Muôn màu Trung thu ở các nước châu Á

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/9/2019 | 4:46:39 PM

Ở nhiều nước châu Á, Tết Trung thu là một lễ hội có ý nghĩa đặc biệt trong dòng chảy văn hóa truyền thống. Do lịch sử phát triển và phong tục tập quán riêng nên ở mỗi quốc gia Trung thu có các tên gọi và cách đón mừng đêm trăng rằm khác nhau.

Hoạt động phổ biến nhất trong lễ hội Trung thu ở Singapore là rước đèn lồng.
Hoạt động phổ biến nhất trong lễ hội Trung thu ở Singapore là rước đèn lồng.

Theo các ghi chép lịch sử và khảo cổ, Tết Trung thu bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước. Khi tiết trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, người nông dân làm lễ tạ ơn Trời Đất, Thần Nông, ông bà tổ tiên, nên dùng các loại ngũ cốc làm ra các loại bánh cùng hoa quả để cúng tế.

Tại Trung Quốc, tương truyền từ thời Chu (1046 - 256 trước Công nguyên), cứ đến rằm tháng Tám người dân đều tổ chức lễ tế trăng và chào đón mùa đông. Trên bàn lễ, họ bày biện rất nhiều thứ: Bánh Trung thu, dưa hấu, táo, mận, nho..., trong đó bánh Trung thu và dưa hấu là hai thứ không thể thiếu. Dưa hấu còn phải tỉa thành hình hoa sen.

Đến thời Đường (816 - 907), việc thưởng nguyệt, chơi trăng trong đêm đoàn viên trở nên thịnh hành. Sang thời Tống (960 - 1279), phong tục này phát triển mạnh mẽ hơn nhiều. Sau thời Thanh (1912), tập tục ngắm trăng được duy trì như cũ, có nhiều nơi còn hình thành tục lệ thắp hương cầu khấn, dựng cây Trung thu, thắp đèn tháp, thả đèn trời, đi dạo dưới trăng, múa lân...

Ngày nay, Tết Trung thu của người Trung Quốc không chỉ là ngày lễ lớn thứ hai trong năm sau Tết Nguyên đán mà còn đại diện cho sự đoàn tụ của gia đình. Những người con ở xa bố mẹ sẽ cố gắng hết sức để về nhà để có bữa cơm sum vầy vào đúng tối 15-8 âm lịch, sau đó cùng gia đình ngắm trăng, thưởng trà và ăn bánh Trung thu. Chính vì vậy, tình trạng quá tải tàu xe trong những ngày này ở đất nước đông dân nhất thế giới không phải là chuyện hiếm.

Lin Xuejuan quê ở Sán Vĩ, tỉnh Quảng Đông, làm việc tại một công ty dịch vụ y tế ở Thâm Quyến cho biết cô hiếm khi bỏ lỡ cơ hội trở về thăm bố mẹ vào dịp Trung thu, mặc dù phải vượt qua quãng đường 200km và gặp khó khăn trong việc đặt vé tàu, chen chúc giữa những đám đông khổng lồ.

"Ngày nay chúng ta luôn bận rộn với cuộc sống và công việc và hiếm khi có thời gian trở về cùng gia đình, gặp người thân, bạn bè. Những lễ hội như vậy cho chúng ta một cơ hội tốt để kết nối lại với nhau", cô gái 28 tuổi chia sẻ.

Tương tự như Trung Quốc, tại Malaysia, Singapore, Philippines, nơi có cộng đồng người Hoa đông đúc, lễ hội Trung thu cũng được tổ chức hoành tráng.

Tới Singapore những ngày này bạn có thể cảm nhận không khí đón Trung thu rộn ràng mọi góc phố với những dãy đèn lồng treo rợp trời, bánh Trung thu bày bán khắp các cửa hiệu. Ngoài các màn trình diễn ánh sáng biến quốc đảo Sư tử thành "xứ sở thần tiên”, nhiều công viên đã tổ chức lễ hội đèn lồng, phố ẩm thực và trình diễn các điệu nhảy đón trăng truyền thống.

Còn ở Philippines, vào đêm Trung thu thường có nhiều người mặc trang phục dân tộc cầm những chiếc đèn lồng có hình dạng khác nhau đi dọc các con phố.

Ngoài ra, ở những khu vực trung tâm là nơi biểu diễn múa rồng, múa lân. Một trò chơi thường được tổ chức vào dịp này đó là Pua Tiong Chiu, tương tự như trò chơi lăn viên xúc xắc. Phần thưởng cho người thắng cuộc là những chiếc bánh Trung thu xinh xắn.

Trong khi đó, đối với người dân Malaysia, địa điểm đón rằm tháng Tám lý tưởng nhất là ở Penang, một bang nằm ở sát eo biển Malacca. Nếu đến Penang vào thời điểm này du khách sẽ có những trải nghiệm khó quên khi hòa vào các cuộc diễu hành đèn lồng có tên gọi "Dòng sông ánh sáng”, xem các cuộc tỷ thí võ Wushu tại quảng trường Straits Quay hoặc lên đồi để ngắm toàn cảnh thành phố George Town lung linh trong đêm hội.

Theo quan điểm của người Hàn Quốc hiện đại, Trung thu, hay còn gọi là lễ Chuseok, là dịp lễ lớn nhất trong năm và được xem là biểu tượng của sự thịnh vượng ở xứ Kim chi. Người dân nước này vẫn thường nói: "Chả cần ước gì cả, chỉ cần ngày nào cũng như Chuseok là được”.

Vào buổi sáng sớm ngày đầu tiên của lễ Chuseok, toàn bộ gia đình tụ họp tại gian nhà chính, nơi bày bàn thờ tổ tiên để tiến hành các nghi lễ tưởng niệm. Nếu như vào ngày Tết Nguyên đán món ăn điển hình là tteok-guk (canh bánh gạo) thì vào ngày Chuseok món ăn chủ đạo được dùng để dâng lên tiên tổ là mebap (cơm gạo mới vừa thu hoạch). Sau đó, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau để "hưởng lộc” của tổ tiên ban cho. Bánh Trung thu của người Hàn Quốc có tên gọi songpyeon, khác với bánh của Trung Quốc.

Dù cũng làm từ bột nếp nhưng songpyeon có hình bán nguyệt và mang nhiều loại nhân làm từ đậu như đậu đỏ, đậu nành... Sau khi sơ chế, bánh sẽ được hấp với lá thông tươi. Trái cây không thể thiếu trong lễ Chuseok là quả hồng. Xuyên suốt 3 ngày diễn ra lễ hội, người dân tham gia rất nhiều hoạt động khác nhau. Thay vì múa lân sư rồng, người Hàn Quốc thường hóa trang thành những chú bò, chú rùa cùng với một đoàn lễ nhạc đi đằng sau. Những trò chơi truyền thống trong dịp này có đánh trận giả, thi bắn cung, đấu vật...

Khác với nhiều quốc gia châu Á, Tết Trung thu ở Nhật Bản, hay còn gọi là Otsukimi, được tổ chức 2 lần mỗi năm. Lần đầu tiên vào ngày 15-8 âm lịch như thường lệ, còn được gọi là "Đêm 15”. Lần thứ hai được tổ chức vào 13-9 âm lịch và gọi là "Đêm 13”. Người Nhật Bản quan niệm rằng một khi đã ngắm trăng Đêm 15 thì nhất định phải ngắm trăng vào Đêm 13. Bởi nếu chỉ ngắm trăng Đêm 15 thì chắc chắn sẽ gặp xui xẻo hay tai họa. Đây cũng là một nét riêng biệt của Trung thu Nhật Bản.

Trong lễ hội ngắm trăng Otsukimi, người Nhật thường bày bánh Trung thu truyền thống theo hình tam giác trên một kệ gỗ, bên cạnh là bình cỏ lau và đặt ở nơi có thể ngắm trăng rõ nhất để vừa ăn bánh vừa ngắm trăng. Còn trẻ em được cha mẹ sắm cho những chiếc đèn lồng hình cá chép để tham gia vào hội rước đèn. Tương truyền cá chép là loài động vật tượng trưng cho nghị lực, trí tuệ, lòng quả cảm và sự nhẫn nại nên người Nhật hy vọng con cái họ sẽ thừa hưởng những đức tính tốt đẹp đó.

Ngoài những đất nước kể trên, Tết Trung thu cũng là nét văn hóa truyền thống của Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Triều Tiên với rất nhiều hoạt động đa dạng và nhiều màu sắc riêng.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Chiều 16-4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Đáng chú ý, sau khi tiến hành sơ loại, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Giải Báo chí quốc gia kỳ này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Sở Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn xây dựng về kinh phí, trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo đúng đủ kinh phí cho hoạt động kỷ niệm; các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể các điểm bắn pháo hoa, chương trình nghệ thuật ánh sáng tối 10/10/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục