Trong sự nghiệp sáng tác mỹ thuật của họa sĩ Hoàng Hoa Mai, người ta không thể không nói đến tranh chân dung của các Anh hùng dân tộc và nhất là đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu sáng tạo trong nhiều thập kỷ qua. Những sáng tác về chân dung Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly, Lê Văn Hưu,… được công chúng trân trọng về nội dung tư tưởng đến nghệ thuật tạo hình. Ông đã có nhiều tác phẩm được in, xuất bản trên các báo, tạp chí và được trưng bày lưu giữ tại nhiều bảo tàng, cả của Trung ương và địa phương.
Họa sĩ đã sáu lần có tác phẩm dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, trong đó có ba tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là một trong số các họa sĩ của cả nước vẽ nhiều tranh về Người và thành công như: Bác Hồ với cây chì đỏ (sơn dầu), Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990, Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập (sơn dầu), Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2009 về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tại Hà Nội; tác phẩm Nguyễn Ái Quốc (sơn dầu), Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005, được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ (sơn dầu), Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010 và hiện lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam, Bác Hồ thăm đình Gia Miêu (Hà Trung, Thanh Hóa năm 1947),…
Họa sĩ Hoàng Hoa Mai cho biết, sáng tác về đề tài chân dung Bác Hồ là tái hiện những sự kiện mà ở đó chưa từng có ảnh chụp về Người và ông chỉ căn cứ vào tư liệu lịch sử cùng lời kể của nhân chứng để xây dựng tác phẩm. Với cách thức miêu tả ấy, gần đây họa sĩ đã sáng tác hai tác phẩm: Bác Hồ nói chuyện với cán bộ kháng chiến ở rừng Thông - Ðông Sơn - Thanh Hóa và Nguyễn Tất Thành trên đất Mỹ. Bức tranh chân dung Nguyễn Tất Thành trên đất Mỹ là một tác phẩm mà tác giả đã dày công nghiên cứu, sưu tầm tư liệu để sáng tác trong nhiều năm nay.
Tác phẩm này cũng nằm trong dòng tranh biểu đạt tái hiện lịch sử, nhưng không có tư liệu ảnh và ít tư liệu thành văn nói về thời gian hoạt động của Người trên đất Mỹ trong những năm tháng đầu thế kỷ 20. Vì vậy, tác giả phải căn cứ vào thời gian, không gian mà Bác Hồ đến Mỹ năm 1912, khi mới 22 tuổi. Cách biểu cảm được khái quát giữa thần thái, dáng thế, cách nhìn đăm chiêu của Người với đất trời trầm lặng trong bối cảnh đất nước, con người ở thời điểm mà phong trào công nhân ở Mỹ đang hoạt động mạnh, đòi quyền dân chủ, tăng lương, giảm giờ làm,…
Vì vậy, tác giả miêu tả dung quang, biểu cảm, phong thái lúc Bác Hồ còn rất trẻ, nhưng ở trong tâm thức của Người toát lên một hoài bão rất lớn là phải làm gì để đất nước được độc lập, người dân được tự do, không còn chế độ thực dân cai trị, nhân dân Việt Nam phải được sống bình đẳng hạnh phúc.
Với cách tiếp cận tư tưởng ấy của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, tác giả phải miêu tả như thế nào về đường nét, mầu sắc là phải giống Người về cấu trúc, về tâm hồn một cách lô-gích theo phương pháp hình thể học và trong bối cảnh Bác Hồ đến Mỹ vào mùa lạnh tháng 12 và đã đi nhiều nơi để nghiên cứu đất nước, con người, xã hội Mỹ, đến nhiều nơi như nhà Quốc hội Mỹ, địa điểm đặt tượng Nữ thần Tự do, tại đây người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có những nhận xét một cách sâu sắc về nhân quyền và tự do một cách hình thức của xã hội tư bản. Bức tranh Nguyễn Tất Thành trên đất Mỹ đã được hoàn thành năm 2016, là một tác phẩm mà tác giả hoài niệm bấy lâu nay.
Tác phẩm Bác Hồ nói chuyện với cán bộ kháng chiến ở rừng Thông - Ðông Sơn - Thanh Hóa dựa trên sự kiện lịch sử về chuyến công tác của Người thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp vào ngày 20-2-1947. Ðây là tác phẩm tâm nguyện mà họa sĩ Hoàng Hoa Mai đã dày công nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua để sáng tác.
Tác phẩm bắt đầu từ những ký họa của họa sĩ trong những năm 70 của thế kỷ 20 với nhiều phác thảo khác nhau, thể hiện đều theo bố cục hoành tráng với sự tham dự của đông đảo cán bộ, nhân dân với nhiều lớp, cấu trúc theo lối minh họa lịch sử, diễn giải, có chủ thể, khách thể tả thực. Sau nhiều đóng góp của các nhà sử học, mỹ thuật văn hóa ở Trung ương cũng như ở địa phương, cuối cùng tác phẩm được hoàn thành với chất liệu sơn dầu.
Ðể tác phẩm có sức thuyết phục đúng với lịch sử, họa sĩ đã gặp nhiều nhân chứng thời đó và họ cho biết cụ thể là tháng hai năm ấy, giữa mùa xuân nhưng trời còn rất lạnh; Bác mặc bộ quần áo ka-ki mầu vàng nhạt, bên ngoài khoác áo ba-đờ-xuy, chân đi giày vải, ngồi trên một phiến đá dưới chân núi thông. Hình ảnh Bác Hồ giản dị và gần gũi giữa cán bộ và nhân dân, như một cuộc gặp gỡ, căn dặn trong một gia đình lớn và mọi người chăm chú lắng nghe, ghi chép lời Người căn dặn, chỉ bảo về mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm của cán bộ trong công cuộc kháng chiến kiến quốc,… Người ngồi trên một phiến đá với tư thế thoải mái bình dị, tay đặt quyển sổ lên đầu gối chân, tay phải giơ lên nhấn mạnh những vấn đề quan trọng để cán bộ dễ hiểu, dễ nhớ.
Ðể miêu tả thần thái, đôi mắt, dung mạo lúc bấy giờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả phải tìm lại nhiều hình ảnh về Người từ thời kỳ năm 1945 đến năm 1948 để nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Trong thư tịch, tài liệu lịch sử của tỉnh Thanh Hóa và Trung ương không hề có một bức ảnh nào chụp Bác Hồ tại rừng Thông tháng 2-1947. Toàn bộ bức tranh được bố cục trong nền xanh của cây lá núi rừng, như báo hiệu một mùa xuân tươi sáng của cách mạng toàn thắng đang đến gần mà Bác Hồ là ngôi sao sáng dẫn đường cho dân tộc, trong đó có nhân dân Thanh Hóa. Ðể bức tranh sinh động, tác giả đã cấu trúc giữa chân dung, phong thái và cảnh vật thành một thể thống nhất, hài hòa, hoàn chỉnh. Qua đó, người xem tranh như cảm nhận được giọng nói ấm áp, vui tươi, đầy lạc quan và tình cảm trìu mến mà Bác Hồ dành cho cán bộ và nhân dân Thanh Hóa.
Là một nhà báo, họa sĩ, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Hoàng Hoa Mai mong muốn sẽ có thêm nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðó cũng là tâm huyết và ý nguyện cả đời của ông trong sự nghiệp sáng tác.
(Theo Nhân Dân)