Dù cuộc hôn nhân do sự sắp đặt của hai bên nhưng ông bà rất yêu thương nhau. Ông bà sống với nhau mấy chục năm, sinh được 3 anh em tôi. Đến khi bắt đầu nhàn hạ, con cháu đề huề, kinh tế không phải lo lắng thì mẹ tôi ngã bệnh.
Khi đó, cha tôi tận tình chăm sóc, tận tình tới mức nhất thiết phải do chính tay cha tôi bón từng thìa cháo, tắm rửa cho bà. Khi mẹ qua đời, cha tôi thẫn thờ không biết bao nhiêu ngày khiến chúng tôi phải thay nhau về ở với ông.
Ban đầu, cứ nghĩ sau lễ tứ cửu, đưa bàn vong mẹ lên gian thờ thì bố sẽ nguôi ngoai, nhưng qua bách nhật, đến giỗ đầu, vẫn chưa khả quan nhiều, vợ chồng thằng út phải dọn nhà về ở cùng ông.
Chúng tôi không bất hiếu, mà rất yêu thương mẹ, nhưng người mất thì đã mất rồi. Con người ta có ai cưỡng nổi quy luật tạo hóa, cứ xót, cứ thương thì tâm trí đâu mà sống mà học tập, làm ăn.
Với bố tôi, ông chưa lúc nào cảm thấy quen với cuộc sống thiếu vợ. Những biểu hiện như: chiều hè mà nấu bát canh cua để ông ăn cho mát ruột thì thể nào cũng có một câu, đại loại như: "Ngày mẹ mày còn sống, mẹ mày nấu canh riêu cua ngon tuyệt”.
Định kỳ ngày 5 hằng tháng, chúng tôi đưa ông đi viện khám, lấy thuốc trị tiểu đường (chuyện này không bao giờ quên), ấy thế mà lần nào ông cũng nói: "Nếu còn bà thì chẳng bao giờ phải lo, cứ chiều mùng bốn đã nhắc”.
Ba năm sau khi mẹ tôi qua đời, tôi lựa lời tâm sự với ông, nếu được, chúng tôi sẵn sàng động viên ông đi bước nữa, nhưng hễ nói câu nào là bố tôi lại phản bác lại câu ấy.
Chẳng còn cách gì hơn, tôi nhờ cậy hội đồng nghiệp, hội người cao tuổi và cả mấy ông bà trong ban mặt trận khu phố giúp bằng cách vận động ông tham gia nhiều hoạt động: nào thăm người ốm, nào đi dự hiếu hỉ, tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh buổi sớm, rồi lao động "Ngày Chủ nhật xanh”.
May nhất là thành phố cho lắp bộ dụng cụ tập thể dục ngoài trời ở sảnh sân vận động và giao luôn cho khu phố quản lý. Từ ấy, cha tôi không chỉ duy trì đều đặn việc luyện tập mà còn hăng hái quét rác, làm vệ sinh xung quanh.
Tranh thủ ngày nghỉ hoặc lễ tết, tôi và mấy đứa em thay nhau đưa ông về thăm quê, đi chơi đâu đó…
Rồi những nỗ lực của chúng tôi đã làm con người ông thay đổi, ông nhanh nhẹn, hồng hào và rất tích cực công việc hội hè, phường phố; nguy cơ mắc trầm cảm không những không còn mà bệnh xương khớp như khỏi hẳn, tuổi 80 mà được như thế là mừng lắm rồi!
Hôm nay, một ngày thu mát mẻ, tôi về thăm ông. Cửa mở, nhà vắng hoe, ngó qua hàng xóm thấy cửa đóng, then cài; ngó ra vườn cũng không thấy ông. Chột dạ, tôi chạy lên gác, cửa gian thờ hé mở, cha tôi đang trong thế ngồi thiền định: "Bà ơi! Nghe lời bà, tôi giữ gìn sức khỏe, các con cháu đều ngoan, làm ăn, học hành tốt. Dưới suối vàng, bà có vui không?”.
Tôi nhón chân bước nhẹ xuống phòng bởi không muốn phá ngang giây phút giao cảm của cha và mẹ. Ông còn yêu thương và nhớ nhung bà lắm!
Tấn Đạt