Nhà tôi, ngôi nhà sàn truyền thống dân tộc Tày ba gian, hai trái, mái cọ bạc phếch nắng mưa, thời gian với những cây cột to bằng một vòng tay ôm người lớn.
Ngôi nhà tựa lưng vào núi, nhìn ra cánh đồng mênh mông sóng lúa, phía xa có dòng suối rì rầm, trong xanh như vòng tay êm ôm lấy bản.
Ngôi nhà có cái máng lần lấy nước từ khe núi về, chảy róc rách quanh năm; có chín bậc cầu thang nghiêng nghiêng dù nhắm mắt chạy lên cũng không sợ vấp; ở đó có cha, có mẹ, có ông, có bà, có anh, có em; có ăm ắp kỷ niệm. Rồi một ngày xa quê, lòng tôi bỗng nao nao nhớ, nhớ nhất là những kỷ niệm ấm áp bên bếp lửa.
Cũng giống như bao nhà khác trong bản, nhà tôi có hai bếp lửa, một đặt ở giữa nhà, hơi chếch về bên trong dùng để sưởi ấm, nấu nướng hàng ngày; một bếp phụ đặt ở gian trong cùng nhất dùng để nấu rượu, nấu cám lợn, đun nước tắm. Mẹ và bà là người có trách nhiệm nhóm bếp, giữ lửa cho ngôi nhà và cả gia đình, nhưng tôi ít khi thấy hai người nhóm lửa bởi mỗi lần đi nương, đi rừng về, ông và bố thường vác theo một cây củi gộc to làm bạn trên vai, cây củi gộc ấy giữ cho bếp lửa không bao giờ tàn lụi.
Bếp nhà tôi rộng khoảng một mét, dài khoảng mét rưỡi. Khung bếp được làm bằng gỗ lý để không bị bén lửa. Đất làm bếp là đất tổ mối mới đùn lên, được bố tôi gánh về, làm tơi, sau đó đầm nhẹ. Bố tôi bảo như vậy khi đun bếp, nền bếp sẽ không bị nứt, giữ được độ nóng, không tốn củi, dùng được lâu dài và được thần bếp ủng hộ. Người Tày coi bếp lửa là một vị thần (thần bếp), những gia đình làm nghề thầy mo, thầy then đều có bàn thờ thần bếp.
Từ bếp lửa, vị trí, vai vế của các thành viên trong gia đình tôi được phân định rõ ràng. Bếp có nả nưa (phía trên) nơi nhìn ra cửa sổ thoáng mát, được trải chiếu hoa, là nơi lịch sự nhất dành cho ông và bố, cũng là nơi dùng để tiếp khách. Khách quý, khách trong bản hoặc anh em thân thích đến nhà thường đi thẳng vào bếp, ngồi xuống chiếu, uống nước, trò chuyện, ở đó bố và ông luôn để sẵn khay chén, ấm nước vối, nước chè nóng cùng điếu thuốc lào.
Còn chỗ bàn uống nước vốn là nơi tiếp khách ở gian ngoài thường chỉ dành cho khách lạ; bếp có khoang đâư (phía trong) dành để tiếp khách của bà và mẹ; bếp có khoang noọc (phía ngoài) dành cho khách là đàn ông ít tuổi như các anh trai, anh rể tôi; bếp có nả tẩư (phía dưới) là vị trí của bà, của mẹ, người chuyên việc bếp núc.
Sau này lớn hơn tôi hiểu sự phân định vị trí quanh bếp lửa tạo ra một khuôn phép, nề nếp, hình thành đạo đức ứng xử trong gia đình. Mẹ tôi vẫn thường dặn, khi đun nấu không được đưa củi đằng ngọn vào trước, không được đun rơm rạ, cây si, cây đa, cây bị sét đánh.
Tôi nhớ, ngày chị gái đi lấy chồng, sau khi lạy tổ tiên, ông bà, bố mẹ, họ hàng xong, chị ra lạy cửa sổ và lạy bếp lửa rồi mới bước chân ra cầu thang. Tôi hỏi mẹ, mẹ bảo, đấy là tục, dạy cho người phụ nữ Tày luôn chu đáo, đảm đang, biết trách nhiệm của mình trong việc chăm lo bếp lửa cũng như chăm lo hạnh phúc gia đình.
Bếp lửa là nơi quần tụ gia đình sau một ngày làm việc mệt nhọc. Người lớn nấu nướng, trò chuyện, còn anh em tôi hào hứng, chí chóe thi nhau nướng ngô, hạt ngô khô nổ lục bục trong tro nóng như hoa; rồi nướng khoai, sắn, hạt mít thơm lừng; cũng có khi là nướng cá suối, cua đá, cua đá rất to, chảy nước xèo xèo trên than hồng nhìn đã thấy thích.
Bên bếp lửa, mùa đông, gió núi lạnh buốt đuổi nhau lào xào trên mái cọ, nhà tôi ăn cơm cạnh bếp lửa, chúng tôi học bài cạnh bếp lửa, rồi cả nhà quây quần cạnh bếp lửa đến khuya, hơi ấm hồng trên từng gương mặt. Bên bếp lửa, nhớ nhất là những lúc nằm bên bà, nghe bà kể chuyện, ánh lửa bập bùng hắt lên những sợi tóc bà bạc phơ. Biết bao lần tôi ngủ thiếp đi trong giọng kể rề rà của bà, trong cảm giác ấm áp của bếp than hồng.
Bên bếp lửa, nhớ những ngày đón tết, ai cũng bận rộn, rối rít, bếp đỏ lửa cả ngày đêm, nồi bánh chưng sôi lục bục ở bếp trong, chảo mật mía, chè lam thơm lừng ở bếp ngoài. Gần giao thừa, bố chọn ba cây củi đẹp nhất, thẳng nhất chụm vào bếp, gọi là cây củi tham pi.
Khác với người Kinh, người Tày lấy ngày ba mươi tết Nguyên đán là ngày Ông Táo về trời. Sau khi cúng tất niên xong, bếp được nghỉ, không ai đun nấu để Ông Táo về chầu trời. Sáng mùng một tết, sau khi cúng, thắp hương gia tiên, bố tôi cắm một nén hương vào góc bếp, rồi đặt một miếng bánh, miếng thịt để thần bếp ăn cùng. Trên bếp lửa là cái xá (gác tre), rộng gấp rưỡi bếp lửa. Xá bám đầy bồ hóng, đen xì. Những ngày gần tết, bồ hóng được quét sạch, xá trở nên đen bóng.
Trên xá mẹ tôi thường để các loại hạt giống. Nhà tôi gần hồ, vào mùa cá vật, cá nhiều, bố mẹ tôi kẹp thành từng kẹp bằng thanh tre, treo đầy dưới xá, ăn dần. Còn những ngày tết, dưới xá lủng lẳng bao nhiều là phủng xàng (lạp xường của người Tày), thịt sấy, một hai ngày đã săn lại, đỏ au…
Giờ xã hội ngày càng phát triển, bản tôi, xã tôi đã có nhiều nhà xây nhưng số đông vẫn ở nhà sàn. Những ngôi nhà sàn từ đời trước để lại cùng những ngôi nhà sàn mới được dựng bằng bê tông, nhiều nhà làm theo phong cách mới. Hầu hết các nhà chuyển sang dùng bếp ga, bếp điện, nhưng nhiều nhà vẫn để không gian ấm áp, linh thiêng cho bếp củi như thói quen, hoặc thỉnh thoảng dùng, có khi làm chỉ để đấy.
Còn nhà tôi, bao nhiêu năm, tôi lớn lên, bố mẹ già đi, ông bà đã không còn, chỉ riêng ngôi nhà sàn và bếp lửa vẫn thế, cũng giống như người dân quê núi chúng tôi, chân thành, mộc mạc và thắm đượm tình người.
Quang Văn