Tiễn biệt nhạc sĩ Phú Quang trong sáng mùa đông bắc se lòng Hà Nội

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/12/2021 | 7:51:46 AM

Sáng nay 13-12, một sáng "gió mùa đông bắc se lòng", bạn bè, công chúng yêu nhạc cùng tiễn biệt Phú Quang - người nhạc sĩ tài hoa của những bản tình ca đôi lứa, những tình ca về Hà Nội và về mùa đông - cái mùa Phú Quang cả đời tương tư...

Nhạc sĩ Phú Quang.
Nhạc sĩ Phú Quang.

Phút cuối cùng tiễn biệt nhạc sĩ Phú Quang, mọi người đều rưng rưng xúc động khi những lời buồn thấm thía mà nhẹ tênh như chiếc lá vàng rơi xuống khi những giai điệu, lời ca trong bài Cho em và cũng là cho anh vang lên: "Rồi một ngày chiếc lá sẽ rơi về cuối trời/ Rồi thời gian cũng sẽ trôi qua cùng bao buồn vui/ Những nét chữ xưa cũng sẽ phai mờ theo năm tháng/ Mãi trong lòng ta vẫn còn bài ca…”.

Đúng 8h45 phút, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - đọc điếu văn tiễn biệt nhạc sĩ Phú Quang - "một tâm hồn lớn”. 

Trong điếu văn, ông Đỗ Hồng Quân ôn lại cuộc đời biến động không ngừng và đầy sôi động trong âm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang. 

Theo Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phú Quang không chỉ thành công trong sáng tác ca khúc mà còn được đồng nghiệp mến mộ bởi tài năng trong sáng tác khí nhạc và trong việc tổ chức các liveshow ca nhạc của mình thành công tới mức người ta nói chính ông đã là người mở ra một "mùa liveshow” trong năm, cái mùa Hà Nội bước vào lúc "thu rất thật thu”. 



Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đánh giá rất cao mảng ca khúc của Phú Quang về Hà Nội. 

Ông xứng đáng là tượng đài bất hủ với những bài hát khắc khoải chứa đựng cả hồn cốt của mảnh đất này. Có thể kể đến những ca khúc nổi tiếng như Hà Nội ngày trở về, Im lặng đêm Hà Nội, Mơ về nơi xa lắm, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Chiều phủ Tây Hồ… Thậm chí ngay cả những bài hát không có một chữ nào nhắc đến Hà Nội nhưng khi giai điệu vang lên, người yêu nhạc đều thấy đó là một phong vị Hà thành tự nhiên chỉ tìm thấy ở mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Nhưng ông cho rằng nếu chỉ nhìn nhạc sĩ Phú Quang thành công với những bản tình ca thì quả là một thiếu sót. Cũng là một người viết khí nhạc, ông Quân đánh giá Phú Quang có nhiều tác phẩm khí nhạc có sức lay động lớn như giao hưởng Hồi ức, Khát vọng, Chuyện kể về tình yêu, Tình yêu của biển, Câu chuyện truyền thuyết, Ngoảnh lại… 

Ngoài ra ông Quân còn ghi nhận âm nhạc của Phú Quang đã góp phần vào sự thành công của nhiều bộ phim điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam như Bao giờ cho đến tháng Mười, Ai xuôi vạn lý, Vị đắng tình yêu, Hải Nguyệt, là tác giả âm nhạc của hàng trăm vở kịch, vở múa, ballet khác. 

Điếu văn do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đọc được khép lại bằng một khúc nhạc đẹp Phú Quang đã viết cho phim Hải Nguyệt.

Lễ viếng nhạc sĩ bắt đầu vào 7h05 nhưng từ sớm, đông đảo người thân, bạn bè, khán giả mến mộ đã về Nhà tang lễ quốc gia tại Hà Nội để chia tay tác giả của những khúc tình ca đã bao lần an ủi, vỗ về họ, cùng họ đi qua bao khúc quanh trúc trắc của đời người.

Trong những giai điệu da diết của những ca khúc Phú Quang, dòng người tĩnh lặng vào tiễn đưa nhạc sĩ Phú Quang. Là một trong những người đến viếng rất sớm, nguyên phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi sổ tang những lời xúc động: 

Vô cùng thương tiếc nhạc sĩ Phú Quang - người nhạc sĩ của những tình ca màu xanh, đượm buồn, đặc sắc và sang trọng, người đã dành cả trái tim cho tình yêu và cho Hà Nội. Anh ra đi để lại sự mất mát to lớn cho nền âm nhạc nước nhà và để lại khoảng trống khó bù đắp trong không gian âm nhạc trữ tình lãng mạn Việt Nam. Vĩnh biệt anh, vĩnh biệt người nhạc sĩ của Em ơi Hà Nội phố!”

Trong nước mắt, NSND Lê Khanh nghẹn lời, cáo lỗi không thể chia sẻ tâm sự lúc này vì quá xúc động. Mấy ngày qua chị đều từ chối trả lời báo chí bởi không thể cất lên lời mỗi lần được hỏi tới. 

NSND Lê Khanh không chỉ từng xuất hiện trên sân khấu trong các liveshow của Phú Quang, cùng đọc thơ, chị còn có mối đồng cảm lớn với Phú Quang trong những ca khúc về tình yêu và về Hà Nội của một người Hà Nội, một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm. 

Là một trong những ca sĩ gắn bó nhiều năm và hát rất thành công các ca khúc của Phú Quang, ca sĩ Tấn Minh thì tự dằn lòng sẽ không khóc hôm nay bởi "chú Phú Quang không cần sự ủy mị, chú cần sự mạnh mẽ, những năng lượng tích cực”. 

Theo Tấn Minh, đây cũng chính là tinh thần của Phú Quang thể hiện trong các ca khúc của Phú Quang và là điều khiến âm nhạc của ông sống mạnh mẽ và dài lâu trong lòng công chúng. "Ông thường viết những tình ca buồn và đau đớn nhưng luôn luôn có lối thoát, không bế tắc. Tôi yêu âm nhạc của ông bởi điều ấy. Chúng tôi không chỉ là đồng nghiệp mà thành tri kỷ trong đời cũng là vì vậy”, ca sĩ Tấn Minh nói. 

Tấn Minh cho biết anh đã thích và hát nhạc Phú Quang từ khi còn chưa bước chân vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp, rồi may mắn được Phú Quang lựa chọn, anh càng hát càng yêu thêm những ca khúc được người nhạc sĩ như rút lòng rút ruột viết ra. Nam ca sĩ nuối tiếc khi Phú Quang ra đi quá sớm, để lại nỗi mất mát lớn cho công chúng và cho cá nhân anh khi bao dự định làm cùng nhau chưa thực hiện được. 

Trong dòng người tới viếng nhạc sĩ Phú Quang, ông Trần Hướng Dương - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - nói nhạc sĩ đã đóng góp một tài sản vô giá vào nền âm nhạc Việt Nam. Với tâm tình sâu lặng nói hộ bao người, dễ hiểu là công chúng yêu âm nhạc của ông, một tình yêu sâu sắc và đương nhiên như tình yêu với "điều giản dị”.

Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949 tại Phú Thọ nhưng là người gốc Hà Nội, trên phố Khâm Thiên. Ông tên đầy đủ là Nguyễn Phú Quang. Gia đình ông cũng có nhiều người theo âm nhạc, trong đó có anh trai là nhạc sĩ Phú Ân, con gái là nghệ sĩ piano Trinh Hương và con rể là nghệ sĩ violon Bùi Công Duy.

Theo âm nhạc từ sớm nhưng ban đầu ông đến với âm nhạc với vai trò là một nhạc công biểu diễn. Sau này, ông mới đi học chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam), làm việc cho các dàn nhạc và đi vào con đường sáng tác.

Gia tài sáng tác của ông ngoài hơn 600 ca khúc về tình yêu và thân phận, đặc biệt là về Hà Nội thì còn có một số tác phẩm khí nhạc. Những bản tình ca đẹp vẻ đẹp của nỗi buồn man mác như Em ơi Hà Nội phố, Đâu phải bởi mùa thu, Mơ về nơi xa lắm, Nỗi nhớ mùa đông, Khúc mùa thu, Dương cầm lạnh... được rất nhiều người yêu thích, đã trở thành một phần của Hà Nội.

Không chỉ là một nhạc sĩ có nhiều sáng tác được công chúng yêu thích, ông còn nổi tiếng là một người tự làm các liveshow cho mình rất giỏi, luôn "cháy" vé.

Ông có hơn 20 năm sống và làm việc tại TP.HCM nhưng hơn chục năm cuối đời ông sống tại Hà Nội.

Ông được trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội năm 2020 khi đang nằm viện, trở thành người trẻ nhất trong số những người được Giải thưởng Lớn nhưng không thể đến nhận giải. Ông cũng ghi dấu ấn là người từng ngồi ban giám khảo của giải thưởng này và sau đó được trao Giải thưởng Lớn.

Gần 2 năm trước nhạc sĩ phải nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau đó ông được đặc cách chuyển tới phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Việt Xô.

Nhạc sĩ Phú Quang đã bị tiểu đường 30 năm nay. Những năm gần đây, sức khỏe của ông yếu hơn trước nhưng ông vẫn miệt mài làm việc, vẫn tổ chức live show.

(Theo TTO)

Các tin khác
Trao giải Nhất cho 3 tác giả (giữa) xuất sắc.

Tối 12-12, tại Hà Nội, Tạp chí Người Hà Nội phối hợp với Công an thành phố Hà Nội đã trao 46 giải Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

“Triển lãm trực tuyến: Tranh sơn mài Việt Nam” giới thiệu tinh hoa nghệ thuật Việt Nam tới công chúng trong nước và quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đang diễn ra tại địa chỉ: http://trienlamtranhsonmai.trienlamao.net/.

BS Lê Minh Khôi chia sẻ về những câu chuyện xoay quanh cuốn sách.

"Tôi đã đặt tất cả tình cảm của mình vào trong cuốn sách, từng câu từng chữ rất chỉn chu giống như đang gói quà để tri ân những chiến binh thầm lặng của UCICC" - Bác sĩ Lê Minh Khôi - Phó giám đốc Trung tâm UCICC, tác giả sách Phía Tây thành phố nói.

Sau hơn nửa chặng đường tại cuộc thi Miss World 2021, Hoa hậu Đỗ Thị Hà đã đạt được những thành tích ấn tượng ở các phần thi phụ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục