Gạc Ma - Tổ quốc nhìn từ biển: Những vần thơ từ tâm khảm

  • Cập nhật: Chủ nhật, 13/3/2022 | 8:35:52 AM

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến viết cho VTC News kể về những kỷ niệm khó quên khi viết bài thơ về sự hy sinh của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam tại đảo đá Gạc Ma.

Mùa hè năm 2011 đối với tôi khá đặc biệt với nhiều kỷ niệm. Lúc ấy tôi đang đi công tác ở Đà Nẵng, vào đúng dịp các tàu hải giám của Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông ngày 26/5//2011 với hành vi trắng trợn cắt cáp tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (cách mũi Đại Lãnh, Phú Yên khoảng 120 hải lý), gây căng thẳng trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trước đó khoảng 2 tháng, tôi có gửi bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của tôi cho anh em biên tập báo Thanh Niên với lời nhắn: "Tinh hình trên biển Đông đang ngày một căng thẳng với nhiều dấu hiệu gây hấn của các tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam, bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" mình vừa gửi, các bạn nên cho đăng sớm”. Người phụ trách Ban biên tập trả lời: "Bài thơ rất hay, anh đừng gửi báo nào khác, báo Thanh Niên sẽ in”.

Và, ngay sau sự kiện tàu Trung Quốc gây sự cố cắt cáp tàu dầu khí Việt Nam trên Biển Đông, ngày 28/5/2011 báo Thanh Niên ra số đặc biệt in 4 trang kèm ảnh về sự kiện nóng trên Biển Đông và bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của tôi.


Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong một lần đi công tác ở Trường Sa. (Ảnh: NVCC)

Bài thơ đưa lên trang điện tử báo Thanh Niên buổi sáng thì buổi chiều anh em ban biên tập cho biết, đã có hàng vạn địa chỉ trên các trang mạng xã hội và các blog ở trong và ngoài nước đưa lại bài thơ với nhiều comment hưởng ứng rất xúc động.

Lúc đó, tôi cũng không ngờ bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của mình lại có hiệu ứng xã hội rộng rãi đến như vậy. Những nhận xét, bình luận của bạn đọc như nhưng lời động viên, tiếp sức cho tôi với tư cách là một nhà thơ.

Và, cũng trong tháng 6/2011 nhiều kỷ niệm ấy, tôi viết bài thơ "Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra" về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ hải quân Việt Nam ở đảo đá Gạc Ma - Trường Sa năm 1988.

Khi viết bài thơ này, một nỗi đau quặn siết trong trái tim khi tôi xem băng video do lính hải quân Trung Quốc ghi lại cảnh tàu to, súng lớn của họ thảm sát các chiến binh hải quân Việt Nam đang phất cao lá cờ Tổ quốc trong mưa đạn quân thù tại đảo đá Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Ngay lúc ấy tôi đã không cầm được nước mắt và thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó. Thế rồi, những dòng thơ uất hận, nhưng cũng đầy tự hào trong tâm khảm tôi ứa ra, nghẹn ngào:

Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma

Các anh lấy ngực mình làm lá chắn

Để một lần Tổ quốc được sinh ra

Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm.

 
Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn

Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương

Các anh lấy thân mình làm cột mốc

Chặn quân thù trên biển đảo quê hương.

Bài thơ "Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra" của tôi được công bố trên báo Thanh Niên và sau đó là một số tờ báo khác. Cũng giống như một số bài thơ khác viết về biển đảo của tôi được phổ nhạc sau khi đến với bạn đọc, bài thơ "Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra" đã được nhạc sĩ Văn Phượng công tác ở Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi phổ nhạc và bài hát này sau đó đã đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2013.

Năm 2016, theo lời mời của quân chủng Hải quân, tôi có chuyến đi thực tế sáng tác ở Trường Sa, và niềm vui lớn nhất là tôi đã đọc các bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" và "Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra" trước các chiến sĩ hải quân đang trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió ở quần đảo bão tố này.

Khi chuyến tàu của chúng tôi làm lễ dâng hương, thả hoa tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trên vùng biển Trường Sa, trong tâm khảm tôi lại xúc động văng vẳng những câu thơ:

Các anh đứng như tượng đài quyết tử

Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra

Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt

Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa.


Có nơi nào như Đất nước chúng ta

Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ

Khi giặc đến vạn người con quyết tử

Cho một lần Tổ quốc được sinh ra

(Theo VTC News)

Các tin khác
Những kệ bày bán băng đĩa như thế này ngày càng thưa vắng.

Nhiều khi, rong ruổi trên những con phố ở TPHCM bất chợt lại thấy một tiệm băng đĩa ven đường. Không còn cảnh tấp nập bán buôn âu cũng là lẽ thường tình, nhưng trong tâm tưởng của nhiều người sao vẫn cứ thấy trống vắng.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục điện ảnh, cho biết bộ phim "Thợ săn cổ vật" đã bị cấm chiếu tại Việt Nam do có cảnh chứa hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp.

Hoa hậu Đỗ Thị Hà tại sân bay Tân Sơn Nhất tối 11/3.

Tối 11/3, Hoa hậu Đỗ Thị Hà ra sân bay Tân Sơn Nhất để lên đường đến Puerto Rico thi chung kết Miss World.

Qua cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và tình cờ với Dương Thu Phương, tôi càng cảm phục về nghị lực của người phụ nữ vốn mỏng manh yếu đuối đã vượt qua nhiều sóng gió để vươn dậy và giành được nhiều thành quả như hôm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục