“Pây Tái” - lễ báo hiếu của người Tày Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/9/2020 | 7:57:44 AM

YênBái - Người Tày có câu “Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy” để nói về “Pây Tái" hoặc "Pây chường Tái” - một phong tục truyền thống và là dịp các chàng rể về thăm, bày tỏ lòng hiếu kính với bố mẹ vợ trong dịp tết và rằm tháng Bảy.

Dâng lễ cúng tổ tiên trong ngày tết Pây Tái của người Tày Lục Yên.
Dâng lễ cúng tổ tiên trong ngày tết Pây Tái của người Tày Lục Yên.

Tôi và anh bạn tên Minh đều là những người có "nguyên quán” ghi trên chứng minh nhân dân ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng nhưng lại "thường trú” ở Yên Bái. Từ tấm bé, chúng tôi đã được ông bà, cha mẹ nói nhiều về phong tục truyền thống của người Việt Nam; trong đó, rằm tháng Bảy được xem là dịp lễ lớn, thể hiện tấm lòng tri ân với người sinh thành ra mình, nuôi dưỡng dạy dỗ mình khôn lớn và tổ chức cúng "xá tội vong nhân”… 

Đến khi lập gia đình, tôi và Minh lại có điểm chung là cùng lấy vợ người Tày ở Lục Yên nên có chút hiểu biết về lễ "Pây Tái". 

Theo phong tục của người Tày, phụ nữ sau khi đi lấy chồng quanh năm phải lo toan việc nhà chồng nên ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày rằm tháng Bảy là dịp người phụ nữ cùng chồng con về nhà bố mẹ đẻ. Đây là dịp để người phụ nữ báo hiếu cho cha mẹ đẻ, còn các chàng rể thể hiện tấm lòng biết ơn cha mẹ vợ. 

Tháng Bảy âm lịch năm nay, Minh hăm hở kể cho tôi chuyện đi lễ "Pây Tái". Quả thật, một người phải làm đủ nghề khác nhau cho đến khi lấy vợ mới bắt đầu tu chí làm ăn để tới giờ có một cửa hàng vật liệu xây dựng thu nhập ổn định như Minh thì đi lễ "Pây Tái" thật vui! "Vợ tớ sinh em bé được 8 tháng, 3 năm 2 đứa! Thế mà việc Nhà nước, việc chăm con xong xuôi, vợ vẫn hộ tớ bán hàng đấy! Rằm tháng Bảy năm nay, tớ cho cả gia đình lên Lục Yên rồi mua đôi vịt béo, vài chục cái bánh gai, bánh chưng và chai rượu trắng về tết ông bà ngoại” – Minh hào hứng.  

Câu chuyện kết thúc, chúng tôi cùng nhau ra chợ mua những món đồ như: vịt, bánh gai, rượu trắng… Đây là những món phong tục của người Tày thường nói "Bươn Chiêng kin nựa Cáy, bươn Chất kin nựa Pết” (nghĩa là tháng Giêng ăn thịt gà, tết tháng Bảy ăn thịt vịt). 

Và theo truyền thuyết Khảm hải, con vịt được coi là thiêng trong tâm linh của người Tày, sứ giả của mường trần gian với mường trời. Con vịt có công cõng gà trống vượt biển đi cống cho xứ mường trời vào ngày rằm tháng Bảy hàng năm. 

Thêm vào đó, người Tày cũng cúng "xá tội vong nhân” nên chọn món bánh gai (tiếng Tày là "Péng Tái”, nghĩa là bánh đưa đường) để tưởng nhớ vong linh chiến binh dân tộc Tày...

Sau khi chuẩn bị xong các món quà biếu, tôi và gia đình mình sẽ tới nhà bố mẹ vợ vào ngày 14 tháng 7 âm lịch (theo phong tục phải mang quà biếu đến trước ngày rằm). Sau khi làm mâm cỗ thắp hương mời tổ tiên về chứng kiến và cầu mong tổ tiên phù hộ cho mùa màng tươi tốt, cả gia đình sẽ cùng nhau quây quần bên mâm cỗ truyền thống với những món ăn đặc trưng như: thịt vịt, bún trắng, canh măng, bánh chuối, bánh gai… 

Đó là một trải nghiệm thú vị trong ngày rằm tháng Bảy hàng năm. 

Văn Dương

Tags Lục Yên Yên Bình dân tộc Tày Pâu Tái rằm tháng Bảy

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục