Một số địa điểm cần tập trung nghiên cứu, đầu tư tôn tạo di tích ở Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/11/2020 | 8:01:22 AM

YênBái - Cụ thể là các di tích: di tích Nậm Tốc Tát (xã Thạch Lương); di tích hồ nước quả bầu tiên (xã Hạnh Sơn); di tích 3 cây đa thôn Bản Viềng và di tích Thẩm Han (xã Sơn A).

Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến nghiên cứu để tư vấn cho một thiết kế kiến trúc thuộc Dự án tôn tạo di tích Nậm Tốc Tát.
Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến nghiên cứu để tư vấn cho một thiết kế kiến trúc thuộc Dự án tôn tạo di tích Nậm Tốc Tát.

Vùng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và là vùng có bề dày "trầm tích” văn hóa dân gian các dân tộc cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa như: Di tích lịch sử cấp quốc gia Căng và Đồn Nghĩa Lộ; di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như thành Viềng Công, đền thờ Cầm Hánh, di tích tâm linh Nậm Tốc Tát (Đông quái ha - rừng hồn trâu)…

Bên cạnh đó, còn nhiều di tích khác cần được tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa các dân tộc, trong vùng, trong nước và quốc để vừa bảo tồn, nâng tầm giá trị di tích vừa tạo đà cho phát triển kinh tế du lịch địa phương, của tỉnh. 

Cụ thể, các di tích được đề cập ở đây gồm: di tích Nậm Tốc Tát (xã Thạch Lương); di tích hồ nước quả bầu tiên (xã Hạnh Sơn); di tích 3 cây đa thôn Bản Viềng và di tích Thẩm Han (xã Sơn A).

Đối với di tích Nậm Tốc Tát, là di tích gắn với truyền thuyết người Thái đen vùng Tây Bắc Việt Nam, ở Thái Lan, Lào khi chết hồn được dẫn về đây - nơi có hai con trâu thần gác cửa "Đông quái ha” cho phép hồn đi vào khu vực Nậm Tốc Tát (thác nước ba tầng) tắm rửa sạch sẽ để hồn được về mường trời. Thác nước ba tầng gồm: tầng trên cùng là nơi tắm của hồn người thuộc giới thủ lĩnh giàu có trong cộng đồng; tầng thứ hai dành cho hồn lớp người trung lưu; tầng cuối thuộc lớp thường dân. 

Theo nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến, hiện nay, người Thái đen ở Thái Lan, Lào và vùng Tây Bắc Việt Nam còn giữ được văn bản chữ Thái cổ ghi rõ nghi lễ chỉ dẫn cho hồn người Thái đen khi chết đi về Nậm Tốc Tát. 

Cụ thể, người Thái đen ở Thái Lan dẫn hồn người chết qua nước Lào đi sang Việt Nam đến địa điểm huyện Sông Mã, qua huyện Mường La, tỉnh Sơn La về huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái rồi xuôi theo đường xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn rồi về vùng Mường Lò. 

Tại đây, hồn được nghỉ ngơi ăn uống tại cây đa (cỏ bả) thuộc khu vực dốc Hoa Kiều, thị xã Nghĩa Lộ ngày nay; tiếp đó, mới đi về Nậm Tốc Tát. Người Thái đen ở Lào, ở Tây Bắc Việt Nam cũng dẫn hồn người chết đi theo lộ trình này. 

Với truyền thuyết như vậy, người Thái đen vùng Tây Bắc Việt Nam, hoặc một số du khách Thái Lan khi đến Mường Lò, họ rất coi trọng tham quan di tích Nậm Tốc Tát.

Từ những thông tin mang tính liên hệ quốc tế trong văn hóa dân gian của người Thái đen, sẽ là gợi ý quan trọng với các cơ quan chuyên môn và địa phương cần tiếp tục hợp tác nghiên cứu để củng cố hồ sơ khoa học, xây dựng phương án tôn tạo di tích này xứng đáng với tầm vóc một di tích tâm linh của người Thái đen trong khu vực Đông Nam Á (trừ người Thái đen vùng Thanh Hóa, Nghệ An khi chết hồn được dẫn đến vùng Nặm Tao nước đỏ (sông Hồng) tắm rửa rồi đi về mường trời).

Được biết, di tích Nậm Tốc Tát hiện đang triển khai dự án tôn tạo khá lớn như: xây dựng khu nhà tế lễ (tế đường); làm bậc thang đi lên các tầng thác, tôn tạo cảnh quan… để phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng và khai thác du lịch.

Di tích hồ nước liên quan đến truyền thuyết quả bầu tiên từ trên trời rơi xuống mặt đất, làm quả bầu vỡ tung, hạt bầu tóe đi khắp nơi rồi nở thành người Thái và nhiều dân tộc khác. Chỗ quả bầu rơi xuống, hoắm thành hồ nước tại thôn Mường Chà trong lòng phế tích thành Viềng Công thuộc xã Hạnh Sơn. 

Hiện tại, hồ nước được xây bờ bao và nhân dân giữ vệ sinh môi trường khá tốt nên hồ sạch. 

Xuất phát từ truyền thuyết về cội nguồn dân tộc, nên người Thái vùng Tây Bắc khi đến Mường Lò thường đến đây tham quan. Thị xã Nghĩa Lộ có dự định tôn tạo di tích này bằng việc, sẽ đắp một quả bầu nậm giữa lòng hồ nước. 

Tuy nhiên, xung quanh hồ hiện nay kiến trúc nhà ở khá dày nên để trở thành một địa chỉ văn hóa gắn với phát triển du lịch, thị xã cần có chiến lược quy hoạch mặt bằng di tích, tôn tạo cảnh quan bằng những sinh cảnh bản địa như trồng hoa ban, hoa đào cùng các loại cây cảnh khác; xây dựng các thiết chế bổ trợ như sân chơi cho việc tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống trong khu vực như xên bản, xên mường, hội hạn khuống…; xây dựng đường dạo quanh hồ nước, lắp đặt ghế đá; đồng thời, gắn việc tham quan di tích quả bầu tiên với tham quan di tích thành Viềng Công, mở mang du lịch cộng đồng đối với bà con người Thái ở đây hiện vẫn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống, nét sinh hoạt thường nhật rất độc đáo…

Di tích Ba cây đa nằm trên các địa danh: Bản Viềng, Bản Vãn, Bản Cóc thuộc xã Sơn A liên quan đến truyền thuyết thủ lĩnh Tạo Lò của người Thái chia đất cho các con cai quản. Đồng thời, căn cứ vào một số dữ liệu ngôn ngữ, dân tộc học, khảo cổ học, địa lý, cảnh quan… hé mở nhiều thông tin nơi này có thể là thủ phủ đầu tiên của các thủ lĩnh người Thái khi đưa cộng đồng người Thái di cư từ Vân Nam, Trung Quốc đến vùng Mường Lò. 

Tuy nhiên, để có cơ sở khẳng định thực sự đầy đủ các yếu tố khoa học lịch sử, văn hóa, địa phương và các ngành chức năng cần tiếp tục xây dựng giải pháp phối hợp nghiên cứu cơ bản. Nếu xác định được chắc chắn đây là thủ phủ đầu tiên của người Thái định cư ở Mường Lò thì nên tiếp tục quy hoạch, xây dựng thành địa chỉ lịch sử, văn hóa mang tính khởi thủy của cộng đồng người Thái ở Việt Nam.

Di tích trọng điểm nữa ở Mường Lò, đó là di tích Thẩm Han. Di tích này liên quan đến truyền thuyết nàng Hai (tiếng Mường là nàng Han). Truyền thuyết này phủ rộng trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Thái và người Mường. 

Tuy nhiên, cùng một nhân vật nhưng ở mỗi vùng, mỗi dân tộc lại kể về nàng Hai bằng những cốt truyện tương đối khác nhau. Tuy nhiên, nó đều có điểm chung nhất, đó là dấu tích của chế độ mẫu hệ hay tục thờ nữ thần trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt cũng như nhiều dân tộc khác ở Việt Nam. 

Do đó, tại di tích Thẩm Han xưa kia, đã có các sinh hoạt văn hóa như tục chơi hang ngày xuân của đồng bào Thái và các nghi thức cúng tế thần linh của người Thái, người Mường. Điều đó, gợi mở cho chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa từng tồn tại ở di tích này. 

Nếu được đầu tư bảo tồn, tôn tạo đúng mức thì di tích Thẩm Han chắc chắn sẽ trở thành một điểm nhấn cực kỳ quan trọng để phát triển các loại hình du lịch ngay tại xã Sơn A như: du lịch cộng đồng người Thái, người Mường; du lịch về nguồn với thủ phủ đầu tiên của người Thái cổ xưa; du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Bản Bon; du lịch cảnh quan, câu cá trên các dòng suối lớn. 

Đặc biệt, xã Sơn A còn liền kề với một số xã của huyện Văn Chấn như: Nghĩa Sơn có đông đồng bào Khơ Mú; Nậm Lành, Suối Quyền đông đồng bào Dao và đều là những tộc người có đời sống văn hóa dân gian, nét sinh hoạt thường nhật cực kỳ đặc sắc.

Mong rằng, những gợi ý trong việc tập trung đầu tư nghiên cứu, tôn tạo, bảo tồn một số di tích ở vùng Mường Lò sẽ được các cấp, ngành chức năng quan tâm đúng mức, để những di tích này vừa tiếp tục lan tỏa các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống vừa trở thành cơ hội, tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội vùng Mường Lò trong tương lai.
Hoàng Nhâm

Tags Mường Lò Yên Bái di tích xòe Thái người Mường

Các tin khác
Diễn xướng hầu đồng giá ông Hoàng Mười tại Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn gắn với Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông năm 2020. (Ảnh: Bùi Minh)

Hiện nay, huyện Văn Yên có 24 di tích lịch sử được xếp hạng di tích; trong đó, có 2 di tích cấp quốc gia là đền Đông Cuông, xã Đông Cuông và đền Nhược Sơn, xã Châu Quế Hạ.

Giao lưu các dân tộc tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” sẽ có các triển lãm ảnh, tái hiện nghi lễ truyền thống, trồng vườn cây đại đoàn kết, giới thiệu ẩm thực Nam bộ…

Bộ tem gồm ba mẫu và một blốc.

Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam dự kiến sẽ phát hành bộ tem bưu chính “Chim bói cá” vào ngày 14/11 để góp phần bảo tồn loài chim bói cá và giới thiệu sự đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam cho biết đã đồng ý với đơn xin rút lui, không tham gia đêm diễn tối ngày 12/11 tại Vũng Tàu của Hoa hậu Hương Giang. Người đẹp cũng tuyên bố tạm ngừng hoạt động một thời gian.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục