Nghề thêu, dệt thổ cẩm là nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao nơi đây. Bởi thế mà mặc dù quanh năm bận rộn với ruộng vườn, song phụ nữ người Dao thôn 2 Túc vẫn "ưu tiên” dành thời gian để công việc yêu thích này.
Theo phong tục từ xưa, con gái người Dao trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá, tự tay dệt quần áo cho mình và gia đình nhà chồng. Vì thế mà ngay từ khi còn nhỏ, các cô gái dân tộc Dao đã được các bà, các mẹ truyền dạy cách thêu thùa, may vá.
Các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào dân tộc Dao thôn 2 Túc chủ yếu sản xuất theo phương pháp thủ công, đòi hỏi sự tài hoa, tinh tế và tốn nhiều công sức, trong khi những sản phẩm may sẵn lại rẻ và phong phú hơn về chủng loại nên đã có thời gian nghề thêu, dệt thổ cẩm nơi đây bị mai một.
Trước thực trạng trên, nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", Đảng bộ xã Phúc Lợi đã đề ra chủ trương quyết tâm xây dựng và phát triển làng nghề thêu, dệt thổ cẩm thôn 2 Túc.
Theo đó, cùng với việc tăng cường phối hợp với ngành chức năng mở lớp dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc Dao trong xã, các tổ chức, đoàn thể còn tuyên truyền, vận động bà con thôn 2 Túc thành lập nhóm thêu, dệt thổ cẩm với tổng số gần 50 thành viên (trong đó có 1 nghệ nhân). Hiện tại, nhóm thêu, dệt thổ cẩm này đã và đang duy trì hoạt động có hiệu quả, ngày càng thu hút được nhiều thành viên ở các thôn khác cùng tham gia.
Các sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm của đồng bào Dao thôn 2 Túc khá da dạng về mẫu mã, chủng loại, bao gồm: quần áo, khăn, mũ, váy, túi xách... được làm rất cẩn thận, tỉ mỉ, có tính thẩm mỹ cao nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Thị trường không chỉ là địa bàn các xã, các huyện trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh bạn; có mặt trên nhiều sân khấu biểu diễn của các nghệ sỹ, diễn viên trong, ngoài tỉnh; làm quà tặng cho khách du lịch và là sản phẩm trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Do đó, đây cũng là động lực để bà con thôn 2 Túc quyết tâm gắn bó với nghề. Hiện nay, thôn 2 Túc có 48 hộ tham gia làm nghề thêu, dệt thổ cẩm. Năm 2018, làng nghề thổ cẩm thôn 2 Túc đã bán ra thị trường trên 5.000 sản phẩm với tổng doanh thu đạt gần 1,7 tỷ đồng; bình quân doanh thu của mỗi hộ đạt 34,6 triệu đồng/năm. Dự ước, năm 2019, tổng doanh thu của làng nghề cao hơn năm 2018.
Với mục tiêu xây dựng làng nghề thêu, dệt thổ cẩm thôn 2 Túc phát triển bền vững, thời gian tới, cùng với việc tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên tham gia làng nghề, huyện Lục Yên cũng đã có chủ trương mở các lớp đào tạo nghề thêu, dệt thổ cẩm cho các thanh niên, học sinh dân tộc Dao; phối hợp với ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng của làng nghề đáp ứng yêu cầu sản xuất và tạo cảnh quan, môi trường sống "sáng, xanh, sạch, đẹp”; khuyến khích việc thành lập các câu lạc bộ, hợp tác xã sản xuất hàng thêu, dệt thổ cẩm để các thành viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm; xây dựng khu trưng bày sản phẩm gắn với phát triển du lịch…
Hồng Oanh