Phim tài liệu về thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ XX

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/12/2021 | 7:45:31 AM

Năm 2021 vừa tròn 30 năm Liên Xô - cường quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới - sụp đổ (1991-2001). Sự kiện này là thảm họa địa - chính trị lớn nhất không chỉ trong thế kỷ XX mà còn là trong toàn bộ lịch sử chính trị thế giới.

Hiện nay, các hoạt động lớn nhằm ca ngợi và kỷ niệm các sự kiện quan trọng của Liên Xô vẫn thường xuyên nhận được sự hưởng ứng của người dân Nga - Ảnh tư liệu
Hiện nay, các hoạt động lớn nhằm ca ngợi và kỷ niệm các sự kiện quan trọng của Liên Xô vẫn thường xuyên nhận được sự hưởng ứng của người dân Nga - Ảnh tư liệu

Nhân dịp này, Công ty Media 21 và Đài truyền hình TP.HCM (HTV) hợp tác sản xuất và công chiếu bộ phim tài liệu chính luận đặc sắc về sự kiện này với tiêu đề "Mùa đông 1991".

Trong 30 năm qua, bàn về sự kiện Liên Xô tan rã đã có hàng ngàn công trình nghiên cứu và cuộc hội thảo khoa học được tổ chức, hàng ngàn chuyên khảo và hồi ký của các nhân chứng lịch sử đã được công bố. 

Tuy nhiên, xuất phát từ quan điểm chính trị và cách tiếp cận khác nhau về sự kiện này nên vẫn còn nhiều mâu thuẫn và bất đồng trong những nỗ lực đi tìm lời giải cho những câu hỏi mang tính thời đại vô cùng phức tạp như vì sao Liên Xô sụp đổ? Vì sao Việt Nam - nhà nước xã hội chủ nghĩa có mối quan hệ gắn bó với Liên Xô - không bị sụp đổ theo dưới tác động của "phản ứng dây chuyền" từ sự tan rã Liên bang Xô viết mà vẫn tiếp tục phát triển bền vững trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng?



Nguyễn Ái Quốc với bí danh P.C.Lin đang hội đàm với Leon Trotsky và một số đại biểu tiêu biểu của Quốc tế Cộng sản trong khuôn khổ Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản năm 1924 tại Matxcơva - Ảnh tư liệu

Với nỗ lực phi thường để vượt qua muôn vàn khó khăn trong điều kiện đại dịch COVID-19, trong 3 năm qua nhóm làm phim của Công ty Media 21 phối hợp với HTV đã thu thập và hệ thống hóa các cứ liệu lịch sử có giá trị khoa học, trong đó có những cứ liệu rất quý hiếm, chưa từng được công bố trước đây, để xây dựng thành công bộ phim tài liệu chính luận đầu tiên ở Việt Nam về quá trình cải tổ dẫn tới sụp đổ Liên Xô. 

Bộ phim gồm 10 tập: tập 1 "Thay đổi thế giới", tập 2 "Ánh sáng Tháng Mười", tập 3 "Đại hội XX - bom hạt nhân nổ giữa Hồng Trường", tập 4 "Xét lại và chống xét lại", tập 5 "Thời đại Xô viết vinh quang", tập 6 "Muôn mặt chiến tranh", tập 7 "Khởi đầu của những cuộc cải cách", tập 8 "Những nguyên tắc bất di bất dịch", tập 9 "Liên Xô sụp đổ" và tập 10 "Việt Nam vững bước".



Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev tiếp đón Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn trong một chuyến thăm Liên Xô - Ảnh tư liệu

Trên cơ sở các cứ liệu lịch sử tin cậy và với phương pháp tiếp cận khoa học biện chứng, "Mùa đông 1991" đã luận giải những nguyên nhân cơ bản dẫn tới sụp đổ Liên Xô. Đó là, mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô trong gần nửa thế kỷ đã không được cập nhật kịp thời và cải cách đúng hướng, phù hợp với sự phát triển của thế giới; sự thoái hóa biến chất của một bộ phận lớn đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, thậm chí dẫn tới sự phản bội chủ nghĩa xã hội của tập đoàn lãnh đạo cao nhất do Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin đứng đầu; chiến lược diễn biến hòa bình của phương Tây nhằm xóa bỏ Liên Xô - đối thủ "không đội trời chung" của họ trong Chiến tranh lạnh. 

Bộ phim còn chứng tỏ, sự sụp đổ Liên Xô không phải do sai lầm của học thuyết Marx - Lenin về con đường của nhân loại tiến lên chủ nghĩa xã hội, cũng không xuất phát từ bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.



Tranh cổ động tại Liên Xô nhằm ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam - Ảnh tư liệu

Đồng thời, bằng những hình ảnh tư liệu rất sinh động, bộ phim đưa ra câu trả lời cho câu hỏi vì sao Việt Nam - nhà nước xã hội chủ nghĩa có mối quan hệ gắn bó với Liên Xô - không bị sụp đổ dưới tác động của "phản ứng dây chuyền" từ sự tan rã Liên bang Xô viết. 

Trong những năm 1980, đồng thời với quá trình cải tổ ở Liên Xô, Đại hội toàn quốc khóa VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986) đã thông qua quyết định có ý nghĩa lịch sử về thời kỳ quá độ phát triển theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. 



Hai Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Mikhail Gorbachev trong cuộc hội đàm năm 1987 về Đổi mới và Perestroika tại Matxcơva - Ảnh tư liệu

Khác căn bản với "cải tổ" ở Liên bang Xô viết đã loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, đường lối đổi mới của Đảng ta chủ trương củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và kế thừa tư tưởng về chính sách kinh tế mới của V.I.Lenin sau Cách mạng Tháng Mười để xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trên cơ sở nhận định, cải tổ ở Liên Xô đã đi ngược lại học thuyết Marx - Lenin về chủ nghĩa xã hội, tại Đại hội lần thứ VII diễn ra trước khi Liên Xô sụp đổ (tháng 6-1991), Đảng ta thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây là văn kiện chính trị vô cùng quan trọng, không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với cách mạng Việt Nam mà còn đối với phong trào cách mạng thế giới.

Rút kinh nghiệm từ bài học về sự chậm áp dụng cơ chế kinh tế thị trường trong quá trình cải cách ở Liên Xô, Đảng ta đã kịp thời thông qua quyết định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Rút kinh nghiệm từ bài học Đảng Cộng sản Liên Xô đánh mất vai trò lãnh đạo, Đảng ta vẫn giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo đối với công cuộc đổi mới, coi đó là yếu tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. 



Phỏng vấn Media 21 thực hiện với GS.TSKH Vladimir Kolotov tại Saint Petersburg nhằm phục vụ cho phim tài liệu "Mùa đông 1991”

Trên cơ sở các cứ liệu lịch sử, bộ phim "Mùa đông 1991" kể về quá trình Đảng ta đưa ra những quyết sách rất quan trọng trong thời kỳ đổi mới của cách mạng Việt Nam.

Bộ phim tài liệu chính luận "Mùa đông 1991" của nhóm làm phim Media 21 với đạo diễn phim của PGS.TS Bùi Chí Trung cùng các đạo diễn trẻ Trần Vũ Anh, Nguyễn Hà Tiệp, Đặng Bảo Trung, Đỗ Đức Lương sẽ được phát sóng trên kênh HTV9 từ ngày 17-12 vào 20h45 hằng ngày. 

Hy vọng "Mùa đông 1991" sẽ mang tới cho người xem một cách lý giải rất sinh động bằng hình ảnh và có sức thuyết phục về một thảm họa địa - chính trị lớn nhất trong thế kỷ XX, từ đó càng vững tin vào con đường phát triển tiến lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã lựa chọn.

(Theo TTO)

Các tin khác
Màn đại xòe với sự tham gia của 5.000 người. (Ảnh: T.L)

Mường Lò được coi là đất Tổ của người Thái ở Tây Bắc. Bởi thế, đồng bào cũng quan niệm đây là nơi sản sinh ra các điệu xòe cổ, là ngọn nguồn của những vòng xòe. Xòe được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái; nó gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của người Thái nơi đây.

Chiều nay-15/12/2021, Nghệ thuật Xòe Thái đã chính thức được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mảnh đất Mường Lò (Nghĩa Lộ- Yên Bái) được coi là cái nôi của những điệu xòe cổ. Báo Yên Bái điện tử xin trân trọng giới thiệu lại những hình ảnh Lễ hội văn hóa- du lịch Mường Lò 2020 với rất nhiều hoạt động tôn vinh nghệ thuật xòe Thái, đã làm nên thương hiệu du lịch của thị xã miền Tây Yên Bái.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái phát biểu tại lễ mừng Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Tại Lễ mừng Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, đã đại diện các tỉnh có di sản, phát biểu trong sự kiện này. YBĐT trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái chụp ảnh lưu niệm với các nghệ nhân Xòe Thái của tỉnh

Chiều 15/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên tham dự Hội nghị trực tuyến Kỳ họp thứ 16 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về xem xét hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục