“Lục bát xanh” và tâm huyết của Thế Quynh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/10/2020 | 7:51:21 AM

YênBái - Một tập thơ lục bát dầy dặn là dụng công của tác giả, bởi lục bát phải tuân theo luật bằng trắc chỉ có trong thơ thuần Việt. Không giống thể thơ tự do được viết bằng cảm xúc, tư duy, không bị khuôn thước niêm luật gò bó. Thơ lục bát vừa phải chú trọng thanh âm vừa phải chăm lo tới tính trữ tình và phẩm chất thi ca.

Để tránh sự ghép vần thuần túy thô thiển, đơn giản, thiếu tính nghệ thuật, tác giả Thế Quynh đã dành nhiều tâm huyết cho thể thơ "dễ làm, khó hay” như người ta thường nói. "Lục bát xanh” đã không để người đọc phải băn khoăn về những tiêu chí cần thiết của thơ.

Rất nhiều bài thơ, câu thơ, trong "Lục bát xanh” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2020 xứng đáng với lao động nghệ thuật của tác giả. Đó là những vần thơ được tác giả chau chuốt, tạo dựng hình ảnh, gây ấn tượng. Đề tài người mẹ được Thế Quynh khắc họa bằng hình ảnh rất tiêu biểu, thương cảm:

Tảo tần chai sạn bàn tay
Ngọt bùi nhận ít, đắng cay gánh nhiều (Vu lan nhớ mẹ)

Bằng những việc cụ thể, tác giả nói về mẹ với tất cả niềm yêu thương, kính trọng và đầy ân nghĩa "Chổi tre mẹ quét lá đa/ Nấu cơm niêu đất nuôi ta thuở nào” (Tiếng chổi tre). Người biết coi trọng nhân nghĩa cũng là người duy tình, biết coi trọng những giá trị lâu bền và trân trọng những vẻ đẹp người xưa đã chiêm ngẫm và lưu lại: 

Rượu say đời chẳng vui hơn
Đọc thơ ông, dạ bồn chồn thương ông (Đọc thơ thu Nguyễn Khuyến)

Rất nhiều trạng huống trong thơ. Những sinh hoạt mang tính xã hội đã ngấm vào thơ Thế Quynh. Cảnh vật ngày thường đã tạo cảm xúc cho tác giả có những vần thơ gần gũi với cuộc sống "Tan tầm gặp buổi đò đông/ Thẫn thờ anh đứng nhìn sông, trông đò” (Kỷ niệm cây cầu)

Đấy cũng là tâm trạng của mỗi người khi đò giang cách trở. Nhận ra mình. Hiểu mình. Còn là tâm trạng khi bước tới chốn thờ phụng. Xưa nay, không ít người đến chùa chỉ để cầu may, cầu tài. Với Thế Quynh thì khác, vào chùa để giác ngộ chính mình:

Vào chùa lễ Phật, nghe kinh
Ngộ ra mình sống với mình thật hơn (Vào chùa)

Mộng mơ và biết mộng mơ, cũng là cái nết của người làm thơ! Người thơ đã không ít lần để cho tưởng tượng của mình bay bổng. Không hề có hại gì. Chỉ làm cho tâm hồn thơ phong phú và đấy còn là tâm trạng thơ được nuôi dưỡng, ấp ủ và thăng hoa. "Thẩn thơ tìm thuở mọng mơ/ Gặp hòn đá lẻ bên bờ tương tư (Chiều). Thì ra trí tưởng tượng của người làm thơ thật trác tuyệt! Không có đề tài nào không thể biến thành thi ca. 

Vẫn còn đó cái vẻ lãng tử của người làm thơ "Chong đèn thức đợi nở hoa/ Trà ngon đối ẩm riêng ta với quỳnh” (Lì xì xuân). Lãng mạn, đó cũng là nẻo đường dẫn tới thi ca chăng? Và tác giả đã không quên nhắc tới em. Em đồng nghĩa với thơ. Không có cách giải thích nào khác.

Em là thực, em là mơ
Em là khắc khoải đợi chờ trong anh (Thơ tình)

Càng mơ mộng càng hiểu những cảnh đời. Liệu có ai thấu cảnh đào phai xuống phố? Để thỏa mãn thú chơi của dân thị thành, có ai "cảm thương cây mẹ phân thân trăm nhà”? Đào rừng đẹp. Vẻ đẹp được người lợi dụng. Chỉ sau mấy ngày tết, đào sẽ ra bãi rác cùng với những đồ phế thải!

Giữa phồn hoa phố bơ vơ
Rừng ơi nào biết bao giờ tàn xuân? (Đào phai xuống phố)

Tương tự như vậy, biết bao số phận không may mắn, chịu cảnh "màn trời chiếu đất”, bần cùng. Người làm thơ quan tâm tới những mảnh đời khó nhọc, ấy là người tâm huyết, yêu thương đồng loại, khác với loại người chỉ biết "vinh thân phì gia” không hiếm trong xã hội. Người làm thơ biết chia sẻ trước cảnh "Sân ga, góc chợ là nhà/ Eo xèo mua bảy bán ba cầm lòng” (Hàng rong). Chỉ vì "Câu lục bát bỏ bùa yêu cho mình” (Lục bát xanh) mà Thế Quynh đã gắn bó với thể loại này. Không ít những bài lục bát khá nhuần nhuyễn. Xin dẫn một số câu tiêu biểu để thấy sự lao động nghiêm túc trong thơ Thế Quynh:

Câu thơ chiêm nghiệm một đời
Nguyên tiêu mang thả lên trời cùng mây (Thả thơ)

Câu thơ chiêm nghiệm được thả lên trời. Thật lý thú! Cũng là thú chơi tao nhã, sang trọng của những người duyên nợ với thi ca. Và đấy cũng là khát vọng thơ của Thế Quynh.

Ngọc Bái

Các tin khác
Google cập nhật ảnh đại diện trên công cụ tìm kiếm nhân dịp Tết Trung thu

Google gửi lời chúc mừng Tết Trung thu tới người dùng Việt Nam bằng một doodle đặc biệt trên trang chủ.

Những thanh niên người Dao Đỏ nhảy vào giữa đống lửa đang cháy bằng đôi chân trần trong sự ngạc nhiên của người xem.

Bộ VH-TT-DL vừa quyết định đưa lễ Nhảy lửa của người Dao Đỏ (Hà Giang) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được trao giải thưởng Dế Mèn 2020

Ngày 29-9, tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được trao Giải thưởng Lớn "Hiệp sĩ Dế Mèn" với tác phẩm Làm bạn với bầu trời. Giải thưởng Dế mèn là giải thưởng phi lợi nhuận thường niên nhằm trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ).

Múa bồng làng Triều Khúc (Thanh Trì), một trong nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Hà Nội.

Thiết thực kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2020), hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11, ngày 29-9, Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội phát động cuộc thi sáng tác với chủ đề "Người giữ màu dân tộc".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục