Dân tộc Việt Nam đã bước ra khỏi cuộc chiến tranh hào hùng bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc hơn 40 năm nhưng đề tài về người lính, lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng vẫn luôn là đề tài không bao giờ cũ đối với văn học nghệ thuật (VHNT).
Nằm trong xu thế chung đó, những năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ Yên Bái đã có nhiều tác phẩm khắc họa đậm nét hình ảnh người chiến sĩ, hậu phương người lính trong cuộc kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng, đổi mới quê hương, đất nước, qua đó, góp phần khẳng định, tôn vinh hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, khẳng định sức sống của đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng.
Hiện nay, Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái có 26/154 hội viên là cựu chiến binh. Tuy đội ngũ văn nghệ sĩ một thời áo lính không nhiều song đều là những hội viên đã có nhiều cống hiến cho nền VHNT Yên Bái.
Bằng những trải nghiệm thực tế từ chiến trường, cuộc sống và chiến đấu người lính cùng với tâm huyết và tình yêu VHNT, các văn nghệ sĩ đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị về đề tài người lính, chiến tranh cách mạng.
Từng cầm súng trực tiếp khi chiến đấu ở chiến trường đường 9 Khe Sanh - Quảng Trị, hầu hết những tác phẩm nhà thơ Ngọc Bái được nhận giải thưởng Nhà nước đều viết từ thời kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc. Giải thưởng Nhà nước của nhà thơ Ngọc Bái được trao cho tập thơ "Con đường đất đã qua”, "Đồng vọng ngõ phố xưa”, "Khoảng lặng” và trường ca "Lời cất lên từ đất”.
Các tác phẩm này đều chung một hướng đi viết về một thời áo lính, về những ngày tháng thanh bình, cuộc sống thường nhật, nhân tình thế thái sau chiến tranh và về cuộc khởi nghĩa Yên Bái 2/1930 bi hùng và quật khởi. Cũng như nhà thơ Ngọc Bái, nhà văn Hà Lâm Kỳ cũng một thời khoác áo lính, cầm súng trên chiến trường bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc.
Hòa bình, trở về quê hương, nhà văn Hà Lâm Kỳ đã có nhiều tác phẩm tâm huyết, đặc sắc mang đậm dấu ấn bản sắc dân tộc và chiến trường. Gần đây nhất, ông đã ra mắt bạn đọc tiểu thuyết dài tập "Cánh cung đỏ” được lấy cảm hứng lịch sử diễn ra trong khoảng thời gian 10 năm 1942 - 1952 tại hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái.
Các nhân vật chính trong tiểu thuyết là những con người có thực, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ giao cho là tập hợp, tổ chức, lãnh đạo quần chúng làm nên Cách mạng Tháng Tám rồi bước vào cuộc kháng chiến chín năm mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều những văn nghệ sĩ Yên Bái có nhiều tác phẩm đặc sắc như họa sĩ Quang Bộ với các tác phẩm ký họa, phác thảo hình ảnh chiến đấu quả cảm của bộ đội ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quách Ngọc Hùng thành công với các tác phẩm đoạt giải thưởng Trung ương và địa phương; tác giả Hoàng Việt Quân với 40 năm gắn bó với sự nghiệp văn chương cho ra đời hơn 40 tập sách…
Cùng với những thành tựu đã đạt được, mảng đề tài chiến tranh cách mạng đối với nền VHNT Yên Bái vẫn còn rất nhiều trăn trở. Có thể thấy, lực lượng văn nghệ sĩ trực tiếp tham gia cuộc chiến phần lớn có tâm huyết, giàu xúc cảm nhưng tuổi đã cao. Lớp nghệ sĩ trẻ, sung sức lại chưa từng trải qua chiến trận, thiếu thực tế, thiếu cảm hứng nên đôi khi còn ngại bắt tay vào một lĩnh vực khó, không phù hợp với tâm tư, đời sống hiện tại của mình.
Bên cạnh đó, các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng trong thời mở cửa hầu hết sáng tạo bằng tư duy thẩm mỹ mới, trong một không khí hội nhập và phát triển, khai thác nhiều góc độ nhưng chủ yếu là khai thác nội tâm, ký ức, hoài niệm.
Ông Nguyễn Đình Thi - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái nhận xét: "Gần nửa thế kỷ trôi qua, dù sống giữa thời bình nhưng đề tài về chiến tranh, người lính vẫn còn rất hấp dẫn với văn nghệ sĩ bởi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc luôn song hành với xây dựng đất nước như mấy ngàn năm dân tộc Việt Nam đã trải qua. Người lính hôm nay vẫn luôn chắc tay súng nơi biên cương, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và họ vẫn luôn hy vọng được thưởng thức những tác phẩm thơ ca, nhạc họa xúc động viết cho họ, vì họ. Mặc dù trong điều kiện còn khó khăn nhưng đội ngũ văn nghệ sĩ của Yên Bái đã và đang tiếp tục phát triển, có những sáng tác tạo dấu ấn lớn trong đời sống xã hội”.
Lê Thương