Người Dao ở vùng Văn Chấn có Dao đỏ và Dao Quần chẹt, có dân số đứng thứ tư sau các tộc người Kinh, Thái, Tày; sinh sống thành từng thôn, bản lớn tập trung ở các xã Nậm Lành, Nậm Mười, Nậm Búng, Suối Quyền, An Lương. Từ lâu, người Dao đỏ nơi đây có vốn văn hóa, nghệ thuật truyền thống phong phú và độc đáo thể hiện qua các làn điệu hát giao duyên, dân ca, dân vũ, lễ hội và tập quán sinh hoạt tín ngưỡng.
Trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật truyền thống của người Dao đỏ Văn Chấn có một loại hình nhạc cụ không thể thiếu đó là chiếc trống có tang được làm bằng thân gỗ khoét rỗng gọi là trống nêm. Trống nêm không chỉ là nhạc cụ gõ có hình dạng khác lạ, độc đáo về cấu tạo chất liệu và âm sắc mà còn là một biểu tượng trong đời sống tâm linh của người Dao đỏ trên rẻo cao của huyện Văn Chấn.
So với các loại trống của người Kinh, người Tày, trống nêm của người Dao đỏ nơi đây có kích thước vừa, không giống tộc người Dao đỏ ở vùng khác, chiều cao của trống trung bình từ 21 cm đến 23 cm, đường kính trống theo quy định 31 cm.
Tang trống được làm từ thân gỗ cắt ngang "hình thớt” rồi đục rỗng, nếu trống nhỏ thì để nguyên, nếu thân gỗ to thì chẻ ra thành các thanh có kích thước phù hợp với vía, tuổi của ông chủ nhà, rồi khớp lại chặt chẽ bằng các sợi dây mây rằng níu lại tạo thành một dải liên kết sau đó dùng nêm gỗ được đẽo đều nhau thành nêm rồi nêm chặt vào thân trống có tác dụng kéo căng dây và mặt trống.
Mặt trống hình tròn, được bưng bằng da hươu, da trăn, da bò hoặc da trâu đều được, có đường kính 31 cm đến 33 cm. Khi bưng mặt trống, phần còn thừa của da hai mặt trống được các nghệ nhân dùng dây mây níu lại và kéo căng bằng những chiếc nêm về phía thân trống, sau đó dùng nhiều nêm nêm kín lại theo ngược chiều đồng hồ để tạo độ căng mặt và lấy âm thanh theo ý muốn của người dùng trống.
Theo ông Lý Kim Minh là người Dao đỏ, thôn Nậm Kịp, xã Nậm Lành cho biết: "Trước kia, mặt trống thường làm bằng da Sơn Dương, da trăn, da bão thì da mỏng chắc, âm thanh rất tốt mà lại bền đẹp. Ngày nay do hiếm thú rừng nên phải làm từ da dê, da trâu, da bò hơi dày bản, âm sắc chưa được theo ý muốn lắ”.
Hiện, nhà ông Bàn Tòn Sếnh người cùng thôn Nậm Kịp còn lưu giữ được một cuốn sách hướng dẫn cách làm trống và đánh trống nhưng đã cũ nát không đọc được hết nội dung. Nhưng đại ý nội dung sách nói rằng trống này người nào chưa biết đánh thì buồn như đám hiếu, như ở cô lập một mình. Người nào biết đánh thì âm thanh vui như ngày hội, ngày đám cưới, ngày làm tết nhảy”.
Theo nghệ nhân Lý Kim Vượng cũng cùng thôn thì việc làm trống, cấu tạo trống và chất liệu trên tang trống chỉ có một hàng nêm nên trống ở đây khác biệt với vùng khác (ở vùng khác có nơi làm hai hàng nêm ngược nhau, có nơi làm đến ba hàng nêm, hai hàng bên xuôi, hàng ở giữa thì ngược ở tang trống như ở người Dao đỏ Lào Cai).
Do đó, khi đánh trống, âm thanh cũng khác biệt so với người Dao đỏ nơi khác. Tiếng trống ở đây thoát ra cũng trầm ấm, vang xa vào vách núi, lớp lông da dê, da bò, da trâu trên mặt trống đã kìm giữ điều hòa cho âm thanh trầm bổng do người đánh mạnh nhẹ theo bài hát, điệu múa mà không bị "sắc nhọn - thô kệch- bùng bục”.
Kỹ thuật của người biết đánh trống đã làm cho tiếng trống khi ngân vang, khi trầm bổng êm ấm hay dồn dập thúc dục. Người Dao đỏ thường dùng rống nêm cùng với chũm chọe, trái chuông, chiêng và kèn pí lè (lò, riổ, sàm xé, dặt, bù lình) tạo thành một dàn nhạc, vừa gõ vừa khí vừa múa và vừa hát (pá dung) phục vụ lễ cấp sắc, tết nhảy, đám cưới, lễ tết khai xuân cộng đồng, cúng Bàn tổ (Bàn Vương)…, đám hiếu. Trống nêm đã trở thành một giá trị văn hóa, một biểu tượng tinh thần lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác của các gia đình, dòng họ, cộng đồng xưa nay.
Ngày nay, tuy đời sống vật chất, tinh thần của người Dao đỏ vùng Văn Chấn đã đổi mới, cuộc sống được Đảng và Nhà nước chăm lo, cải thiện hơn nhiều so với trước kia nhưng những chiếc trống nêm vẫn là biểu tượng của đời sống sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, phong tục tập quán và tâm linh vẫn còn hiển hiện sâu sắc.
Người Dao đỏ nơi đây vẫn luôn quan niệm rằng tiếng trống là biểu hiện tình cảm của người đang sống đối với tổ tiên, với thần linh vạn vật và vì vậy, trong các tập tục truyền thống trong cộng đồng văn hóa và tín ngưỡng người Dao đỏ trong vòng đời người đều không thể thiếu được tiếng trống.
Trong phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, trống nêm cũng là một nội dung của nét văn hóa khám phá. Vấn đề đặt ra hiện nay là vận động người Dao đỏ nơi đây tiếp tục phát huy nghề làm trống nêm phục vụ sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật truyền thống của chính dân tộc mìn.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu văn hóa nên tiếp cận, tư vấn đồng bào nâng cao giá trị thẩm mỹ, âm thanh cho những chiếc trống trở thành hàng lưu niệm cho du khách trên tuyến đường du lịch đi từ Hà Nội, thành phố Yên Bái, Nghĩa Lộ lên Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mua về để làm đồ kỷ niệm.
Lý Khoa (Bảo tàng tỉnh)