Về hình thức, tục kết bạn tồng của người Tày cũng gần giống tục kết bạn tồng của người Nùng, người Thái và gần giống kết nghĩa anh em của người Kinh và các dân tộc khác, nhưng có luận định riêng, chặt chẽ hơn.
Tồng tiếng Tày có nghĩa là cùng: cùng tuổi, cùng sở thích, chí hướng, cùng hoàn cảnh, hợp nhau…
Kết tồng được tiến hành do sự tự nguyện của hai bên và được hai bên gia đình cùng làm lễ. Kết bạn tồng chỉ thực hiện với người đồng giới (nam kết tồng với nam, nữ kết tồng với nữ), thường trên mười tám tuổi và không có quan hệ anh em họ hàng.
Việc kết tồng có sự suy nghĩ chín chắn, lựa chọn kĩ lưỡng, lâu ngày mới đi đến quyết định. Thường mỗi người chỉ kết bạn tồng với một hoặc hai người, rất ít trường hợp kết bạn tồng trên ba người.
Lễ kết tồng thường được tổ chức vào các dịp tết hoặc rằm tháng Bảy, nếu không, có thể nhờ thầy chọn ngày đẹp để làm lễ. Lễ kết tồng khá đơn giản, chỉ cần một mâm lễ: gạo, rượu, đôi gà sống thiến, có thể thêm ít thịt lợn, bánh… đặt trước bàn thờ để báo cáo tổ tiên.
Tiếp đó là một bữa ăn thịnh soạn mời những người đến dự mừng hai người đã thành bạn tồng sau khi làm lễ.
Lễ kết tồng phải có mặt và sự công nhận của ông bà, cha mẹ, anh chị em, người thân trong gia đình. Lễ chuẩn bị xong, cha mẹ của người nhận bạn tồng thắp hương, khấn trình với tổ tiên. Sau đó, gà cúng được mang ra cắt tiết hòa vào bát rượu, hai người bạn tồng nâng bát rượu ngang trán, lạy trời đất và tổ tiên, nói lời thề nguyện kết bạn tồng và cùng dốc cạn bát rượu, từ giây phút này hai người chính thức trở thành bạn tồng.
Lúc này, người cha hoặc người trưởng họ sẽ giới thiệu từng người thân, vai vế trong gia đình cùng gốc gác, họ hàng, anh em hai bên nội, ngoại để người đến nhận tồng biết rõ.
Sau này, vì nhiều lý do, hai người không muốn làm tồng nữa thì phải làm lễ "thôi tồng” (cũng gần giống lễ kết tồng) nhưng trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.
Khi đã thành bạn tồng, hai người coi nhau như anh em một nhà, luôn bên nhau chia sẻ những vui, buồn, luôn tôn trọng, yêu thương nhau, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Khi đã kết bạn tồng, các con cháu phải sau năm đời mới được kết hôn với nhau. Nếu chưa qua năm đời mà con cháu muốn kết hôn với nhau thì phải làm lễ "thôi tồng".
Những đứa con tùy theo tuổi mà gọi nhau theo lễ anh em. Từ khi làm lễ kết tồng, hai bên gia đình qua lại nhà nhau, giúp nhau tất cả những công việc nhà cửa, giỗ tết, cưới hỏi, tang ma… Nếu không may ông bà, cha mẹ mỗi bên qua đời thì bạn tồng phải sắm lễ vật đến lễ tế và để tang như người con trong gia đình.
Nghĩa tình của bạn tồng còn được duy trì đến đời con, cháu, chắt. Cho dù đến đời sau, khi hai người bạn tồng qua đời, mối quan hệ tình cảm của con cháu họ vẫn thân thiết, gắn bó bền chặt.
Trong cuộc sống, con người phải trải qua muôn vàn khó khăn, vất vả, có người thấu hiểu, chia sẻ, đùm bọc, cùng vượt qua những khó khăn vì một cuộc sống hạnh phúc, vì một xã hội tốt đẹp hơn thật quý biết bao, cho nên tục kết bạn tồng của người Tày là một tập tục đẹp, hơn thế còn có vai trò quan trọng và ý nghĩa thiết thực trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Tày, càng ý nghĩa hơn bởi đó còn là sự cố kết cộng đồng đầy tính nhân văn.
Đáng mừng vì tục kết bạn tồng của cộng đồng dân tộc Tày ở Yên Bái, nhất là các xã: Minh Tiến, An Phú, Mường Lai… của huyện Lục Yên; xã Xuân Lai, Mỹ Gia, Ngọc Chấn… của huyện Yên Bình vẫn khá phổ biến.
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển nhưng sự vô cảm giữa con người với con người dường như lên ngôi. Có những mối quan hệ chỉ được xây dựng lên vì vật chất, lợi ích thì việc gắn kết bằng sự tôn trọng, sẻ chia, tương thân tương ái như kết bạn tồng thật đáng quý trọng và cần được bảo tồn.
Quang Văn