Nghĩa Lộ: Gìn giữ múa Mường

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/10/2021 | 7:45:45 AM

YênBái - Vùng đất Mường Lò có nền văn hóa bản địa lâu đời. Trong đó, người Mường có những nét văn hóa độc đáo riêng, đặc biệt là các điệu múa Mường - một loại hình đặc sắc của nghệ thuật dân gian, nay được gìn giữ và lưu truyền, đặc biệt là tại xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ - nơi có đông đồng bào Mường sinh sống.

Đội nòng cốt múa Mường của Trường Tiểu học & THCS Trần Phú, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ biểu diễn múa chai tại “Không gian trải nghiệm văn hóa Mường Lò năm 2020”.
Đội nòng cốt múa Mường của Trường Tiểu học & THCS Trần Phú, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ biểu diễn múa chai tại “Không gian trải nghiệm văn hóa Mường Lò năm 2020”.

Các điệu múa Mường hay được biểu diễn như: múa đâm đuống, múa cồng chiêng, múa chén, múa bát, múa chai... thường gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt thường ngày, đạo cụ đơn giản và gần gũi với đời sống.

Múa đâm đuống hay còn gọi là chàm đuống thực chất là hình thức giã gạo, nhưng là giã gạo trong lễ hội, mang tính tổ chức và nghệ thuật. Giã gạo bằng cối hình chiếc thuyền, lườn dài từ hai đến ba sải tay. Chày giã giữa thân thon để cầm. 

Đâm đuống thật sự là một buổi hòa nhạc bằng cối giã cho cả làng nghe. Động tác múa đơn giản. Tất cả được nghệ thuật hóa nhằm tạo nên niềm vui cho xóm làng trong ngày hội, trong tiết xuân mới chứ không mang ý nghĩa thực dụng giã gạo hàng ngày. 

Để tạo nên sự thống nhất, nhịp nhàng trong điệu múa cần sự tinh ý, linh hoạt và kết hợp hài hòa giữa các thành viên trong đội. Đâm đuống vẫn được người Mường ở Nghĩa Phúc gìn giữ, lưu truyền. Có gia đình trong xã còn lưu giữ được cả chiếc đuống gần 100 năm tuổi. 

Ðối với người Mường, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng nhất, là nhạc cụ mang giá trị văn hóa quan trọng trong đời sống cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường. Cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống người Mường từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ. Chính vì vậy, người Mường coi cồng chiêng là báu vật trong ngôi nhà của mình, giữ gìn qua các thế hệ và trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong đời sống  tinh thần của người Mường. 

Thành phần tổ chức của một dàn chiêng Mường đầy đủ bao gồm 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, biểu thị cho sự giao hòa của 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Trong lễ cưới, tiếng cồng là lời chúc phúc cho đôi trẻ.

Trong đám tang, các nghi lễ, cồng chiêng là lời báo hiệu, tạo không khí trang nghiêm. Khi kéo gỗ làm nhà, trong các cuộc đi săn, cồng chiêng tạo nên sức mạnh đoàn kết… Ngoài ra, cồng chiêng còn là mệnh lệnh, là lời hiệu triệu dân chúng khi bản làng lâm nguy, khi cần truyền đi những thông điệp quan trọng của bản, của mường.

Nghệ thuật múa chai của dân tộc Mường gắn liền với các hoạt động lao động sản xuất của người nông dân. Các động tác múa tượng trưng cho các hoạt động cấy lúa, làm cỏ, vun gốc cho cây. Đạo cụ là những chiếc chai làm bằng thủy tinh, đáy võng bên trong chai chứa nước có ý nghĩa là để chăm cây, tưới cây.

Nét đặc sắc trong múa chai của dân tộc Mường là sự kết hợp hài hòa, uyển chuyển, khéo léo trong các động tác múa. Khi múa chai, các diễn viên phải giữ cho thân thẳng, cổ và đầu thẳng kết hợp với đôi tay múa nhịp nhàng, động tác di chuyển đôi chân phải khéo léo để giữ cho chai thăng bằng không bị đổ khi múa. Múa chai làm nổi bật vẻ đẹp của người con gái Mường. 

Trong khung cảnh của một lễ hội, dưới ánh sáng điện hoặc lửa đuốc, bộ váy áo dân tộc Mường cùng với các động tác múa càng làm nổi bật vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng của các cô gái Mường. Đội múa chai thường có từ 6 - 8 người. Diễn viên thực hiện điệu múa chai thông thường là các cô gái Mường trẻ trung, xinh đẹp. Khi múa, không chỉ cần sự khéo léo của từng diễn viên mà cần có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của cả đội. 

Các điệu múa truyền thống này thường được người Mường ở Nghĩa Phúc truyền từ người già sang người trẻ. Đặc biệt, từ năm học 2019-2020 đến nay, tại Trường Tiểu học & THCS Trần Phú, xã Nghĩa Phúc - nơi có nhiều bạn học sinh dân tộc Mường học tập, có nhiều hoạt động bồi đắp tình yêu và truyền dạy các điệu múa Mường cho học sinh. Nhà trường đã thành lập đội nòng cốt múa Mường. Dưới sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân và cô giáo phụ trách, đội nòng cốt múa Mường thường xuyên tập luyện, sinh hoạt đều đặn vào thứ 7 hàng tuần. 

Qua đó, các em học sinh đã thành thục, tự tin biểu diễn trong các buổi chào cờ đầu tuần, ngoại khóa hay hội diễn văn nghệ của nhà trường. Các em còn được giao lưu truyền dạy múa Mường cho học sinh trường khác. Đội nòng cốt múa Mường của nhà trường còn được biểu diễn tại Không gian trải nghiệm văn hóa Mường trong Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2020.

Từ các hoạt động này, giờ đây, các điệu múa Mường đã được rất nhiều bạn học sinh trong trường yêu thích, tích cực tập luyện và trở thành một nét văn hóa đặc sắc của học sinh Trường Tiểu học & THCS Trần Phú, góp phần lưu truyền, gìn giữ các điệu múa nói riêng và tình yêu văn hóa Mường nói chung trong thế hệ trẻ.

Thu Hạnh

Tags Nghĩa Lộ Mường Lò nghệ thuật dân gian múa Mường múa đâm đuống múa cồng chiêng múa chén múa bát múa chai

Các tin khác
Tái hiện Hạn Khuống trong ngày hội dân gian dân tộc Thái vùng Tây Bắc.

Hạn Khuống là lễ hội truyền thống đặc trưng của đồng bào Thái vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò (Yên Bái). Lễ hội này đã có từ rất lâu đời và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hạn Khuống được coi là linh hồn của bản mường, tượng trưng cho sự phồn vinh, no ấm. Loại hình nghệ thuật Hạn Khuống được tổ chức hàng năm và lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Cuốn Lãnh thổ Việt Nam lịch sử & pháp lý có những câu chuyện về đàm phán lãnh thổ, cũng có cả những bài học cần thiết cho người trẻ để bảo vệ Tổ quốc.

Cuốn sách Lãnh thổ Việt Nam lịch sử & pháp lý cho biết những câu chuyện đàm phán biên giới, lãnh thổ mà người dân Việt Nam quan tâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu NSND cho nghệ sĩ Kim Đức. (Ảnh minh họa)

Trong dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV không còn nhạc sĩ, phát thanh viên cho danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú như quy định hiện hành.

Mái đình làng Đình Bảng có đầu đao ở độ vươn xa thuộc hàng lớn nhất Việt Nam.

Giá trị tiêu biểu của Đình làng Đình Bảng là công trình kiến trúc cổ, nghệ thuật điêu khắc, trang trí với hàng trăm đồ án hoa văn phong phú, trở thành những tác phẩm điêu khắc tiêu biểu thế kỷ 18.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục