Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái đen là váy và áo cỏm. Đây là kiểu áo được may bó sát người, cổ cao, chính giữa là hàng cúc hình con bướm; váy màu đen kèm theo dây thắt lưng, dây xà tích; phụ nữ Thái đầu đội khăn Piêu, khoác túi thổ cẩm.
Trang phục nam là áo màu đen, cổ tròn, chất liệu vải thổ cẩm hoặc vải chàm; quần đen. Ngày nay, đến chợ Mường Lò, chúng ta bắt gặp rất nhiều dãy hàng thổ cẩm bán trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.
Ở Nghĩa Lộ có nhiều địa chỉ may váy áo cỏm truyền thống uy tín như hộ chị Hoàng Thị Phương ở phường Tân An, chị Lò Thị Hoa ở xã Nghĩa An. Nhiều người gắn bó với nghề từ lâu và có nhiều kinh nghiệm may rất đẹp như chị Đinh Thị Thỉnh ở Pá Khết, phường Trung Tâm. Chị Thỉnh làm nghề may váy áo cỏm truyền thống đã được gần 30 năm nay, đã truyền dạy cho nhiều lớp trẻ học nghề để các em giữ nghề và có thể sống được bằng nghề truyền thống.
Hiện nay, quán chị cũng có vài người trẻ học nghề và giúp việc. Kinh nghiệm để may váy áo cỏm đẹp của chị là đo phải rất sát vòng ngực, eo, đo chi tiết vòng cổ, vòng tay; khi cắt phải chú ý phần nách rộng hơn một chút; chọn vải cũng phải là vải co giãn mặc sẽ thoải mái hơn. Nhờ vậy, chiếc áo nào cũng vừa vặn và tôn dáng của khách hàng nên khách đến may rất đông.
Hiện nay, ở các xã, phường, cán bộ nam, nữ là người dân tộc thiểu số thường xuyên mặc trang phục truyền thống đi làm. Ở các trường học có tỷ lệ học sinh dân tộc Thái cao như: Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Hồng Phong - xã Nghĩa An, Hoàng Văn Thụ - xã Nghĩa Lợi, Trần Phú - xã Nghĩa Phúc, toàn bộ học sinh mặc trang phục truyền thống vào thứ 2 đầu tuần, nhiều em còn mặc thường xuyên.
Em Lường Thị Hoài Hương - học sinh lớp 9, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ - xã Nghĩa Lợi chia sẻ: "Em rất thích bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình bởi rất kín đáo mà không kém phần duyên dáng và nó càng duyên dáng hơn khi chúng em biểu diễn các điệu xòe cổ. Bởi thế, dù đi học hay ở nhà em luôn mặc trang phục truyền thống”.
Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Trong thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch, để cụ thể hóa những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về xây dựng con người văn hóa và bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ, thị xã đã đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.
Đó là, chỉ đạo lồng ghép đưa nội dung này vào các tiêu chí xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa; phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực; có các tiêu chí chấm giải riêng cho các tiết mục bảo tồn văn hóa truyền thống trong hội diễn nghệ thuật quần chúng; lồng ghép tuyên truyền, quảng bá nét đẹp trang phục truyền thống trong các lễ hội Hạn khuống, Xên bản, xên mường. Thời gian tới, thị xã tiếp tục cụ thể hóa nhiều giải pháp nhằm triển khai thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” của tỉnh Yên Bái trên địa bàn thị xã”.
Lò Hằng