Yên Bái bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/9/2020 | 1:36:11 PM

YênBái - Đến tháng 6/2020, Yên Bái có 714 di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể; 3 trong số đó được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là DSVH phi vật thể cấp quốc gia.

Hạn khuống của người Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hạn khuống của người Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Xác định bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược cần phải thực hiện thường xuyên và lâu dài, những năm qua, Yên Bái đã triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm góp phần nâng cao giá trị các DSVH phi vật thể nhằm khơi dậy lòng tự hào cho các tộc người là chủ thể văn hóa, giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ và trao truyền vốn DSVH phi vật thể.

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL).

P.V: Xin ông cho biết kết quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH phi vật thể trên địa bàn tỉnh những năm qua?

Ông Nguyễn Lâm Tới: 10 năm qua (2010 - 2020), Sở VH-TT&DL Yên Bái đã tổ chức 6 đợt kiểm kê DSVH phi vật thể tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, Sở tiến hành tổng hợp và đưa ra số liệu thống kê cụ thể đối với từng tộc người và các nhóm địa phương tộc người trên địa bàn toàn tỉnh thông qua các loại hình như: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian. 

Đối với các DSVH phi vật thể được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia được các địa phương trong tỉnh chú ý duy trì thực hành thường xuyên theo đúng truyền thống. Điển hình như, để bảo tồn nghệ thuật xòe Thái và Hạn khuống hàng năm, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức chương trình Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò trong đó có thực hành di sản Hạn khuống và múa xòe. 

Đặc biệt, màn đại xòe trong Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2019 đã có sự tham gia của 5.000 người. Đồng thời, thị xã Nghĩa Lộ đã thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị vốn di sản của tộc người mình.



Ông Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Bên cạnh đó, với chức năng tham mưu, quản lý Nhà nước về lĩnh vực VH-TT&DL, Sở cũng tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương. Xây dựng các chuyên đề, tổng hợp các tư liệu bảo tồn DSVH phi vật thể cấp tỉnh; triển khai thực hiện các dự án bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số theo chương trình mục tiêu phát triển văn hóa. 

Phối hợp tổ chức các hoạt động truyền dạy, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc, phục dựng các lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, nghề truyền thống có nguy cơ mai một. Tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ các dân tộc thiểu số. 

Đến tháng 6/2020, Yên Bái có 714 DSVH phi vật thể;  3 trong số đó được Bộ VH-TT&DL công nhận là DSVH phi vật thể cấp quốc gia. 

Ngoài ra, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc cũng được ngành triển khai gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thông qua tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ các dân tộc thiểu số tổ chức 2 năm/lần từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. 

Huy động nguồn vốn xã hội hóa để phát triển du lịch với phương châm bảo tồn văn hóa các dân tộc làm nền tảng để phát triển du lịch; phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng tài liệu "Tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái” để đưa vào giảng dạy trong nhà trường…

P.V: Có thể thấy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH phi vật thể của tỉnh đạt nhiều thành tựu đáng mừng, để có được kết quả này, quá trình triển khai thực hiện ngành đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Lâm Tới: Trong quá trình triển khai tổng kiểm kê DSVH phi vật thể, ngành VH-TT&DL thường xuyên nhận được sự phối hợp chặt chẽ của UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng như sự hưởng ứng và đồng thuận của người dân tại các địa phương được điều tra. 

Nhiều di sản của các tộc người vẫn được các cộng đồng tự bảo lưu và tồn tại bền vững trong đời sống, đặc biệt là những DSVH phi vật thể của các tộc người Mông, Dao, Thái, Tày trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiếp cận, kiểm kê và lập hồ sơ di sản. 



Rước lễ trong Lễ hội Đền Đại Kại huyện Lục Yên.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như: cơ sở vật chất, giao thông đi lại khó khăn, sự bất đồng ngôn ngữ, những người am hiểu về phong tục tập quán đều cao tuổi, lớp trẻ chỉ còn số ít được nghe các cụ kể lại, vẫn còn yếu tố kiêng kỵ ở một số tập tục nên khó tiếp cận, một số xã chưa nhận thức đúng về công tác tổng kiểm kê DSVH phi vật thể...

P.V: Xin ông cho biết, để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH phi vật thể trên địa bàn tỉnh, ngành VH-TT&DL đề ra những giải pháp nào?

Ông Nguyễn Lâm Tới: Để tiếp tục góp phần nhận diện, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị DSVH phi vật thể theo tinh thần chỉ đạo tại Thông tư số 04/BVHTTDL về kiểm kê DSVH phi vật thể và lập hồ sơ DSVH phi vật thể đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia của Bộ VH-TT&DL, Sở VH-TT&DL tỉnh Yên Bái đã kiến nghị với Bộ VH-TT&DL đề xuất với Chính phủ cần có những chính sách đầu tư cho các chương trình mục tiêu về bảo tồn và phát huy DSVH phi vật thể. 

Đặc biệt, coi trọng đầu tư trực tiếp cho chủ thể DSVH bằng chính sách cụ thể, thiết thực, hiệu quả; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về hoạt động kiểm kê di sản nhằm nhận diện, bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH phi vật thể của các tộc người, đặc biệt chú ý đến các biện pháp có tính khả thi để lưu giữ, trao truyền những DSVH phi vật thể đang có nguy cơ mai một.

Trước những vấn đề cấp bách trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc, trong điều kiện còn hết sức khó khăn, song với sự quyết tâm, ngành VH-TT&DL tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kiểm kê các giá trị văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia nhằm bảo tồn kịp thời và phát huy, phổ biến các giá trị di sản văn hóa các dân tộc, hướng tới xây dựng và hoàn thiện con người Yên Bái trong xu thế phát triển mới. Qua đó, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Thương (thực hiện)


Các tin khác

Sáng 28/9, đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp xem xét các hồ sơ, xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái và danh hiệu "Nghệ nhân dân gian”, "Nghệ nhân ưu tú” tỉnh Yên Bái lần thứ Ba, năm 2020.

Trời đã vào cuối thu. Những cơn mưa rào bỗng nhẹ hạt đi và dài như nỗi nhớ thương vô hạn mà cha tôi dành cho mẹ.

Thương Tín (bìa phải) cà phê với bạn bè văn nghệ

Mới đây, nhà thơ Phan Hoàng viết vài dòng tâm tình về ngôi sao một thời: “Sáng nay, café nghe nghệ sỹ Thương Tín của “Biệt động Sài Gòn” nói sắp đi làm bảo vệ bãi xe kiếm sống, thấy đời nghệ sỹ buồn buồn làm sao. Cùng sinh ra ở Phú Yên, mình đã khó, về già anh càng ít sướng hơn”.

Một tiết mục múa trong Ngày hội văn hóa dân tộc Dao Văn Yên

Sáng 26/9, huyện Văn Yên đã tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Dao. Tham dự Ngày hội có đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục