Nghĩa là, làm theo cách: phát cây, đốt nương rồi tra hạt. Việc trồng lúa nước ở miền núi xưa kia, nông dân chủ yếu làm một vụ và kỹ thuật phổ biến nhất đó là "thủy nậu”. Nghĩa là, gặt xong thì tháo nước vào ngâm ruộng nhiều tháng cho thật ngấu bùn và đến vụ cấy chỉ cần cuốc bùn, giẫm thục, chang phẳng rồi cấy.
Như vậy, có thể thấy, con trâu rất ít liên quan đến việc cung cấp sức kéo cho sản xuất. Vậy mà, biết bao đời nay, bà con người Mông đã có tục lệ khi qua đời, nhất thiết người chết phải được chia trâu và người càng cao tuổi thì con cháu thường chia cho con trâu thật to bằng hình thức thầy mo tế lễ giao trâu rồi mổ trâu cúng dâng người chết.
Người Thái trắng khi xưa cũng có tục lệ tương tự như vậy. Khi gia đình có người qua đời, cũng phải mổ trâu làm lễ vật cúng tế. Khi an táng, trên nhà mồ của người Thái trắng thường có cây cột cao và trên đó bêu mảng đầu trâu có hai sừng biểu trưng cho một vật thiêng và cũng là dấu ấn của việc người chết được chia trâu.
Đối với đồng bào Thái đen ở vùng Tây Bắc Việt Nam, ở Lào, Thái Lan thì có truyền thuyết khi người chết sẽ được dẫn hồn về khu vực Nậm Tốc Tát (Đông quái ha), nghĩa là rừng hồn trâu tại xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ ngày nay.
Ở đây, có những hòn đá lớn được coi là hai con trâu thần canh cửa coi xét có đúng là hồn của người Thái đen hay không? Nếu đúng, hồn mới được đi vào Đông quái ha để thực hiện các bước tiếp theo của nghi thức tẩy uế trước khi hồn về mường trời. Nghi lễ xên mường, xên đông của người Thái xưa kia vài năm được tổ chức một lần và bắt buộc phải mổ một trâu đen, một trâu trắng làm hèm cúng theo luật tục. Bên cạnh những nghi thức trên, đồng bào Thái còn có tục cúng vía trâu. Nghi lễ này thường được tổ chức vào dịp Rằm tháng Bảy.
Để thực hiện nghi lễ này, bà con người Thái thường làm mâm cỗ có đủ xôi, bánh, thịt, rượu… và cúng tại nơi buộc trâu trong vườn nhà hoặc áng cỏ chăn thả gần bản. Ý nghĩa của nghi lễ này thể hiện mong muốn của gia chủ được bày tỏ sự ăn năn hối lỗi với trâu khi trong năm do làm ăn vất vả, con người có lúc nóng giận đã lỡ đánh mắng trâu, khiến trâu tủi thân, tủi vía hay đau ốm và dễ gặp rủi ro như sa hầm, ngã đát, thú dữ ăn thịt... Ngược lại, nếu được an ủi thì trâu sẽ khỏe khoắn, sinh đẻ bầy bầy, giúp cho gia chủ chăn nuôi trâu phát triển...
Người Mường có tục khao trâu (khêu trâu). Tục này thường tổ chức vào dịp tết Nguyên đán hoặc Rằm tháng Bảy với quan niệm vạn vật đều được an ủi và xá tội. Nghi lễ này được thực hiện khá đơn giản, đó là trâu được tắm rửa sạch sẽ; sau đó, gia chủ nói lời ăn năn khi đã có lúc hành xử không tốt với trâu; cảm ơn trâu đã làm lụng vất vả để con người được no đủ. Đồng thời, mời trâu cùng ăn tết với con người và mong muốn trâu luôn khỏe mạnh, sinh đẻ đầy đàn giúp cho gia chủ có nhiều của cải.
Ở Yên Bái còn có một lễ hội lớn nữa nhất thiết phải mổ trâu trắng để tế thần, đó là lễ hội đền Đông Cuông ở huyện Văn Yên - di tích cấp quốc gia về tục thờ Mẫu. Trâu cúng tế được mổ vào giờ Tý của ngày Mão đầu tiên trong năm âm lịch. Đồng thời, nhiều cộng đồng dân tộc ở Yên Bái xưa kia thực hiện nghi lễ cúng đình đầu xuân cũng thường mổ trâu tế lễ thần linh thổ địa và cũng là để khao làng.
Ngoài các nghi lễ trên, nhiều tộc người, kể cả người Kinh cũng có những hình thức tâm linh liên quan đến trâu. Chẳng hạn, nhà có người chết, tang chủ coi những vật nuôi, cây cối trong vườn đều phải tang chế; đồng thời, sợ trâu và các vật nuôi khác cùng cây cối nếu không được coi trọng cho cùng tang chế sẽ khiến chúng sầu thảm mà sinh ốm yếu, khô héo chết theo.
Vì vậy, khi có việc hiếu, thầy cúng sẽ làm lễ phát phục và đưa cho tang chủ những dải vải trắng để buộc vào cổ gia súc, cành cây cùng chịu tang.
Phụ nữ sinh đẻ, nếu chửa quá tháng thường hay dùng mẹo tháo trộm dây buộc trâu của nhà nào đó để trâu sổng chuồng hoặc bước qua dây đang buộc trâu thì sẽ đẻ ngay. Những người cầm tinh con trâu khi thực hiện các công việc như: cưới hỏi, làm nhà, xuất hành, mở hàng quán, tang ma… đều xem ngày tháng hợp xung với tuổi Sửu để thực hiện công việc.
Nhân dịp chuẩn bị đón tết Tân Sửu 2021, xin được chia sẻ vài nét tâm linh của người dân Yên Bái gắn liền với con trâu để những mong mọi người hiểu thêm đôi chút về tục xưa, nét cũ.
Sơn Nam