Lễ Vu lan có lịch sử lâu đời, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và theo đó, đạo hiếu như một chất keo gắn chặt tình mẫu tử, gia đình, dòng họ và cao hơn nữa là cộng đồng, quê hương, đất nước và đã thấm sâu vào cuộc sống của người Việt Nam, rất phong phú.
Xuất phát từ điển tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ. Mục Kiền Liên là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật, có mẹ là bà Thanh Đề. Sinh thời, mẹ của bồ tát Mục Kiền Liên làm nhiều điều ác, xúc phạm chư tăng nên khi chết bị đày xuống địa ngục làm con ma đói.
Bồ tát Mục Kiền Liên tìm cách cứu mẹ không được. Ông được đức Phật chỉ cách phải cúng chư tăng vào dịp Rằm tháng Bảy và nhờ phước lực của đông đảo mười phương chư tăng chúng mới cứu được mẹ mình thoát khỏi đau khổ, hành hạ ở địa ngục.
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.
Và cứ dịp tháng Bảy hằng năm, tín đồ Phật giáo tổ chức cúng, dâng phẩm vật lên Tam Bảo để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ được siêu thoát. Đó là một hình thức để báo hiếu cho những người thân đã mất trong gia đình.
Dưới góc độ nghiên cứu văn hóa, lễ Vu Lan là một phong tục tập quán tốt đẹp trong văn hóa Phật giáo. Lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là ngày dành cho các Phật tử đó còn là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho bố mẹ đã sinh thành và dưỡng dục mình. Đây cũng là dịp để mọi người tìm về cội nguồn.
Nói cách khác, lễ Vu lan là một hình thức biểu hiện cụ thể của triết lý nhân sinh Phật giáo, có ý nghĩa giáo dục to lớn trong mọi thời đại, đặc biệt là trong thời đại ngày nay khi xã hội loài người đang phải đối mặt với sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức.
Có thể có người chưa hiểu đúng ý nghĩa lễ Vu lan nên trong những năm gần đây, còn không ít những việc làm không đúng với thuần phong mỹ tục, như việc đốt vàng mã ngày càng nhiều hơn. Không ít người đua nhau sắm các loại hàng mã như: ô tô, xe máy, nhà lầu, ti vi, máy bay, tàu thủy, máy tính xách tay, thẻ ATM,…. để đốt đi gửi xuống cho người thân ở "thế giới bên kia” với suy nghĩ "trần sao âm vậy” hay phải sắm thật nhiều thì ở cõi âm ông bà, cha mẹ, tổ tiên… mới phù hộ độ trì cho con cháu ăn nên làm ra,.. để "âm có siêu thì dương mới khánh và dương có khánh thì âm mới siêu”.
Vì thế, lễ Vu Lan là một liệu pháp tinh thần chữa trị căn bệnh đó trong bối cảnh đời sống đô thị hiện đại mà con người chạy theo những cám dỗ vật chất bên ngoài, lao vào những tham vọng cá nhân: háo tiền tài, hám danh vọng, ham sắc dục, v.v... rồi sự toan tính dẫn đến "stress” và đưa con người vào vòng tội lỗi, xa lánh cha mẹ, gia đình.
Đây là một trong những hoạt động văn hoá truyền thống, tập quán tốt đẹp của dân tộc và đã trở thành trách nhiệm, bổn phận của đạo làm con. Một nét đẹp trong văn hoá ứng xử góp phần duy trì, củng cố đạo lý trong gia đình, dòng họ và dân tộc; trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá đạo đức con người,… thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và vì thế được nhiều người tham gia.
Dù xã hội có văn minh phát triển đến đâu thì nét đẹp báo hiếu luôn được đề cao và mãi trường tồn. Vì thế, các thế hệ phải sống cho xứng đáng để đền đáp nghĩa tình sâu nặng của tổ tiên, ông bà, cha mẹ cũng như của những người đã quên mình vì đất nước, vì dân tộc đem lại hoà bình, hạnh phúc, cuộc sống ấm no cho chúng ta.
Để thể hiện tấm lòng của mình không chỉ đến ngày lễ Vu Lan mới thực hiện mà phải bằng việc làm thành tâm của con cái trong cuộc sống thường nhật và điều quan trọng là luôn nhớ tới tổ tiên, cha mẹ với sự thành tâm của mỗi người. Người giữ đạo hiếu với cha mẹ không thể đợi đến khi cha mẹ không còn nữa mới tìm cơ hội vái vọng đáp đền.
Hãy nhớ, không phải đợi đến Rằm tháng bảy chúng ta mới cảm thấy thương nhớ cha mẹ, mà phải tâm niệm rằng ngày nào, giờ nào, phút nào, tình yêu thương cha mẹ vẫn luôn chứa chan trong lòng mỗi người con hiếu hạnh.
(Theo enternews.vn)