Nhằm bảo tồn, khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, xóa bỏ các hủ tục, huyện Mù Cang Chải xây dựng Đề án gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông giai đoạn 2013 - 2015 tầm nhìn đến năm 2020.
Theo đó, huyện chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn có nhiều giải pháp giữ gìn văn hóa truyền thống; tuyên truyền phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Tăng cường hoạt động của Đội tuyên truyền văn hóa lưu động; tổ chức chương trình giao lưu văn hóa giữa các địa phương trong huyện; mở các lớp truyền dạy ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Mông; khôi phục, chế tác các nhạc cụ truyền thống như khèn, sáo, đàn môi; truyền dạy múa, hát các làn điệu dân ca, hát đối giao duyên, múa khèn… cho lớp trẻ.
Vận động các gia đình người Mông cải tạo, giữ gìn nhà truyền thống tấm lợp pơ mu; xây dựng các làng nghề truyền thống; duy trì các nghi thức trong lễ trưởng thành, lễ ăn hỏi, lễ đặt tên, các lễ hội mừng cơm mới, gầu tào...
Chỉ đạo các xã, thị trấn phát triển các đội văn nghệ xung kích và gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Mông. Đặc biệt, các đơn vị trường học ngoài giờ học chính khóa, tổ chức buổi học ngoại khoá, trải nghiệm văn hóa dân tộc Mông cho học sinh, tập trung vào các trò chơi dân gian, điệu múa truyền thống, lễ hội của dân tộc như: đi cà kheo, lễ hội gầu tào, các điệu múa khèn, múa khăn và một số phong tục, các lễ hội và môn thể thao truyền thống.
Đến nay, một số trường học thành lập các câu lạc bộ (CLB) như: CLB khèn, CLB đàn môi, CLB sáo, nhị và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu văn hoá người dân tộc Mông cho các em học sinh.
Thầy giáo Nguyễn Đình Hưng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Mồ Dề cho biết: Ngoài việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức trên lớp học, nhà trường luôn quan tâm chú trọng các buổi học ngoại khóa nhằm dạy và truyền thụ các nét đẹp, truyền thống của văn hóa dân tộc Mông cho các em học sinh, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian, các điệu múa khèn, múa khăn, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo…
Bên cạnh đó, giáo viên nhà trường lựa chọn các em học sinh có năng khiếu và cùng sở thích thành lập các CLB khèn, đàn môi, sáo Mông; tổ chức nhiều hoạt động giao lưu với các trường nội trú trên địa bàn; tích cực tham gia các chương trình lễ hội của huyện.
"Tới đây, chuẩn bị cho sự kiện Lễ hội khám phá Di tích Quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang vào cuối tháng 9/2020, nhà trường đã chuẩn bị đoàn gồm 250 em học sinh cùng tham gia màn đồng diễn múa khèn, múa khăn..." - thầy Hưng thông tin.
Năm 2019, nhiều nghề của đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải được tỉnh Yên Bái công nhận là nghề truyền thống, như: dệt thổ cẩm ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha; rèn, đúc ở các xã Nậm Khắt, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Kim Nọi; chế tác khèn Mông ở các xã Púng Luông, Nậm Khắt, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Mồ Dề.
Việc được công nhận các nghề truyền thống là cơ sở để các cấp chính quyền và đồng bào Mông lưu giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa. Thông qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn.
Các làng nghề truyền thống được hình thành gắn với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm…, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông ở Yên Bái; đồng thời, đẩy nhanh việc xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch trọng điểm của tỉnh và vùng Tây Bắc, là điểm đến "bản sắc, an toàn, thân thiện” vào năm 2025.
Vũ Đồng