Rác trong rap
Giãn cách xã hội khá lâu, chị em bạn Trương Thị Thùy Tr. (24 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) giải trí chủ yếu bằng cách lướt mạng xã hội Facebook, Instagram, YouTube và đặc biệt là TikTok với hàng triệu clip về hát hò, nhảy múa, ẩm thực, chuyện hài… Thế nhưng, Tr. giật mình khi thấy em trai 17 tuổi lướt TikTok nghe một đoạn rap lạ lùng.
"Thoáng nghe nó lướt TikTok đoạn rap gì mà "Mua cho con chiếc còng tay/Nâng con dâu vào phòng bay…”, không rõ lời lắm nên mới bấm lên nghe thử xem sao. Giật mình kinh hãi khi nghe kỹ ca từ! Đây là lời bài Censored của rapper Chị Cả gì đó. Chắc có âm mưu đầu độc người nghe chứ bình thường ai lại viết lời như vậy!”, Tr. bức xúc nói.
Quả thật, thời gian gần đây, giới trẻ lan truyền với tốc độ đĩa bay đoạn nhạc trên của rapper Chị Cả (tên thật Đinh Thanh Tùng) thông qua TikTok. Hastag #muachoconchieccongtay từng xuất hiện ngay trên xu hướng nội dung nổi bật của mạng xã hội này, trở thành trào lưu "mua cho con chiếc còng tay”. Điều đáng nói, bài rap mô tả trần trụi mối quan hệ có tính chất loạn luân giữa ba chồng và con dâu với nhiều từ ngữ dung tục.
Cùng thời điểm này, nhóm Rap Nhà Làm gây bức xúc khán thính giả, giới chuyên môn khi phát hành bài rap Thích Ca Mâu Chí có nội dung báng bổ Phật giáo, xuyên tạc hình ảnh Đức Phật trên nền tảng YouTube.
Ngay từ tựa đề, rapper Chí trong nhóm còn ghép hẳn tên mình vào tên Đức Phật; ê kíp dùng hình ảnh Đức Phật nhưng ghép mặt của Chí, đeo xích vàng, đồng hồ để làm hình ảnh minh họa cho MV. Không chỉ phật tử mà cộng đồng khán giả Việt Nam đã có hàng ngàn bài đăng trên mạng xã hội lên tiếng chỉ trích nhóm rap trẻ, đồng thời đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào cuộc.
Anh Nguyễn Công Thịnh (34 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) nói thẳng: "Mạng xã hội bây giờ đầy rác văn hóa. Ảnh nóng, các clip đánh nhau, bôi nhọ danh dự đầy rẫy xem không hết, bây giờ còn đến các bài hát, bản rap xúc phạm tôn giáo. Rất mong cơ quan chức năng xử lý vi phạm của các rapper có sản phẩm dung tục, có quy chế cho nhạc rap. Không quản lý rồi theo đà này hệ lụy dai dẳng. Giờ mấy bạn trẻ dưới 16 tuổi sử dụng TikTok, YouTube, Facebook rất nhiều, trong khi các trào lưu trên mạng rất nhiều và các sản phẩm "rác văn hóa” là thứ dễ tiếp cận, nhiều nhất”.
Tạo bộ lọc trước "rác văn hóa”
Sau khi bị cộng đồng tẩy chay, ngày 6-10, các thành viên Rap Nhà Làm đã đến Chùa Quán Sứ (TP Hà Nội) trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin lỗi và sám hối, xin giáo hội, tăng ni, phật tử cả nước tha lỗi vì đã sáng tác bản rap báng bổ, xúc phạm Phật giáo. Trước áp lực dư luận, ngày 7-10, rapper Chí (tác giả bài Thích Ca Mâu Chí) lên tiếng xin lỗi.
Tương tự, rapper Chị Cả lên tiếng xin lỗi bản rap dung tục, thừa nhận không cân nhắc kỹ lưỡng, chọn lựa từ ngữ phù hợp. Nam rapper gỡ toàn bộ sản phẩm Censored trên các nền tảng số, đồng thời khiếu nại bản quyền tất cả video sử dụng nhạc nền bài này để giảm sức lan truyền. Hiện các sản phẩm gốc không còn tồn tại trên YouTube, nhưng nhiều kênh đã nhanh chóng lấy lại để tiếp tục chia sẻ.
Không chỉ là cơn sốt nhạc rác độc lạ, thời gian qua, trào lưu trở thành TikToker, YouTuber, hiện tượng mạng, hiện tượng V-pop… khiến các bạn trẻ sa đà. Hiện tượng nhà nhà, người người lập kênh YouTube, TikTok, Facebook, chọn việc phát triển nội dung trên các kênh là công việc chính diễn ra rầm rộ.
Thực tế, nhiều bạn sẵn sàng tập trung thời gian, công sức để quay cảnh đám tang, chết chóc của nghệ sĩ, quay cảnh lạ đời, quay nhảy nhót bất chấp giao thông nguy hiểm trên đường phố chỉ để mong nổi tiếng, kiếm lợi từ sự nổi tiếng.
Mạng xã hội sinh ra nhiều trào lưu, hiện tượng và cũng nhanh chóng lãng quên, theo quy luật đào thải. Những gì vô bổ, không có giá trị rồi sẽ bị bỏ quên. Dẫu vậy, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ngay từ đầu vẫn cần thiết, và khả năng thanh lọc của khán giả trẻ trước "rác văn hóa” càng có vai trò quan trọng.
(Theo SGGP)