Tôi xa nhà, tính tháng, tính năm qua từng mùa hoa trái. Khi những trận mưa xuân lất phất rét run chân mạ, tôi thường nhớ đến vườn của mẹ đang vào mùa lộc quả. Táo ngọt sai trĩu trịt, hồng xiêm đang chờ chín, ở giữa vườn những trái vú sữa non dần căng mịn. Nép ở góc vườn là dây nhót quả còn xanh nhưng ngày nào cũng có người ra vặt vài nắm nhỏ. Đàn bà thích ăn chua đã đành, mấy gã đàn ông cũng ham không kém. Nhiều khi nhót thành mồi nhắm rượu. Thịt cá ăn nhiều phát chán, cái giống vừa chua vừa chát chấm với muối tiêu lại hóa ngon. Khách của mẹ giờ thêm mấy bà, mấy chị trong làng gọi cổng hỏi xin ít nhót nên nhà nào có tin vui là biết ngay, không con gái thì cũng con dâu nghén. Mẹ cười bảo: "Cứ hái nhiều vào. Cái giống nghén là tài ăn lắm!”.
Rồi những người đàn bà vừa đứng hái nhót vừa kể chuyện ngày xưa, cái thuở nghèo đến mức cây cối cũng xác xơ, tàn rạc nên khi có bầu thèm vài quả chua chát cũng không kiếm được, đêm nằm nghe cơn thèm ứa trong môi miệng mà trằn trọc đến tận khi gà gáy. Hồi mới xin được cây nhót giống về trồng, bố bảo: "Trồng làm gì loại này tốn đất”. Nhưng tôi biết với mẹ việc trồng cây cũng là một thứ chắt chiu, để dành đó cho mấy đứa con dâu "Lỡ chúng thèm còn có sẵn trong vườn. Đỡ tội!”. Giờ bầy cháu lít nhít chạy khắp nhà, cũng có nghĩa là nhiều mùa nhót đã trôi qua. Người mát tay trồng thì cây luôn xanh tốt…
Mùa nhót thường gợi cho tôi ký ức về những năm thơ ấu, thuở niềm vui gắn liền với những buổi chợ phiên. Chợ họp năm ngày một lần bên bờ sông Hồng. Cứ đến phiên chợ, mẹ thường dậy sớm, rang vội chảo cơm để đó rồi lặng lẽ đặt quang gánh lên vai miên miết lẫn vào bóng tối.
Mùa này, sương sớm giăng mờ đặc hơn cả khói chiều. Lúc mấy anh em tôi thức giấc, mặt trời đã lên lưng chừng núi. Không gì vui bằng cảnh đợi mẹ đi chợ về vì biết trong đôi quang gánh trên vai mẹ dù nghèo nàn đi nữa thì thể nào cũng có chút quà quê. Khi thì bánh đa, khi kẹo bột hoặc vài chiếc bánh rán bọc mật chưa chạm môi đã ngọt lịm lòng.
Mỗi mùa là một thức quà mang hương vị hồn quê ăm ắp. Tôi vẫn nhớ như in cảnh mấy anh em thích thú khi cầm trên tay túi nhót chín đỏ mọng. Từng quả đều căng tròn, đẹp đến không nỡ mang ăn. Tôi để dành ngắm nghía chúng cả ngày cho đến khi mẹ giục ăn đi không nẫu. Những quả nhót to như ngón chân cái lấm tấm vảy. Tôi thường mang cọ vào chân quần để lại những vệt dài vảy nhót. Sau đó nặn cho nhót thật mọng, thật mềm trước khi bỏ vào miệng nuốt trôi. Cũng có khi mẹ mang nhót nấu canh chua để bữa cơm đạm bạc thêm dễ nuốt. Những quả nhót trong ký ức ấu thơ vẫn đỏ mọng hồn tôi mỗi khi hồi tưởng.
Giờ nhớ đến nhót trong vườn là nhớ vai mẹ gầy tháng năm gồng gánh, nhớ bát canh chua, nhớ mùa sum vầy, nhớ cả tình làng nghĩa xóm. Bếp mẹ mùa này luôn có thêm ít ớt chín, tiêu xay. Mấy chị bụng bầu ngồi ngay dưới gốc nhót chấm ăn. Nhót đầu mùa luôn đắt, dù quả vẫn còn non đầy vẩy trắng bọc quanh. Nhưng mẹ chẳng bao giờ hái bán, lộc vườn nhà để mọi người cùng hưởng. Giờ xa nhà, ngó mẹt nhót người dưng ngoài chợ mà nhớ quê hương…
Bùi Quang Dũng