Vì sao mai một?
Tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh như Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, người dân tộc Tày, Mường, Dao, Khơ Mú, Cao Lan... không còn mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt thường ngày, nếu có chỉ phụ nữ và đàn ông có tuổi. Tình trạng này cũng diễn ra trên toàn quốc.
Theo Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam: 40/54 dân tộc ở Việt Nam hiện nay người dân không còn mặc trang phục truyền thống. Vì thế, việc nhận biết bản sắc, định danh dân tộc qua cách ăn mặc hàng ngày tại không ít nơi trở nên khó khăn.
Đáng lo ngại hơn, ở một số dân tộc, trang phục truyền thống có nguy cơ "biến mất”, như dân tộc Xa Phó (Văn Yên); số chị em mặc trang phục phụ nữ truyền thống chỉ "đếm trên đầu ngón tay”.
Vì sao trang phục truyền thống ngày càng mai một? "Nguyên nhân chính là do không gian văn hóa, sinh hoạt, sản xuất thay đổi nhanh chóng.
Quá trình phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, giao lưu, tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa và hội nhập, bản sắc và những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc, trang phục truyền thống vì thế cũng chịu nhiều ảnh hưởng’’ - ông Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái nhận định.
Từ việc coi trang phục truyền thống là lỗi thời, lạc hậu, thiếu tiện dụng nên không chỉ giới trẻ mà người lớn tuổi ở một số nơi dân tộc ít người cũng không "mặn mà’’ với trang phục của dân tộc mình. Điều này dẫn đến nghề làm trang phục truyền thống bằng phương pháp thủ công cổ truyền cũng ít dần.
Các bộ trang phục chỉ còn được mang ra mặc trong những ngày lễ, tết, đám cưới... hoặc dịp lễ hội lớn của các dân tộc. Bên cạnh sự mai một, thái độ ứng xử với trang phục truyền thống qua việc làm mới, cách tân, cải biên cũng đáng quan ngại.
Trong một chuyến công tác tại huyện Văn Chấn, bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy một số phụ nữ Mông lại mặc váy màu xanh chứ không phải màu chàm pha họa tiết. Khi hỏi mới biết, hầu hết chị em mua vải tại chợ để làm váy, từ đó làm thay đổi hẳn màu sắc trang phục so với trang phục bản địa.
Làm gì để bảo tồn và phát huy?
Trang phục truyền thống không chỉ thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc thiểu số, mỗi bộ trang phục còn mang dấu ấn lịch sử, giá trị nghệ thuật và tín ngưỡng riêng của dân tộc đó.
Đến với mỗi vùng đất, không chỉ tìm hiểu lịch sử, danh lam thắng cảnh, du khách cũng rất quan tâm tìm hiểu về văn hóa bản địa, trong đó có trang phục. Vì thế, giữ gìn trang phục truyền thống không chỉ lưu giữ văn hóa, mà còn phục vụ phát triển du lịch, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Không phải đương nhiên mà những năm gần đây, du khách đến huyện Mù Cang Chải tăng nhanh.
Nếu như năm 2015 có khoảng 20.000 lượt du khách đến huyện thì năm 2018 con số này tăng lên 90.000 lượt người, trong đó có 10.000 lượt khách nước ngoài. Riêng 6 tháng đầu năm nay, đã có hơn 40.000 lượt khách đặt chân đến khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp ở huyện vùng cao này.
Kết quả trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân do Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt Nghị quyết số 19 của Huyện ủy về "Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020".
Trong đó, huyện chỉ đạo khảo sát, kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể và bảo tồn, khôi phục, phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch. Vì vậy, cùng đến chiêm ngưỡng Di sản văn hóa Danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang, du khách còn "bị" lôi cuốn bởi văn hóa đặc sắc người Mông, trong đó có trang phục.
Không chỉ tại Mù Cang Chải, tại một số nơi như thị xã Nghĩa Lộ, việc giữ gìn trang phục truyền thống cũng được quan tâm. Với áo cỏm, khăn phiêu đã tạo "sức hút" lôi cuốn du khách, góp phần phát triển mạnh mẽ du lịch của địa phương.
Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu "Di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu”, từ đó nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc theo chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, những năm gần đây các địa phương đã triển khai nhiều dự án, đề án bảo tồn trang phục truyền thống.
Đáng mừng là ngày 12/4/2019, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Theo Đề án, bảo tồn trang phục là nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, đơn địa và địa phương với đối tượng, giải pháp, nguồn lực, thời gian hết sức cụ thể.
Thay lời kết
Trang phục không chỉ là di sản văn hóa, là thông điệp quá khứ để lại, nhìn trang phục là có thể phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Với sự vào cuộc của các ngành chuyên môn, của các địa phương và mỗi dân tộc trong thực hiện Đề án, trong đó, quan trọng nhất khi mỗi cá nhân cho tới cả cộng đồng 30 dân tộc anh em chủ động và tự giác coi việc gìn giữ, phát triển trang phục truyền thống của dân tộc mình là việc phải làm cho hiện tại và tương lai thì trang phục mới được lưu giữ thực sự.
Mỗi khi đến với Yên Bái, không chỉ biết được vùng đất lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh, mến khách, thông qua trang phục, mỗi du khách sẽ còn cảm nhận được một miền quê đầy bản sắc văn hóa, hòa quyện giữa cái chung và cái riêng, giữa quá khứ và hiện tại, tạo nên một sắc màu riêng, đặc sắc giữa vùng Tây Bắc.
Nguyễn Đình