Đây là tiểu thuyết thứ chín trong sự nghiệp cầm bút của tác giả. Nếu như sự băng hoại những giá trị của cuộc sống do tác động của mặt trái kinh tế thị trường được nhà văn quan tâm miêu tả trong loạt tác phẩm gần đây, thì "Thiên thần Nam Mê” là phản ánh sâu sắc thăng trầm của cái đẹp.
Ở "Thiên thần Nam Mê”, Hoàng Thế Sinh xây dựng nhân vật cô gái Cái Thị Nam Mê như để chuyển tải những thông điệp về cái đẹp, về cái tôi nghệ thuật của người nghệ sĩ. Nàng gốc người cao nguyên đá Đồng Văn, mang mấy dòng máu lai mới xinh đẹp. Gặp chàng nghệ sĩ Sa Ngu, tình yêu sét đánh khiến anh và nàng như dính vào nhau không thể tách rời. Nên vợ nên chồng, những tưởng đây sẽ là cặp uyên ương hạnh phúc "một mái lều tranh hai trái tim vàng” với chồng tài hoa, vợ xinh đẹp và thằng con trai Sa Linh kháu khỉnh. Không bằng lòng cuộc sống tù hãm trong căn nhà với thiên chức của một ô sin và đàn dê mà sáng sáng phải lùa đi ăn, "Bởi nàng trong trái tim đa tình của nhà điêu khắc Sa Ngu đã trở thành người đẹp chỉ để bày tủ kính và kiêm ô sin không hơn không kém”.
Nam Mê gia nhập Hội Hoa Hồng của Ma Nương - thực chất là một tổ chức gái gọi. Rồi phấn son, đồ trang sức đắt tiền, những buổi du hý, tiệc tùng cùng đồng tiền khiến nàng bị Hứa Ky Ky cướp mất cái trinh trắng, để rơi vào "cạm bẫy người” của chúng. Đã có lúc thiện lương trong con người thức dậy, nàng đau khổ mà tự vấn mình: "Tại sao? Tại sao ta dại khờ thế! Ta ngu si thế! Ta mê muội thế! Ta đã mất tất cả...”.
Muốn hoàn lương, muốn trốn khỏi nơi ô nhục, nàng bỏ về nơi cắt rốn chôn nhau cao nguyên đá, vào Mường Lò quê ngoại nhưng làm sao thoát khỏi lưới giăng của Ky Ky, Ma Nương với bầy tay chân Bốc, Xếch. Thậm chí nghĩ đến cái chết không xong và tác giả chọn cho người đẹp cách giải thoát bằng thay đổi giới tính.
Trải qua đớn đau phẫu thuật, cô Cái Thị Nam Mê thành Cái Nam Mê Nam. Hình hài đàn ông đến nỗi không ai nhận ra, song "thân xác con là đàn ông nhưng khối óc, trái tim con vẫn là của đàn bà”, và thẳm sâu ký ức vẫn là chồng Sa Ngu, con trai Sa Linh với bầu vú căng sữa quyện lời ru thuở lọt lòng. Đau khổ vì mất hạnh phúc, vì con chẳng nhận mẹ, Thiên thần trở lại chốn xưa. Tượng đá Thiên thần Nam Mê vẫn đó "còn mãi với rừng, với suối Po Mê xanh trong mát lành, còn mãi với núi Po hùng vĩ” mà Cái Thị Nam Mê đâu còn. Phải chăng "Người đẹp mang lại những điều tốt đẹp tuyệt vời nhưng cũng mang lại những điều vô cùng nguy hiểm cho cuộc sống” như suy nghĩ của Sa Ngu. Và câu hỏi tại sao cứ đeo bám người đọc để suy ngẫm mà tìm ra lời đáp.
Còn nghệ sĩ tạc tượng Sa Ngu là con ông Sa Thổ, học Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tốt nghiệp không xin vào ngành văn hóa theo ý muốn của bố mà tự mở Trại điêu khắc đá nghệ thuật Sa Ngu. Say nghề, anh mơ tạc "một bức tượng nghệ thuật với vẻ đẹp nguyên thủy sẽ mãi mãi giữa thiên nhiên hoang sơ kỳ thú”. Tâm niệm lời ông thầy dạy họa, Sa Ngu lấy nguyên mẫu người vợ của mình để tạc tượng Thiên thần Nam Mê.
Công trình nghệ thuật hoàn thành nhưng thần tượng của người nghệ sĩ không còn vì đã đánh mất sự trinh trắng. Hơn thế nữa, đức tin "nghệ thuật sẽ là cứu cánh tương lai của nhân loại” trong anh cũng đổ vỡ để lại sự hoài nghi "Nghệ thuật là cứu cánh của nhân loại, hay lắm, thế còn ngày hôm nay của nhân loại thì cái gì cứu cánh đây?”. Một câu hỏi chưa lời đáp hay chính là sự lúng túng của người nghệ sĩ trước cuộc sống đầy biến động đã đẩy Sa Ngu xa rời nghệ thuật.
Trở lại cao nguyên đá, tìm đến tình yêu mới bên Vương Hương Giang "nàng Tiên núi”. Và "Sa Ngu không say điêu khắc đá nghệ thuật nữa rồi. Sa Ngu say rượu Tajama. Sa Ngu không còn tượng đá nghệ thuật để bán nữa. Sa Ngu bán rượu Tajama cho bố vợ Vương Chí Tài”. Nhưng Thiên thần Nam Mê vẫn tồn tại, cái đẹp - vẻ đẹp tâm hồn còn mãi như nó không thể nào quên nơi Sa Ngu...
Nhân vật phản diện không xuất hiện nhiều mà tạo được ấn tượng mạnh về cái xấu, cái ác là Hứa Ky Ky. Con người coi trọng đồng tiền, đại gia máu dê, một tay hắn đã hại đời bao cô gái nhà lành: Ma Thùy Nương cô diễn viên chèo làng Bóp - Thái Bình biến thành Tú Bà đời mới; Thiên thần Nam Mê trắng trong phút thành gái gọi…
Cùng với đó là những anh Hai, anh Ba, anh Tư với mặt nạ bí mật, ham hố dục tình và lũ tay chân Ma Nương, Bốc, Xếch tiếp tay tàn hại cái đẹp. Âm mưu thâu tóm nghệ thuật bằng tiền "ta thích nghệ thuật nhưng không biết sáng tạo nghệ thuật thì ta dùng tiền chơi nghệ thuật, cho biết đời”, Hứa Ky Ky đã dùng tiền và nhiều tiền để thâu tóm toàn bộ những tượng đá do Sa Ngu tạc ra cùng bản quyền tác giả. Dù sau này trở thành người mù song "mù mà vẫn cứ mở triển lãm tượng đá nghệ thuật, hay thật!”.
Cùng với kể câu chuyện ông Tiến sĩ điện toán Hoàng Phê một đêm sáng tác 300 bài thơ như hiện tượng thơ thần, hẳn tác giả không khỏi nao buồn về sự trớ trêu: nghệ thuật bị bóp méo, bị lợi dụng như một món hàng hóa.
Mượn câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du làm đề dẫn cho cuốn sách "Biết thân chạy chẳng khỏi trời/ Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”, cũng là cách nhà văn Hoàng Thế Sinh hướng người đọc vào thân phận con người. Con người là hiện thân của cái đẹp "Không một thứ gì sánh được với Con người, không gì sánh được với mỹ nhân, kể cả thần thánh”, nhưng cũng chính con người đang bộc lộ những mặt xấu. Chỉ ra nguyên nhân của sự tha hóa, đồng thời tác giả đưa ra giải pháp con đường hướng thiện "Con muốn giải thoát khỏi sự ám ảnh tội lỗi thì con hãy sống thành tâm, lương thiện, hãy sống vì mọi người, biết nâng đỡ và tha thứ cho những người yếu đuối và lầm lỗi, biết tha thứ cho chính mình nữa”. Dẫu có hơi hướng triết lý Phật giáo hay một chút Nguyễn Du "Thiện căn ở tại lòng ta” thì việc tìm về giá trị căn cốt của con người luôn là đích nghệ thuật cần đạt tới.
Qua tác phẩm cũng đặt ra vấn đề: trách nhiệm của nghệ sĩ là làm cho sự thật và cái đẹp được hiển lộ; khi đối diện với càng nhiều cái xấu, cái ác thì cũng là cơ hội để nhận diện cái đẹp, càng trân quý hơn những điều tốt đẹp mà chúng ta đang có.
Thế Quynh