Tác giả
Văn học nghệ thuật (VHNT) là một hình thái hoạt động đặc thù. Ở đó, có người đứng trong tổ chức (Hội, câu lạc bộ), có người ngoài cộng đồng nhưng yêu VHNT, mong muốn được góp tiếng nói - tác phẩm vào sự nghiệp chung thông qua loại hình VHNT hoặc ấn phẩm VHNT nào đó.
Với văn xuôi, nhiệm kỳ qua, ngoài các hội viên Hội Liên hiệp VHNT, trên báo chí địa phương và Tạp chí Văn nghệ Yên Bái còn xuất hiện nhiều tác giả. Họ đã hoặc chưa trở nên thân quen với bạn đọc nhưng tác phẩm của họ đã được Ban Biên tập trân trọng tiếp nhận, in ấn, bảo lưu hoặc chân thành phúc đáp. Nhiều cộng tác viên nhiệt tâm, chín chắn, tôn trọng điều lệ Hội... đã trở thành hội viên, trở thành tác giả văn xuôi, từng bước chắc tay.
Nói đến tác giả hội viên chuyên ngành văn xuôi thuộc Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái, không thể không nói tới lực lượng nhỏ mà quan trọng, ấy là thế hệ trưởng thành trong hai cuộc chiến tranh: chống Mỹ và bảo vệ biên giới của thế kỷ trước. Sản phẩm sáng tạo của họ được khẳng định vững vàng từ sau thập kỷ 90, để hôm nay họ là và sẽ là những cây bút chủ lực của Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, của Chi hội Văn xuôi trực thuộc Hội.
Đó là Trần Cao Đàm, Quang Bách, Hoàng Việt Quân, Vũ Quang Trung, Hoàng Thế Sinh, Nguyễn Hiền Lương, Hoàng Tương Lai, Bá Khánh, Hà Lâm Kỳ, Nguyễn Đức Long. Trẻ hơn một chút về tuổi đời và tuổi nghề là Bùi Thị Kim Cúc, Trần Thị Hợp, Nguyễn Vĩnh Truyền, Lương Tuyết Nga, Dương Hiền Nga, Nguyễn Thị Thanh, Thanh Tửu. Cũng rất cần nhắc đến các tác giả chuyên ngành thơ, lý luận phê bình, văn hóa dân gian mà vẫn yêu văn xuôi, viết văn xuôi.
Tiêu biểu như nhà thơ Ngọc Bái với tiểu thuyết Ngang trời mây đỏ và một số tập truyện, tập ký. Như Nguyễn Thế Quynh, Ngọc Chấn, Anh Thư (Hoàng Hiền) với nhiều bài ký, bài phê bình giới thiệu tác phẩm văn xuôi đăng đàn trên báo chí được bạn đọc quan tâm, bình luận.
Ở đầu nhiệm kỳ trước, có số ít cây bút văn xuôi được cho là trẻ đã bước vào làng văn một cách đường hoàng. Đến hôm nay, cuối nhiệm kỳ sau, nghĩa là 10 năm qua đi, các tác giả đã tự khẳng định cá tính và sự chững chạc với nhiều tác phẩm đoạt giải cao. Hình như chính họ đang tạo ra một bút pháp mới, tạm gọi "bút pháp văn chương 4.0”.
Nông Quang Khiêm, Nguyễn Ngọc Yến, Hoàng Kim Yến, Nguyễn Thái Ly, Nguyễn Thị Tâm, Dương Thu Phương, Đào Thu Hương, Lưu Khánh Linh là họ. Lớp bút lực này chắc chắn sẽ nối bước đàn anh một cách tương xứng. Nhiệm kỳ sau và sau nữa, văn xuôi Yên Bái sẽ không có sự hụt hẫng trên cả hai phương diện: tác giả và tác phẩm.
Tác phẩm
5 năm qua, (2015-2020), bút pháp văn xuôi Yên Bái, theo tôi đã vững chân ở "sân” văn học truyền thống và đang trăn trở tìm kiếm bước ngoặt mới: Lối viết cách tân trên chủ đề quen thuộc! Sáng tác của tác giả trẻ, bạn văn dễ nhận rõ điều này. Nhưng nếu ngẫm hai tiểu thuyết: Ma tiền và Chúa đất miền Khau Sưa của nhà văn Hoàng Thế Sinh, hay tập truyện Quả lựu đạn cài hoa của Hoàng Tương Lai so với các cuốn sách trước đó của chính tác giả, sẽ nhận ra ngay sự làm mới về thể thức tác phẩm, để được bạn đọc hứng thú tìm kiếm đón đọc, là cả cuộc bứt phá âm thầm của người viết.
Số lượng và chất lượng tác phẩm văn xuôi nhiệm kỳ này, tôi cho rằng, đang song hành. Nó thể hiện rõ ràng trên cả hai phương diện: đầu sách và giải thưởng.
Đầu sách. Trước hết là danh mục tác phẩm được các nhà xuất bản có thương hiệu: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Hội Nhà văn, Tuổi trẻ, Thanh niên, Văn học, Văn hóa dân tộc… in, phát hành theo phương thức "đặt hàng”, ngày càng nhiều. Chưa có sự thống kê đầy đủ nhưng có thể khẳng định nhiệm kỳ này, số lượng tác phẩm văn xuôi không liên kết và liên kết được công bố, cũng lên tới trên dưới sáu chục đầu sách và cả trăm bài viết.
Xin nhắc tên một số "nhà” văn xuôi và sản phẩm lao động sáng tạo của họ ở nhiệm kỳ này: Trần Cao Đàm có: Âm vang Ngòi Vần (tiểu thuyết), Loạn Mường (tiểu thuyết); nhà văn Hoàng Thế Sinh: Ma tiền (tiểu thuyết), Chúa đất miền Khau Sưa (tiểu thuyết); Hoàng Việt Quân: Mường Lò mở hội (ký); nhà văn Hà Lâm Kỳ: Tìm trong dân gian (lý luận phê bình); nhà văn Nguyễn Hiền Lương: Xóm chợ (tiểu thuyết), Bản hùng ca Tây Bắc (truyện ký); Nguyễn Ngọc Yến: Mùa xa (tập truyện), Những dấu chân qua (bút ký); nhà văn Nông Quang Khiêm: Trên đỉnh La Pán Tẩn (bút ký), Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải (tập truyện), Hun hút đường quê (tập truyện); Hoàng Kim Yến: Chiều đầy nắng (tập truyện); Quang Bách: Trầm tĩnh những nẻo đường (tiểu thuyết)…
Từ những nỗ lực của tác giả và trách nhiệm cao của người cầm bút, 5 năm qua, khá nhiều tác phẩm văn xuôi đoạt giải danh giá ở trung ương và địa phương. Tiểu thuyết Đất Mường thời dông lũ của tác giả cao niên Trần Cao Đàm xuất bản năm 2015, đạt giải B - Giải thưởng VHNT 5 năm lần thứ Nhất.
Ba tác phẩm: Cánh cung đỏ của nhà văn Hà Lâm Kỳ đoạt giải A, Tìm trong dân gian của Hoàng Việt Quân giải B, Bản hùng ca Tây Bắc của nhà văn Nguyễn Hiền Lương, giải C, Những dấu chân qua của Nguyễn Ngọc Yến giải Khuyến khích - Giải thưởng toàn quốc của Ban chỉ đạo Cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm VHNT và báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018 - 2020.
Và đây, các tác phẩm văn xuôi đoạt giải A- Giải thưởng VHNT Yên Bái các năm từ 2016 đến 2019: Mùa xa, tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Yến; Xóm chợ, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Hiền Lương; Ma tiền, tiểu thuyết của nhà văn Hoàng Thế Sinh; Cánh cung đỏ, tiểu thuyết của Nhà văn Hà Lâm Kỳ; và tác giả Nguyễn Thị Tâm với giải A, Giải thưởng "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2018- 2020 của tỉnh Yên Bái, tác phẩm Người con xứ núi - tập ký. Ngoài ra, tác giả văn xuôi còn đoạt hàng chục giải A, B, C của tỉnh Yên Bái, của các hội chuyên ngành văn học trung ương, các cuộc thi liên ngành, liên tỉnh và thành phố.
Giải thưởng cũng chỉ là sự khích lệ nhất thời. Điều quan trọng phải là những ghi nhận khách quan của thời gian và bạn đọc, sự ảnh hưởng mang tính nhân văn đối với cộng đồng và với sự phát triển của đất nước. Viết văn không phải việc giải trí mà là một lao động sáng tạo thực sự, gian nan, nghiêm túc và khoa học.
Âm hưởng diễn đàn
Cũng như các loại hình VHNT khác của Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái, văn xuôi nhiệm kỳ qua có mặt trên các diễn đàn toàn quốc và tỉnh nhà theo đặc thù riêng của mình. Hàng chục truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, trích tiểu thuyết, bài tham luận… được đăng trên tạp chí và báo chuyên ngành, được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các tỉnh, hoặc làm chủ đề cho các cuộc tọa đàm hội thảo.
Tác phẩm văn xuôi của Hoàng Thế Sinh và của Hà Lâm Kỳ được các sinh viên Hoàng Thị Thu Nga, Triệu Thị Thành, Chu Thị Len - Trường Đại học Thái Nguyên chọn làm luận văn thạc sĩ trong năm 2016, 2018. Nhiều tác phẩm xuất bản những năm đầu nhiệm kỳ đã được tuyển chọn đưa vào Đề án Chính phủ về bảo tồn tác phẩm VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam như các tiểu thuyết Xóm chợ, Thuốc phiện và lửa, Âm vang Ngòi Vần, Cánh cung đỏ; các tập truyện ngắn Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải, Quả lựu đạn cài hoa, Người về sau cuộc chiến…
Có thể nói, đó là những đầu sách sáng giá, được một Hội đồng có uy tín của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tuyển chọn, in và phát hành theo danh mục: "Sách do Nhà nước đặt hàng". Đây là sự khẳng định năng lực ngòi bút và là phần thưởng hữu hình vô giá đối với các tác giả văn xuôi Yên Bái.
Lời bạt văn xuôi
Thực thi Nghị quyết Đại hội VI, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp VHNT khóa VI đã ra quyết định thành lập Chi hội văn xuôi trực thuộc Hội vào tháng 1/2018. Những tác giả văn xuôi chuyên hay không chuyên có sự tự nguyện đã về lại, làm nòng cốt cho Hội trong lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học.
Song hành cùng Ban Văn xuôi và Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, Chi hội đã góp phần tạo ra thành quả nhiệm kỳ 5 năm mà trước đó chưa thể có được, chẳng hạn: phối hợp tổ chức 2 cuộc hội thảo tác giả - tác phẩm đối với các nhà văn có thành tựu: Trần Cao Đàm, Hoàng Việt Quân.
Phối hợp với Chi hội VHNT Trường Sơn (Thuộc Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái) hưởng ứng cuộc thi viết và làm nòng cốt xuất bản cuốn sách "Hào khí Trường Sơn - Yên Bái” (2019). Tổ chức hai cuộc tọa đàm chủ đề VHNT và chiến sĩ Trường Sơn (2019 và 2020). Ban Chấp hành Chi hội lâm thời tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác tại xã Đại Lịch sau khi Đại Lịch trở thành xã nông thôn mới của huyện Văn Chấn (2016).
Các hội viên văn xuôi của Hội đã tham gia tích cực đợt sáng tác do Hội tổ chức. Nhiều truyện ngắn, bút ký, ghi chép… ra đời sau mỗi chuyến đi, giúp cho cuộc thi viết về "Dân vận khéo”; về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; về "Thành phố Yên Bái hướng tới đô thị loại II”; về Du lịch Yên Bái; và về Cuộc thi truyện ngắn ba tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai (lần 1- 2- 3- 4), thành công.
Các tác giả văn xuôi có kinh nghiệm được mời tham gia hai trại "Sáng tác trẻ” của Hội, góp thêm tiếng nói kinh nghiệm cho trại viên. Tác giả văn xuôi tham dự các trại sáng tác đều có sản phẩm cụ thể mà ban tổ chức trại đã công bố. Và, nhiệm kỳ, lực lượng văn xuôi được "làng văn” cả nước chia sẻ, sau 10 năm, năm 2019, Yên Bái có hai tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Cả hai đang ở tuổi đời và lực viết rất sung sức.
Lời bạt văn xuôi chỉ là minh họa cho hoạt động của Hội ta - Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái, một nhiệm kỳ đầy gian truân, thử thách và thành quả. Tác giả văn xuôi Yên Bái xin tự đặt mình vào nhiệm vụ hội viên trước cái tâm của người viết trong nhiệm kỳ mới.
Nhà văn Hà Lâm Kỳ (Chi hội Trưởng Chi hội văn xuôi Yên Bái)