Phát huy giá trị lễ hội truyền thống
Văn Yên là một trong những địa phương giàu tiềm năng du lịch với trên 10 lễ hội truyền thống thường niên được tổ chức vào đầu xuân. Đặc biệt phải nhắc tới đó là Lễ hội đền Đông Cuông được tổ chức vào ngày Mão tháng Giêng hàng năm - lễ hội văn hóa tâm linh, ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo, thu hút sự tham gia của đông đảo du khách thập phương.
Nhận thức rõ giá trị văn hóa và ý nghĩa của việc tổ chức các lễ hội, hàng năm huyện Văn Yên cũng như Ban Quản lý di tích và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội, đảm bảo diễn ra trang trọng, chu đáo, văn minh, an toàn và thân thiện.
Ông Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Nhận thức rõ việc bảo tồn và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp và vốn văn hóa dân gian trong mùa lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu năm 2020, sau khi có công văn của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020, UBND huyện Văn Yên đã xây dựng kế hoạch cụ thể thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác đảm bảo trong mùa lễ hội. Trong đó chú trọng bảo tồn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và vốn văn hóa dân gian, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa mới mà vẫn đảm bảo các lễ hội xuân năm nay diễn ra tươi vui, lành mạnh và an toàn”.
Tọa lạc trên núi Hoàng Thi, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, đền Mẫu Thác Bà từ lâu đã trở thành điểm đến của hàng ngàn du khách thập phương trong dịp hành hương đầu xuân.
Ông Trần Ngọc Sơn - thủ nhang đền Mẫu Thác Bà nhận định: "Việc đi lễ cầu lộc, cầu tài đầu năm là nét văn hóa truyền thống bao đời nay của người Việt. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người đi lễ đầu năm với nhiều mục đích. Những năm qua, cùng với sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương, ý thức trách nhiệm của người dân, Lễ hội đền Mẫu Thác Bà đều được tổ chức trên tinh thần văn minh, tiết kiệm, an toàn. Cùng với đó, với trách nhiệm của mình, chúng tôi thường xuyên hướng dẫn và nhắc nhở nhân dân dự hội ăn mặc phù hợp, hành xử đúng mực, thắp hương, đặt đồ lễ, tiền công đức, giọt dầu… đúng nơi quy định, đặc biệt là hạn chế đốt vàng mã, đồ mã để giữ được giá trị lễ hội truyền thống từ bao đời nay cha ông đã lưu truyền”.
Được biết, đầu xuân năm nay huyện Yên Bình sẽ tổ chức Lễ hội đình Khả Lĩnh vào ngày 31/1/2020, (tức ngày 7 tết); Lễ hội đình Phúc Hòa tổ chức vào ngày 1/2/2020 (tức ngày 8 tết). Song song với đó, Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là Lễ hội Xuống đồng được tổ chức theo từng cụm: cụm đường 7, cụm thượng huyện…
Trước những trăn trở mùa lễ hội đang đến gần, ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Bình cho biết: "Để các lễ hội dịp đầu xuân được tổ chức dưới nhiều hình thức phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, an toàn, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo cụ thể, hướng dẫn và yêu cầu các lễ hội tại địa phương phải được tổ chức gắn với việc phê phán những hiện tượng tiêu cực, mê tín, dị đoan, lãng phí trong dịp tết, những hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng và các biểu hiện thương mại hóa trong hoạt động lễ hội”.
Đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tổ chức lễ hội xuân
Là người đã dày công nghiên cứu, phục dựng các lễ hội gần 30 năm nay, đạo diễn Trần Huyền Thanh - nguyên Phó Giám đốc Đoàn Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: "Nhìn chung việc thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc trong lễ hội thời gian qua ở các địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt. Tuy nhiên vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định như: các lễ hội còn chưa thực sự nghiêm túc, vẫn còn hiện tượng đốt nhiều vàng mã, ý thức của nhiều người dân tham gia lễ hội chưa cao, làm ảnh hưởng đến tính trang nghiêm của lễ hội”.
Cũng theo đạo diễn Huyền Thanh, việc tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết.
Đặc biệt cần tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, xuyên suốt thời gian trước, trong và sau khi lễ hội kết thúc, hướng tới việc bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc ở từng địa phương trong tỉnh theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Hàng năm Lễ hội đền Mẫu Thác Bà được tổ chức trên tinh thần văn minh, tiết kiệm, an toàn.
Mùa xuân là mùa của lễ hội cũng là sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn, thu hút đông đảo người tham gia. Do vậy công tác tổ chức, quản lý đóng vai trò quan trọng để lễ hội thực sự là điểm sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra khoảng 20 lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội tưởng nhớ các bậc khai quốc công thần, mở mang bờ cõi, thành hoàng làng, anh hùng dân tộc đến các lễ hội cầu mùa, mừng lúa mới... Mỗi một lễ hội đều gắn với phong tục, tập quán riêng có của một vùng, địa phương hay của một dân tộc trong tỉnh. Các lễ hội đều hướng tới giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống đoàn kết, yêu nước, cần cù lao động và nhân văn của dân tộc Việt Nam, đem lại sự hứng khởi để bắt đầu công việc của một năm mới với ước vọng sẽ tốt đẹp hơn.
Ông Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: "Xác định việc tuyên truyền kiểm tra, giám sát các khâu tổ chức trong mùa lễ hội xuân có ý nghĩa hết sức quan trọng, ngay từ đầu tháng 1, sau khi có công văn của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã có công văn gửi các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân nội dung các Chỉ thị của Ban Bí thư khóa XI, của Thủ tướng Chính phủ và của Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tổ chức lễ hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh giá trị ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Thông qua công tác tuyên truyền, người dân được nâng cao nhận thức, từ đó có ứng xử văn hóa, văn minh trong lễ hội. Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn ban tổ chức lễ hội, ban quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát khu vực tổ chức lễ hội; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm thực hiện nếp sống văn minh…”.
Một mùa lễ hội xuân nữa đã đến. Để lễ hội phát triển đúng hướng, thật sự là hoạt động văn hóa lành mạnh, ngoài việc thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh trong các lễ hội theo Chỉ thị của Trung ương, các địa phương trong tỉnh cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm khắc phục những hạn chế, nhận thức sai lệch, méo mó trong việc tổ chức và tham gia lễ hội.
Từ đó giúp mỗi người dân khi hành hương, du xuân đầu năm không chỉ là cuộc du ngoạn tâm linh, mà còn khiến cho con người mắt sáng, tâm trong, từ đó nâng cao ý thức, hành xử văn minh, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tôn trọng đạo lý của các tôn giáo, cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh và giữ được những nét bản sắc trong mùa lễ hội.
Minh Huyền - Thu Trang