Sự công phu, tâm huyết của những người thực hiện hứa hẹn Bảo tàng Yên Bái sẽ là điểm đến hấp dẫn.
Vừa hoàn thành phần trưng bày, ông Nguyễn Hoàng Long - Quyền Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: "Thực sự đây là công trình tâm huyết của những người làm công tác văn hóa của tỉnh. Mỗi phần trưng bày được chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng, với sự tư vấn của hội đồng cố vấn, công ty tư vấn, những gì đặc trưng nhất của tỉnh Yên Bái về văn hóa, lịch sử, địa lý, tiềm năng, thế mạnh được trưng bày tại đây và liên kết với nhau, chia thành tầng lịch sử. Đến với Bảo tàng Yên Bái, người xem sẽ có những cái nhìn khái quát nhất, đầy đủ nhất về quê hương, con người Yên Bái”.
Nhìn từ ngoài vào, Bảo tàng Yên Bái là một công trình kiến trúc hiện đại, lấy ý tưởng thiết kế từ ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ, với diện tích 2.700 m2, gồm hai tầng. Bảo tàng có 2 khu vực trưng bày trong nhà và ngoài trời. Nổi bật nhất khu ngoài trời là Tháp Hắc Y, nhà sàn dân tộc Thái, máy bay MIC 21…
Ông Long cho biết thêm: "Mô hình tháp Hắc Y được lấy nguyên mẫu theo tỷ lệ 1:1, được các nghệ nhân lành nghề dựng, mang đến cảm giác chân thực nhất”.
Khu trong nhà có 5 không gian trưng bày gồm: Địa lý tự nhiên (tầng 1), Cộng đồng các dân tộc tỉnh Yên Bái, Thời kỳ Tiền - Sơ sử, thời kỳ phong kiến, thời kỳ cận hiện đại (tầng 2). Ý tưởng trưng bày được lấy từ hình ảnh ruộng bậc thang được phát triển thành một nhóm tín hiệu kể chuyện rồi tiếp tục được biểu tượng hóa để trở thành một "dòng chảy lịch sử” trên đó lần lượt giới thiệu và làm nổi bật các giá trị đặc trưng, riêng có trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của con người Yên Bái.
Lộ trình tham quan được tổ chức theo một vòng tròn từ dưới lên trên, tuyến tham quan sẽ dẫn dắt du khách qua các không gian trải nghiệm phong phú, từ trưng bày hàn lâm qua trưng bày trải nghiệm. Bắt đầu của vòng tham quan là không gian khánh tiết, đây là nơi long trọng nhất của Bảo tàng với ý tưởng thiết kế giữa lối kiến trúc hiện đại kết hợp với dòng chảy văn hóa mang đậm nét đặc trưng của vùng đất và con người Yên Bái.
Đứng trong không gian này có thể nhận thấy tổng thể là chiếc thạp, nhờ kiến trúc tạo vòm, đường cong và đồ họa, điêu khắc kính. Như chúng ta đã biết, thạp đồng Hợp Minh, thạp đồng Đào Thịnh thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Nền văn hóa này là cơ sở vật chất cho việc hình thành nhà nước đầu tiên Văn Lang - Âu Lạc, nhà nước đầu tiên thời đại các Vua Hùng và là nền tảng cho sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ, cũng như văn minh Đại Việt sau này.
Sau không gian khánh tiết là các lớp, các khu vực trưng bày được chia thành các chủ đề riêng biệt nhưng có sự gắn kết nối tiếp nhau như dòng chảy của lịch sử. Tiêu đề tự nhiên địa lý được trưng bày ngay khu vực tầng 1. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu được địa lý hành chính tỉnh Yên Bái qua các thời kỳ lịch sử thông qua các bản đồ vệ tinh, bản đồ Hồng Đức, bản đồ hành chính, bản đồ Văn Chấn, bản đồ châu Thu Vật, bản đồ Lục Yên, bản đồ Trấn Yên.
Tiêu đề "Đa dạng sinh học” là tổ hợp mô phỏng khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu là nơi bảo tồn nguồn gen quý phục vụ nghiên cứu khoa học, góp phần bảo vệ môi trường sống, mang lại tiềm năng lớn về phát triển du lịch, sản xuất nông, lâm nghiệp. Tiếp đến là các tiểu đề: Tài nguyên, khoáng sản; Di tích, danh thắng. Tại đây, có thể tìm hiểu hệ thống di tích lịch sử và danh thắng phong phú; trong đó, có nhiều di tích được xếp hạng như: Di tích Quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Di tích danh thắng hồ Thác Bà, vùng chè Shan tuyết Suối Giàng…
Hút mắt nhất đó là chủ đề cộng đồng các dân tộc. Những người làm công tác bảo tàng đã chọn ruộng bậc thang - một trong những biểu tượng của vùng núi Tây Bắc nói chung, của Yên Bái nói riêng làm nền xuyên suốt. Những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải được đưa vào thể hiện bằng bức tranh, những bậc thang uốn lượn tại mỗi tổ hợp và lối đi.
Những hình thức lao động, canh tác được tái hiện sinh động thông qua các mô hình. Những nghề truyền thống như: dệt của người Thái, rèn của người Mông cùng trang phục các dân tộc được trưng bày công phu. Các tín ngưỡng tôn giáo như: tổ hợp lễ cấp sắc dân tộc Dao đỏ, tổ hợp thờ Mẫu, cùng những hiện vật quý hiếm như tranh thờ của người Dao tạo nên không gian độc đáo.
Qua đó, giúp người xem tìm hiểu được đầy đủ nhất về văn hóa tín ngưỡng các vùng của Yên Bái. Cùng trong khu vực này, người xem còn được tìm hiểu những hiện vật, trò chơi dân gian các dân tộc, chữ viết, nghệ thuật, nhạc cụ của các dân tộc trong tỉnh…
Các không gian trưng bày trong bảo tàng nối tiếp nhau tạo thành dòng chảy song những người thiết kế lại tinh tế tách biệt không gian này với không gian khác bằng màu sắc của tường, tạo nên những khối hình dễ nhận biết.
Thông qua những hiện vật trưng bày hiếm có được tìm thấy tại các di chỉ cho mọi người cái nhìn tổng quát về các thời kỳ lịch sử. Người xem dễ dàng nhận thấy các di chỉ khảo cổ học như: Bến Mậu A - được coi là bằng chứng cổ xưa nhất về sự có mặt của con người, khi tổ chức xã hội loài người đang dần hình thành; di chỉ khảo cổ học Tuần Quán; những hiện vật của thời kỳ Hậu kỳ đá mới, Sơ kỳ kim khí; văn hóa Đông Sơn…
Không quá khi nói rằng, đến Bảo tàng Yên Bái sẽ có cái nhìn tổng quan và đầy đủ nhất về lịch sử bởi các thời kỳ được trưng bày khoa học, tách biệt. Tham quan Bảo tàng, người xem dường như đang đi trong những thước phim lịch sử đó.
Từ thời kỳ phong kiến tự chủ ở Yên Bái trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn với các tổ hợp sa bàn di tích khảo cổ Hắc Y, cùng các nhóm hiện vật chùa Bến Lăn, Pù Lườn Xe, bệ thờ đá chùa Vắp, tượng dũng tướng Hà Chương… đến thời kỳ cận - hiện đại thông qua tranh ảnh và hiện vật tái hiện một số phong trào chống giặc ngoại xâm, giải phóng, xây dựng và phát triển quê hương Yên Bái.
Ông Nguyễn Hoàng Long chia sẻ: "Chúng tôi cố gắng mang đến cái nhìn tổng quan nhất, đầy đủ nhất về lịch sử Yên Bái, các hiện vật mang trong mình những giá trị lịch sử được chúng tôi sưu tập, tìm kiếm rất nhiều năm nay, lưu giữ cẩn thận và giờ trưng bày ở đây cho người dân, du khách cùng được chiêm ngưỡng để hiểu thêm về đất và người Yên Bái. Chúng tôi cũng hy vọng, thông qua Bảo tàng được trưng bày hiện đại, đẹp mắt này, thế hệ trẻ Yên Bái sẽ có những trải nghiệm và yêu thích hơn lịch sử địa phương, từ đó chung sức xây dựng quê hương Yên Bái”.
Thanh Ba