Tiếng vang của khởi nghĩa Yên Bái chống thực dân Pháp đã dội tới lương tri nhân loại đương thời. Điều đó còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới trong diễn ca "Lịch sử nước ta”:
"Kìa Yên Bái, nọ Nghệ An
Hai lần khởi nghĩa tiếng vang hoàn cầu”.
Cũng trong thời gian đất nước tang thương bởi sự đàn áp những người yêu nước tàn bạo của thực dân, vượt ra ngoài sự kiểm soát hà khắc, những vần thơ ca ngợi các nghĩa sĩ vẫn bí mật lưu truyền. Cụ Sào Nam Phan Bội Châu mặc dầu bị thực dân quản chế vẫn có những áng văn tế hào sảng và bi thương về sự kiện lịch sử oanh liệt này. Đó là các bài: "Văn tế các tiên liệt”, "Văn tế dân làng Cổ Am bị hỏa thiêu”, "Văn tế cô Giang”, "Chị khóc em”, "Cô khóc cậu”... Những câu văn tế của cụ Phan thật sâu nặng:
"Tuy kim cổ hữu hình thì hữu hoại, sóng Bạch Đằng, mây Tam Đảo, hơi sầu cuộn cuộn, bóng rồng thiêng đành ông HỌC xa xôi.
Nhưng sơn hà còn phách ắt còn linh, voi Nàng Triệu, ngựa Nàng Trưng, khí mạnh nhơn nhơn, hình hạc gió hãy cô GIANG theo đuổi”.
Cụ Ngô Quang Đoan, chí sĩ yêu nước thời đó đã có câu đối khóc Nguyễn Thái Học: "Đại nghĩa sở đương vị: báo quốc đan tâm quang nhật nguyệt/ Thâm thù do vị tuyết: tiêm cừu bạo khí tráng sơn hà” (Nghĩa lớn nên làm: giết giặc, lòng son ngời nhật nguyệt/ Thù sâu chưa trả: hy sinh, khí mạnh rạng non sông).
Nguyễn Thị Giang với thiên tình sử đẹp nhất cùng Nguyễn Thái Học, sau khi bí mật chứng kiến sự hy sinh của chồng đã về thắp hương tạ tổ tiên rồi ra nơi hai người trước đây thường hẹn hò, dùng khẩu súng lục Nguyễn Thái Học tặng tự vẫn, để lại bài thơ "Khóc Nguyễn Thái Học” có những câu thơ xót buốt:
"Thân không giúp ích cho đời
Thù không trả được cho người tình chung
Dẫu rằng đang độ trẻ trung
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh...”.
Cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, hàng nghìn người bị bắt bớ, tù đày và hàng chục người bị xử chém ở khắp nơi. Trên đất Yên Bái, đã có hai cuộc xử chém với 17 người hy sinh. Trước khi tới đoạn đầu đài, Nguyễn Thái Học vẫn còn ngâm thơ bằng tiếng Pháp. Bài thơ ấy có câu: "Chết vì Tổ quốc, cái chết vinh quang/ Lòng ta sung sướng, chí ta nhẹ nhàng”.
Nguyễn Thái Học chối từ cố đạo Dronet làm phép rửa tội: "Chúng tôi là những người chiến bại, chứ đâu phải người có tội?”. Poulet Osier hỏi Phó Đức Chính: "Vì sao không chống án?”. Phó Đức Chính trả lời: "Đại sự không thành, chết là vinh! Chống án làm gì vô ích!”... Chí khí của những nghĩa sĩ đã làm cảm động bao thế hệ người Việt Nam.
Sau ngày thực dân Pháp xử chém Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông, đã có bài thơ "Ngày tang Yên Bái” với những câu thơ đầy khí phách:
... "Sau cái nhìn chào non nước bi ai
Họ thản nhiên lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng
"Việt Nam muôn năm!”, một đầu rơi rụng
"Việt Nam muôn năm!”, người kế tiến lên
Và tử thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc”.
Thơ về cuộc khởi nghĩa Yên Bái có thể sưu tầm tới hàng trăm bài của rất nhiều tác giả các thế hệ trên khắp đất nước. Những bài thơ sâu nặng lòng yêu nước sẽ góp phần làm giàu có thêm tình cảm của người dân Việt đối với những người đã hy sinh vì Độc lập - Tự do của Tổ quốc. Tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản 1935, Lê Hồng Phong - người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá: "Cuộc đấu tranh cách mạng năm 1930 mở đầu bằng cuộc khởi nghĩa nổi tiếng ở Yên Bái. Cuộc khởi nghĩa này giữ một vai trò to lớn đối với sự phát triển phong trào ở Đông Dương”.
Tôi vẫn nghĩ: "Lòng yêu nước không bao giờ cũ”. Những vần thơ ca ngợi tinh thần yêu nước của các nghĩa sĩ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái chắc chắn còn tiếp tục nối dài. Việc nhân dân Yên Bái xây dựng khu lăng mộ liệt sĩ khởi nghĩa Yên Bái 1930 trang nhã và linh thiêng đã là bài thơ bất tuyệt đầy tính nhân văn, sẽ mãi là một địa chỉ thu hút cả nước đến với Yên Bái.
Nguyễn Vạn Lâu