Người làm thầy mo là người được truyền nghề từ đời này qua đời khác trong một gia đình; hoặc là một người tuy không có tổ tiên làm nghề mo, nhưng do muốn được làm nghề mo đã đi theo thầy mo gốc để học nghề mo rồi được mo gốc truyền nghề "cấp sắc” cho thì mới được hành nghề.
Trong bộ đồ hành nghề của thầy mo Mường có khá nhiều vật dụng: trang phục, dao, kiếm, ấn, chiện, nhạc khí, kinh sách… nhưng có một số đồ vật không thể thiếu đựng trong một túi vải mỗi khi thầy mo đi cúng đó là "túi khót” hay "túi phép”.
Túi khót theo tiếng Mường có nghĩa là "chiếc túi đựng những đồ vật sót lại”. Cụ thể, nó là những thứ như: sừng hươu, sơn dương, nanh hoặc móng hổ, gấu, lợn lòi, răng voi… nhưng phải là của những con thú chết rục trên núi mà người ta lượm được chứ không phải là của con thú bị sát sinh. Cùng đó, túi khót còn có những thứ lượm được trong lòng đất như: khuyên tai, vòng tay, chuỗi hạt bằng đá của người cổ xưa hay rìu, bôn, binh khí, nhạc khí bằng đá, đồng, mảnh thiên thạch…
Vì sao túi khót còn được gọi là túi phép? Vì theo quan niệm của người Mường, những con thú chết rục thường là những con thú sống lâu năm, sống đã thành tinh nên nó rất thiêng. Những cổ vật tìm thấy trong lòng đất của người cổ xưa vẫn chứa đựng linh hồn và quyền sở hữu của người đã khuất. Vì thế, người bình thường nếu dùng lại những vật này sẽ gặp phải rủi ro do âm hồn giữ của mà chỉ có thầy mo có pháp thuật cao tay mới dùng được như các đồ vật mang tính phép thuật.
Đặc biệt, những đồ vật như rìu đá, đồng, mảnh thiên thạch khi lượm được ở những nơi bị sét đánh khiến người ta suy luận, đồn thổi những đồ vật giống như thế đều là lưỡi "tầm sét” của thiên lôi nên nó mang theo những sức mạnh đặc biệt khi được dùng làm đồ pháp thuật trong nghi lễ cúng tế, đặc biệt là nghi lễ trừ tà, trị bệnh.
Nói một cách khác, túi khót là chiếc túi đựng những đồ vật có sức mạnh siêu nhiên trợ lực cho thầy mo hành lễ. Bởi thế, mỗi khi đi hành lễ, các thầy mo luôn phải thực hiện một nghi lễ đó là, thắp hương bàn thờ xin phép tổ mo cho đi hành lễ tại nơi nào đó; phát lệnh dẫn âm binh của tổ mo cai quản và xin được mang túi khót cùng đi hộ pháp cho thầy mo hành lễ.
Khi bắt tay vào hành lễ, thầy mo sẽ làm lễ cúng xin phép thần linh, thổ địa, tổ tiên của gia chủ đón thầy đến hành lễ để thầy được hành nghề. Tiếp đó, thầy mo mở túi khót bày những vật thiêng ra nơi đàn cúng để cùng với âm binh trợ pháp cho thầy cúng tế.
Cụ thể, trong quá trình thực hiện nghi lễ cúng tế, thầy mo có thể triệu các âm hồn từ túi thiêng cùng âm binh giúp thầy đuổi tà ma. Hoặc là, thầy mo sẽ trực tiếp dùng một số đồ vật mài vào bát nước (nước phép) để vẩy khắp các góc nhà, vườn để trừ tà; dùng vật thiêng như nanh, móng, sừng thú mài vào bát nước cho người bệnh uống hoặc thảy nước thiêng lên người bệnh, chà xát vật thiêng lên những chỗ đau của người bệnh…
Vì là những đồ vật thiêng, nên khi thầy mo mới được các mo gốc truyền nghề cho thì mo gốc phải san sẻ bớt âm binh và các đồ vật từ túi khót của tổ tiên cho mo mới làm túi phép riêng của mình. Các thầy mo mới trong quá trình hành nghề, nếu lượm được các đồ vật thiêng sót lại thì tiếp tục làm lễ thu nạp thêm cho túi khót của mình.
Khi một ông thầy mo nào đó đã già, hoặc vì một lý do nào đó không thể tiếp tục làm nghề mo nữa thì phải thực hiện nghi lễ bàn giao việc thờ cúng tổ mo "truyền nghề” cho con cháu trong nhà hoặc truyền nghề cho một người khác.
Trong đó, nếu truyền nghề cho người bên ngoài thì bắt buộc phải kèm theo bàn giao cả việc thờ cúng tổ mo; bàn giao dụng cụ hành lễ, sách cúng và cả túi khót, âm binh, ấn chiện... Nếu trong trường hợp không bàn giao được cho ai kế nghiệp thì thầy mo phải làm lễ hóa giải âm binh, hóa giải đồ khót để con cháu không bị các âm binh, âm hồn quấy quả.
Hoàng Nhâm