Cắc kéng - nhịp điệu mừng cơm mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/11/2019 | 11:00:32 AM

YênBái - Trải qua thời gian, cắc kéng trở thành một loại hình nghệ thuật cộng đồng của đồng bào Tày xã Khánh Thiện, trở thành điệu múa, đi vào câu khắp, câu cọi...

Màn biểu diễn cắc kéng của đồng bào Tày thôn Làng Giàu, xã Khánh Thiện, Lục Yên.
Màn biểu diễn cắc kéng của đồng bào Tày thôn Làng Giàu, xã Khánh Thiện, Lục Yên.

Khi tiết trời chuyển se lạnh để đón mùa Thu sang thì cũng là lúc những hạt Nếp cái hoa vàng ngoài đồng vào chắc. Từ xưa đến nay, cứ vào thời điểm này là đồng bào người Tày ở xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên lại bước vào mùa mừng cơm mới (khẩu mảu). Khi ấy, cả bản làng vang tiếng chày, tiếng cối giã cốm, tất cả những âm thanh đó đã tạo nên một nhịp điệp cắc kéng (giã cốm) rộn rã, độc đáo riêng mà chỉ nơi đây mới có.


Hình ảnh nhà nhà giã cốm, người người giã cốm, cả làng rộn ràng trong nhịp chày giã cốm mỗi khi đến mùa khẩu mảu chỉ còn trong tiềm thức, hay qua lời kể của các ông, các cụ ở độ tuổi "xưa nay hiếm” nhưng nhịp điệu cắc kéng thì vẫn được các thế hệ con cháu người Tày ở xã Khánh Thiện lưu truyền và tái hiện.

Bà Quốc Thị Sỉnh - người dân xã Khánh Thiện cho biết: "Phong tục tập quán từ đời xưa rồi, khi lúa nếp vừa hết mầm sữa thì người dân đi gặt về, đem đi sấy, sấy lúa xong mang đem đi giã thành cốm và tạo nên nhịp điệu cắc kéng như thế”. 

Xã Khánh Thiện được thiên nhiên ưu đãi thời tiết ôn hòa, nguồn nước, nguồn đất trong lành đầy dưỡng chất, chính vì thế mà giống lúa Nếp cái hoa vàng đã phù hợp, được người dân nơi đây gieo cấy bao đời nay. Lúa nếp ở đây dẻo, thơm và có vị đậm đà đặc trưng riêng, đặc biệt khi được đồ xôi hoặc làm cốm. Lúa nếp được bà con Khánh Thiện trồng nhiều trong vụ mùa. 

Chính vì vậy, khi lúa vừa vào chắc, hạt lúa vẫn còn "ngậm” chút sữa là thời điểm tốt nhất để làm cốm thì thời tiết cũng chuyển sang se lạnh của mùa Thu.

Có lẽ vậy đã khiến cho mùa khẩu mảu nơi đây trở nên nhẹ nhàng, nên thơ, khiến con người ta cảm giác dễ chịu, lâng lâng sau những ngày mùa thu hoạch lúa vất vả, khiến cho những hạt cốm xanh dẻo trở nên thơm dịu. Khi xưa, cứ vào tháng 9, tháng 10 âm lịch là cả làng lại rộn lên tiếng cối, tiềng chày giã cốm, mọi người tập trung giúp nhau làm cốm. 

Hình ảnh các thiếu nữ, các mẹ, các bà cùng nhau giã cốm và tiếng chày, tiếng cối tạo thành một nhịp điệu rộn rã được người dân bản địa gọi là cắc kéng để tạ ơn trời đất, mừng một mùa màng tươi tốt, bội thu. 

Trải qua thời gian, cắc kéng trở thành một loại hình nghệ thuật cộng đồng của đồng bào Tày xã Khánh Thiện, trở thành điệu múa, đi vào câu khắp, câu cọi: "Tháng 9 mùa cốm non/Tháng 10 mùa cốm già/Em ra đồng gặt lúa/Anh lấy đòn đi gánh/Cùng nhau mang lúa về”.

Cối giã cốm có chiều dài khoảng 2 m, được đục từ thân của một cây gỗ cứng, lớn để tạo âm thanh vang. Chày giã có chiều dài khoảng 1,5 m, được làm bằng cây gỗ chắc, to bằng cổ tay, vừa tay người nắm. Khi giã, mọi người đứng hai bên, có một người đứng đầu cối để làm cái. 

Khi giã phải đều tay, tạo nhịp đều, rộn rã. Giã cốm không chỉ là làm ra một món ăn mà nó còn mang ý nghĩa tâm linh, bởi sau khi kết thúc mùa thu hoạch lúa, đồng bào nơi đây muốn có hạt cốm thơm, dẻo để dâng lên tiên tổ, cầu mong trời đất luôn mưa thuận gió hòa, giúp người nông dân gặp nhiều may mắn trong lao động, sản xuất. Chính vì thế, nhịp cắc kéng cũng rất mạnh mẽ, dứt khoát, thể hiện sự vui mừng, phấn khởi.

Do sự phát triển của xã hội, ngày nay, việc làm cốm nhờ nhiều vào máy móc nên dễ dàng hơn. Để lưu giữ và truyền lại cho thế hệ con cháu những nét đẹp trong truyền thống, cắc kéng vẫn được người dân xã Khánh Thiện tái hiện trong những dịp lễ, tết, đặc biệt trong lễ mừng cơm mới, để từ đó, nhịp điệu cắc kéng - nhịp điệu của sự no ấm, tốt tươi vẫn được vang lên khắp các bản làng nơi này.

Duy Khánh - Anh Tịnh (Trung tâm TT&VH Lục Yên)

Tags Lục Yên Khánh Thiện câu khắp câu cọi mừng cơm mới giã cốm

Các tin khác
Chứng nhận Kỷ lục Guiness cho số người tham gia hát đồng song thanh nhiều nhất.

Tổng cộng 1.308 ca sỹ đã đồng biểu diễn hát song thanh (Khoomei) - một kỹ thuật hát độc đáo của người Mông Cổ mà người hát sẽ tạo ra hai cao độ đồng thời trong khi hát.

Những điệu dân ca Thái do nghệ nhân Điêu Thị Xiêng sưu tầm sáng tác đã được lớp trẻ học và biểu diễn trong các ngày hội văn hóa Tây Bắc.

Du khách đến các bản làng người Thái Nghĩa Lộ đều có thể được thưởng thức âm thanh của tiếng khèn, tiếng pí cùng tiếng hát khắp Thái để cảm cảm nhận rõ nét hơn về nét văn hóa của người Thái nơi này.

Thành phố Hà Nội là 1 trong số 66 thành phố mới vừa được UNESCO ghi danh vào mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Chiếc khăn Piêu của người phụ nữ Thái chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Chiếc khăn Piêu là loại thổ cẩm nổi tiếng của người Thái, một đặc trưng văn hóa chứa đựng những giá trị tinh thần, vật chất được đúc kết, trao truyền qua nhiều thế hệ. Khăn Piêu được phụ nữ Thái dệt từ bông vải, nhuộm chàm kỹ, thêu thùa 2 đầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục