Đua nhau đặt nghệ danh sính ngoại, lai căng
Ai từng đọc tiểu thuyết "Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng chắc không khỏi cám cảnh thói đời học lỏm, bắt chước người khác làm dáng một cách sống sượng, nhố nhăng của một số nhân vật (Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, ông bà Văn Minh, ông TYPN…) nhân danh cái "Âu hóa” mà đánh mất cả tư cách cá nhân và phỉ báng vào ngay cái nôi văn hóa dân tộc đã sinh ra mình. Dẫu sao, ở cái thời thực dân nửa phong kiến những năm đầu thế kỷ XX, khi cái cũ chưa qua, cái mới chưa tới, không ít kẻ sùng bái lối sống văn minh rởm, chạy theo danh vọng xa hoa, phù phiếm, thì môi trường xã hội nhốn nháo, lăng nhăng cũng là điều dễ hiểu.
Cứ tưởng sự bát nháo, lai căng, cuồng danh vọng phù phiếm chỉ còn trong dĩ vãng, nhưng thực tế môi trường văn hóa xã hội thời nay, những biểu hiện đó không những chưa chấm dứt, mà đang có nguy cơ như "vết dầu loang” làm vẩn đục sự trong lành của tâm hồn, cốt cách dân tộc. Một trong những biểu hiện dễ thấy là một bộ phận người trẻ trong giới giải trí (ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên) thời nay không ngần ngại từ bỏ cả cái tên "cúng cơm” mà cha mẹ đã đặt cho ngay từ thuở lọt lòng và từng định danh trên giấy khai sinh, căn cước công dân rồi gắn cho mình cái tên sính ngoại lạ hoắc.
Hết sính nghệ danh sặc mùi dã sử kiếm hiệp (đại loại như Uông Đại Vương, Thiên Địa Kim…), rồi lại đặt nghệ danh "nửa tây nửa ta” (ghép tên Hàn-Việt, Nhật-Việt, Anh-Việt…) đại loại như: Chi Moon Hoằng, Rakia Phạm, Anlagel Hương Tình… Những khó nhớ nhất, rắc rối nhất là nhan nhản ca sĩ, nhạc sĩ trẻ đua nhau lấy nghệ danh "tây toàn tập”, đại loại như: Arak, Rakic, Mr C, Tusza T, New Maozing, Hezo 8, Lemi 9, The Nice Zoo…
Không chỉ đặt nghệ danh lai căng, nhiều sản phẩm âm nhạc của nhạc sĩ, ca sĩ trẻ thời nay cũng chẳng khác mấy "lẩu thập cẩm” với đủ thứ loại ca từ, thanh lịch có, thông tục có, lai căng có. Không ít nhạc sĩ, ca sĩ còn tùy tiện chêm cả tiếng Trung, tiếng Hàn, nhất là tiếng Anh lồng vào cả bài hát, MV (video ca nhạc) khiến nhiều người nước ngoài nghe mà không hề hiểu đó là thứ ngôn ngữ gì!
Chiếc áo không làm nên thầy tu. Con người làm nên tên tuổi, chứ tên tuổi đâu làm nên giá trị con người. Chả nói đâu xa, những thế hệ vàng của âm nhạc nước nhà đều là những cái tên thuần Việt như Thu Hiền, Thanh Hoa, Trung Đức, Kiều Hưng… hay gần đây là Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tấn Minh, Trọng Tấn… có cần nghệ danh "dán mác ngoại” đâu mà tiếng hát của họ vẫn làm say lòng bao thế hệ khán giả từ già đến trẻ? Kể cả những tài năng âm nhạc Việt từng tỏa sáng lẫy lừng trên trường quốc tế như Đặng Thái Sơn, Bùi Công Duy… vẫn một mực thủy chung với cái tên cha mẹ đặt cho mình đấy thôi!
Lấy nghệ danh nào là quyền của mỗi ca sĩ, diễn viên, nhạc sĩ. Tuy nhiên, mang dòng máu Việt, ăn cơm Việt, uống suối nguồn Việt, hít thở không khí Việt, phục vụ khán giả Việt mà lại tự gán ghép cho mình danh xưng ngoại lai thì đó không chỉ là biểu hiện tự ti, thiếu lòng tự tôn dân tộc, mà còn là thái độ sùng ngoại, lai căng, từ đó làm méo mó tiếng Việt, làm biến dạng ngôn ngữ trong trẻo, tinh tế của ông cha ta.
Lỗi một phần tại báo chí-truyền thông
Trong khi phê bình một bộ phận người trẻ trong giới giải trí Việt có tư tưởng sính ngoại, tự đánh mất gốc gác, bản thể chính danh của mình, thì chúng ta không khỏi quan ngại nhiều cây bút trong giới báo chí – truyền thông cũng thiếu tỉnh táo, thận trọng khi biến mình thành "cánh tay nối dài” cho việc quảng bá, tung hô cho các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ mang nghệ danh ngoại lai. Thời gian qua, không ít tờ báo, nhất là báo điện tử, phóng viên theo dõi mảng văn hóa giải trí đã "phóng bút” quá đà khi giới thiệu tên tuổi, tiểu sử, quá trình vào nghề, hành nghề, sản phẩm âm nhạc của và đủ thứ bên lề cuộc sống (sinh hoạt, ăn ở, tình yêu, hôn nhân, sở thích…) của ca sĩ, nhạc sĩ Việt mang nghệ danh ngoại lai. Cách truyền thông này vô hình trung cổ xúy cho những người trẻ trong giới giải trí ảo tưởng về khả năng của mình, khiến họ chỉ thích "đánh bóng” bên ngoài thông qua lấy nghệ danh "khác người” và "làm màu” đầu tóc, trang phục "sang chảnh” để gây sự chú ý tò mò cho công chúng, mà không thật sự chú tâm đầu tư trí tuệ, công sức để làm ra những sản phẩm âm nhạc có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao.
Luật Báo chí 2016 đã quy định, một trong những chức năng, nhiệm vụ của báo chí là góp phần "bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, "giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt” (Điều 4) và một trong các hành vi bị nghiêm cấm là "Thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam” (Điều 9). Một trong 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam là nhà báo có trách nhiệm "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam” (Điều 9).
Như vậy, cả trên phương diện luật pháp và đạo đức báo chí đều có những điều khoản quy định liên quan đến vai trò, trách nhiệm, bổn phận của nhà báo trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt nói riêng và truyền thống, giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung.
Để góp phần phòng ngừa, hạn chế những biểu hiện, hành vi sùng ngoại, lai căng trong một bộ phận nghệ sĩ trẻ trong giới giải trí, các cơ quan báo chí và người làm báo cần hết sức cân nhắc khi viết, đăng tải các nội dung thông tin liên quan đến việc giới thiệu, quảng bá những ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên sử dụng nghệ danh ngoại lai chủ yếu nhằm lăng xê, đánh bóng cá nhân, mà thiếu sản phẩm âm nhạc lành mạnh, không phù hợp với các giá trị nhân văn của truyền thống văn hóa dân tộc và nếp sống tao nhã của con người Việt Nam. Đúng như ý kiến của một cán bộ lãnh đạo ngành văn hóa đã nhận định, khi các cơ quan báo chí truyền thông, nhất là truyền hình, chỉ gọi đúng tên thật của ca sĩ, nhạc sĩ và không cổ vũ, tung hô nghệ danh sính ngoại, lai căng, thì tên họ sẽ khó có cơ hội xuất hiện một cách tràn lan, bát nháo như hiện nay./.
(Theo Hương Sen Việt)