Luật vốn là một văn bản quy phạm pháp luật cần có đời sống lâu dài và bền vững. Nhưng trong hơn 10 năm qua, Luật Điện ảnh đã mấy lần sửa đổi, và ngay trong phiên họp Quốc hội gần đây nhất, lại tiếp tục được thảo luận sửa đổi và điều chỉnh, chứng tỏ sự biến động nhanh chóng của thực tiễn trong lĩnh vực này.
Khi đề xuất sự thay đổi, hẳn những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh muốn lưu ý rằng cần phải thay đổi tư duy về quản lý hoạt động văn hóa, hướng đến xây dựng nền công nghiệp văn hóa; cần phải coi điện ảnh là ngành công nghiệp sản xuất phim, chứ không chỉ là dịch vụ chiếu phim và có chính sách cho ngành sản xuất này phát triển.
Những năm vừa qua, doanh thu ngành điện ảnh Việt Nam tăng với tốc độ nhanh. Cá biệt, như phim Bố già (do Công ty cổ phần sản xuất phim Sao Khuê kết hợp Công ty TNHH Trấn Thành và Công ty cổ phần Thiên Ngân sản xuất), riêng doanh thu nội địa đã đạt 400 tỷ đồng (chi phí sản xuất phim này khoảng 25 tỷ đồng), là một tín hiệu đáng để những nhà quản lý văn hóa suy nghĩ.
Với dân số gần 100 triệu và khoảng 5 triệu Việt kiều thì đây là một thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật. Nhưng trong kinh tế thị trường, ai có tiềm lực tài chính lớn hơn sẽ có cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn để chiếm lĩnh và điều khiển thị trường.
Hệ thống rạp chiếu phim ở Việt Nam, Nhà nước có một tỷ lệ không đáng kể, mấy công ty tư nhân cũng chỉ chiếm gần 40%, phần còn lại của các công ty nước ngoài. Phim nước ngoài chiếu ở Việt Nam, do công ty nước ngoài nhập, tỷ lệ ăn chia giữa rạp và người nhập phim là 40/60. Trong khi phim Việt Nam chiếu rạp của họ thì tỷ lệ ngược lại và không phải khi nào cũng được tiếp nhận vì lý do vắng khách, ảnh hưởng doanh thu.
Một khi "sân chơi” này ưu thế thuộc về các công ty nước ngoài, thì vì mục đích tối đa hóa lợi nhuận, họ sẽ chỉ bán các sản phẩm nước họ và do họ sản xuất. Khả năng văn hóa nội địa bị chèn ép là không tránh khỏi. Sự bất bình đẳng này đã tồn tại nhiều năm qua nhưng chúng ta chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả.
Trong lĩnh vực xuất bản, về nguyên tắc, chỉ có các đơn vị của Nhà nước và các hội chuyên ngành được phép thực hiện, thế nhưng lượng giấy phép xuất bản sách cấp cho các cơ sở tư nhân thực hiện lại rất lớn. Mặt được là chúng ta đã phát huy năng lực khai thác bản thảo nhanh, nhạy, kịp thời, cập nhật được những sách hay của thế giới cũng như trong nước.
Bên cạnh đó, khâu truyền thông, marketing và phát hành cũng là một thế mạnh của nhiều công ty tư nhân, đưa ra những sản phẩm sách đa dạng, đáp ứng yêu cầu của độc giả. Nhưng để tối đa hóa doanh thu, số sách dạy kỹ năng sống, kỹ năng làm giàu, sách ngôn tình, sách dịch... vẫn đang chiếm một tỷ lệ khá cao.
Sân khấu xã hội hóa xuất hiện khá sớm, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh. Với hình thức sân khấu nhỏ, ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ 20, kịch nói đã trở thành một loại hình sân khấu phổ biến và quen thuộc ở ngay nơi vốn được coi là trung tâm của nghệ thuật cải lương. Một số đơn vị sân khấu xã hội hóa đã gây dựng được tên tuổi và uy tín bằng những vở diễn có chất lượng; tiếp nhận và đào tạo được nhiều lớp nghệ sĩ trẻ tài năng.
Có thể kể đến Sân khấu Lệ Ngọc trong hai năm qua, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng vẫn sôi nổi hoạt động. Năm 2020, đơn vị nghệ thuật này đã công diễn sáu vở diễn mới với hơn 150 buổi diễn. Năm 2021, Sân khấu Lệ Ngọc đã dàn dựng hai vở "Dế Mèn” và "Làm vua”. Trong đó, "Dế Mèn” gây tiếng vang với 20 đêm diễn liên tục tại Hà Nội; còn "Làm vua” đã xuất sắc giành Huy chương vàng lại Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 vừa kết thúc tại Hải Phòng.
Tuy nhiên, do không nằm trong quy hoạch, không có quỹ đất xây dựng các công trình xã hội hóa, nên đơn vị sân khấu xã hội hóa toàn phải đi thuê địa điểm. Những đơn vị này, bao gồm cả dân ca, ca kịch truyền thống xã hội hóa rất cần nhận được sự quan tâm thiết thực hơn từ Nhà nước.
Do tính chất lịch sử, nhiều năm qua, việc quản lý văn hóa của chúng ta tập trung chuyên sâu về nội dung tư tưởng, trong khi từ ngày mở cửa, đã dần hình thành một nền công nghiệp văn hóa, với sự tham gia của nhiều đơn vị tư nhân và nước ngoài, sản xuất nhiều loại mặt hàng văn hóa với mục đích phục vụ khác nhau, mà sản phẩm giải trí thường chiếm thị phần lớn.
Phương tiện và nhân lực chuyển tải nhiều hơn năng lực sản xuất sản phẩm có hàm lượng văn hóa cao, nên nhiều kênh truyền hình để cho sản phẩm nước ngoài tự do chiếm lĩnh, cộng với nhiều chương trình giải trí vô bổ thiếu tính giáo dục và giá trị tư tưởng.
Một sự lãng phí khác, nằm ở những bộ phim, vở kịch... theo đặt hàng, làm xong là cất kho, nếu đem ra chiếu không có mấy người xem. Nhìn nhận về vấn đề này có thể thấy rằng nguyên nhân một phần không nhỏ là do giá trị tư tưởng chưa được như khán giả kỳ vọng, nhưng một yếu tố khác không kém phần quan trọng là chưa chạm đến những cảm xúc cao của người xem đối với các vở kịch, bộ phim vốn được chờ đợi sẽ có những nội dung, cách dàn dựng và biểu diễn hay hơn.
Để nguồn tài nguyên tinh thần và tư tưởng trong các Nghị quyết của Đảng tồn tại bền vững và đi sâu vào tâm thức của toàn dân, bên cạnh sự truyền đạt trực tiếp có lẽ cần thêm việc được mã hóa trong các tác phẩm văn học nghệ thuật nhiều thể loại.
Kinh nghiệm của công tác lãnh đạo chính trị tư tưởng trong hai cuộc kháng chiến lớn nên được thế hệ hôm nay làm tốt hơn. Nhà nước của dân, do dân, vì dân, nên mọi quyết định đều cần thuyết phục, vận động, để nhân dân tự nguyện thực hiện. Trong chiến tranh và cách mạng, Đảng đã vận động được sức mạnh của toàn dân.
Một trong những kênh quan trọng và hiệu quả nhất là thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Chính các tác phẩm ra đời trong chiến tranh và cách mạng tự nó đã viết nên các chặng đường lịch sử vẻ vang với đủ các giai điệu hào hùng và rất đỗi tự hào. Ngày nay, trong hòa bình xây dựng, cuộc sống đã đổi thay theo hướng tốt đẹp, giai điệu đó cần được tổ chức sao cho "phổ” được vào trong các tác phẩm mới thuộc mọi loại hình nghệ thuật.
Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ ở thế kỷ 20, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người đứng đầu các tỉnh, thành phố đều rất quan tâm đến văn hóa, văn nghệ. Văn nghệ sĩ là chiến sĩ và các tác phẩm là vũ khí công tác tư tưởng lợi hại.
Các cán bộ chủ chốt của Đảng được đào tạo cơ bản về nền tảng văn hóa, khi trở thành lãnh đạo các cơ sở, sẽ có ý thức lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần cho mỗi địa phương phát triển. Văn hóa sẽ tham gia vào quá trình lựa chọn mô hình kinh tế, sắp đặt quy hoạch tại địa phương sao cho có nét riêng biệt thể hiện nguồn gốc văn hóa của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc. Chính nền tảng này mới làm nên sự giàu có về đời sống tinh thần cho đất nước.
Trong các hoạt động xã hội hóa văn hóa hiện nay, không nên quên "thế giới mạng” với rất nhiều loại hình và những lợi thế của nó. Số người Việt Nam tham gia "thế giới” này đang ngày càng tăng, thuộc mọi lứa tuổi. Nếu một tiểu thuyết mới chỉ in hàng nghìn, một tập thơ in 500 bản đã khó bán hết, thì một ca sĩ, thậm chí không là nghệ sĩ, vẫn có hàng triệu, hàng chục triệu người theo dõi mỗi ngày.
Công nghệ Metaverse trộn lẫn thế giới ảo và thật đang bước đầu thực nghiệm sẽ mang tới một loại hình sáng tạo hình ảnh nghệ thuật mới, làm thay đổi nhiều hình thức hoạt động truyền thống, càng nhắc nhở sự quan tâm của những cơ quan hoạch định chính sách, quy định trong thời kỳ mới.
Để các hoạt động xã hội hóa về văn hóa tiếp tục phát triển đúng hướng, sự lãnh đạo của Đảng và điều tiết của Nhà nước cần tiếp tục được triển khai trực tiếp, cụ thể và mạnh mẽ hơn. Từng thời kỳ, nên có định hướng, đặt hàng các đề tài cho phim ảnh, phim truyền hình, các loại hình nghệ thuật, không chỉ của đơn vị nhà nước mà cả các đơn vị tư nhân, thông qua xã hội hóa. Các đơn vị này cần được phép cạnh tranh công minh bằng tác phẩm.
Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức cho lực lượng sáng tạo trẻ học tập và làm việc ở trong và ngoài nước, để ngày càng tăng số lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật mọi loại hình, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng đa dạng của nhiều tầng lớp công chúng, ưu tiên cho những tác phẩm có chất lượng cao, nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện đúng sứ mệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ buổi đầu xây dựng chế độ mới: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi.