Đây là sự kiện có ý nghĩa do Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng thực hiện nhằm làm sâu sắc thêm vị trí, tầm vóc, giá trị lịch sử của Ngày Toàn quốc kháng chiến; khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.
Với gần 200 hiện vật, tài liệu, hình ảnh, trưng bày giúp công chúng ôn lại những năm tháng chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí cách mạng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trưng bày "Việt Bắc – Thủ đô gió ngàn” ngoài phần mở đầu giới thiệu thành quả Cách mạng tháng Tám năm 1945 gắn với sự ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và phần kết thúc còn có 3 nội dung chính.
Đó là phần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh – Hà Nội cùng cả nước kháng chiến”, nhấn mạnh sự kiện ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến”. Với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân thủ đô Hà Nội đã nổ súng, mở đầu cuộc kháng chiến trên cả nước, kiên cường chiến đấu giam chân địch trong thành phố 60 ngày đêm để hậu phương kịp thời huy động lực lượng kháng chiến, bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng, Chính phủ trở lại căn cứ địa Việt Bắc; di chuyển kho tàng, công xưởng, máy móc lên chiến khu, chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ở phần này, Ban tổ chức sẽ giới thiệu bản gốc của bảo vật quốc gia - Bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều tài liệu, hình ảnh về Hà Nội cùng cả nước kháng chiến; sưu tập văn kiện, đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Trong phần này còn có điểm nhấn là tiểu cảnh về nhân dân Hà Nội kháng chiến, nổi bật là hình ảnh cảm tử quân ôm bom ba càng đón đánh xe tăng quân Pháp.
Phần thứ 2 có nội dung "Việt Bắc-Thủ đô gió ngàn”, giới thiệu đến công chúng những hình ảnh cơ quan đầu não kháng chiến; hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chính phủ tại chiến khu Việt Bắc; các bộ sưu tập Nghị quyết, Văn kiện của Đảng; ảnh, hiện vật về quân sự, kinh tế, văn hóa- xã hội... trong kháng chiến; áp phích, tranh cổ động thời kỳ 1946-1954 cùng hình ảnh, hiện vật về Đại hội II của Đảng; các hội nghị, sự kiện tiêu biểu…
Việt Bắc đã trở thành Thủ đô kháng chiến - Thủ đô gió ngàn, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ đưa ra những quyết sách chiến lược, sáng suốt, kịp thời, lãnh đạo cả dân tộc Việt Nam kháng chiến thành công. Chiến khu Việt Bắc gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Phần 3 là "Khúc khải hoàn”, tập trung vào sự kiện tháng 12/1953, Đảng, Chính phủ quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3/1954 - 07/5/1954), sau 56 ngày đêm quyết chiến, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam, bảo vệ độc lập dân tộc. Điểm nhấn trong phần này là những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 và hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về thủ đô…
Bên cạnh phần giới thiệu các sưu tập hiện vật, trưng bày chuyên đề "Việt Bắc- Thủ đô gió ngàn” sử dụng kết hợp media và phim tư liệu ("Âm vang ngày Toàn quốc kháng chiến"; "Việt Bắc – Thủ đô gió ngàn" (tập 4) và "Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ") do Đài truyền hình Việt Nam sản xuất, đặc biệt là phát Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946.
(Theo Tin tức)