóa truyền thống được duy trì tổ chức hàng năm. Người Mông nơi mảnh đất ngang trời này không chỉ sống chan hòa giữa thiên nhiên mà còn biết cải tạo tự nhiên làm nên những giá trị cuộc sống mới. B
ên sườn núi hay dưới những thung xa, giờ đây không chỉ có màu vàng của ngô, màu xanh của chè tuyết mà còn có cả sắc hương của những loài hoa do chính bàn tay và khát vọng của người Mông thêu dệt nên trên mảnh đất này. Người Mông trồng hoa và làm du lịch đang là hướng đi mới nơi vùng sinh thái Suối Giàng.
Nơi điệp trùng miền Tây Yên Bái, dường như ở đâu có người Mông thì ở đó có thông xanh. Thông che mưa chắn gió cho mỗi tổ ấm vùng cao. Thông rợp mát trên đường lên nương, xống chợ.
Hình ảnh cây thông vượt lên sương gió đã trở thành biểu tượng sức sống và nghị lực của người Mông trên triền núi cao. Trạm Tấu nơi có trên 80% đồng bào Mông sinh sống cũng là vùng đất của ngàn thông mã vĩ. Gió ngàn thông hòa trong tiếng sáo dặt dìu càng làm cho phố núi bên dòng Nậm Tung, Nậm Hát này thêm thơ mộng.
Lên với Trạm Tấu, du khách không chỉ được tắm mình trong không gian văn hóa người Mông mà còn có thể cảm nhận sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng cho xứ sở này. Tắm suối khoáng nóng sẽ là một trải nghiệm thú vị với những ai lên với vùng cao Trạm Tấu.
Một trong những đặc trưng của miền Tây Yên Bái đó chính là các phiên chợ rực rỡ sắc màu thổ cẩm. Trạm Tấu, Mù Cang Chải là những nơi luôn rộn ràng những buổi chợ phiên. Đồng bào Mông ở các bản xa thường xuống chợ từ rất sớm.
Xuống chợ với họ không chỉ là để bán đi những sản phẩm sau tháng ngày cần mẫn ruộng nương, những đặc sản của núi rừng và mua về các nhu yếu phẩm cho sinh hoạt gia đình... mà còn là đi chơi chợ để gặp gỡ, hẹn hò...
Đi chợ phiên từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Mông nơi vùng cao Yên Bái. Đặc biệt từ phố huyện, du khách sẽ được tham gia tour du lịch khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa Mông; cùng chinh phục đỉnh Tà Xùa cao trên 2.900 m để có được cảm giác vờn mây, giỡn gió chốn bồng lai tiên cảnh.
Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, người Mông ở Yên Bái là một trong những dân tộc còn bảo lưu được nhiều sắc thái văn hóa. Những giá trị văn hóa ấy luôn được các thế hệ người Mông nơi đây tự hào gìn giữ và phát huy trong cuộc sống mới.
Lên với miền Tây Yên Bái, du khách không chỉ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của núi ngàn Tây Bắc mà còn được trải nghiệm và khám phá không gian văn hóa vô cùng độc đáo qua những vũ điệu nồng nàn, qua tiếng khèn, tiếng sáo đắm say và mê hoặc cùng những gam màu rực rỡ của cuộc sống mới, được người Mông nơi mảnh đất này dệt nên bằng niềm tự hào, ý chí, sức sáng tạo và nồng nàn tình yêu với quê hương, xứ sở.
Thanh Tửu