Tháng Ba, tiết trời đỏng đảnh lúc nắng, lúc mưa. Sau những cơn mưa rào, bảy sắc cầu vồng xuất hiện càng tô thêm vẻ đẹp cho mùa hoa lê hoa, hoa mận đang nở trắng cả núi rừng vùng cao Tây Bắc. Cuộc sống với muôn điều sắp đặt, khuôn phép và những kế hoạch vạch sẵn thì thỉnh thoảng tôi lại thích sự tình cờ.
Đúng là quả đất thu nhỏ, tôi vô tình gặp một người "đàn bà nhất trong những người đàn bà”, vì cô ấy đã dành cả thanh xuân để tìm hiểu, trải nghiệm và chia sẻ về đàn bà theo cách riêng của mình. Cô là Dương Thu Phương, tác giả "Chuyện đàn bà” vừa đạt giải C, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2021 do Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam tổ chức.
Cầm cuốn sách có thiết kế bìa đẹp như một bức tranh, tôi hỏi:
- Đây là chuyện đầu tiên của chị ạ?
Phương cười hiền:
- Vâng! Sau rất nhiều dự định trăn trở, đến cuối năm 2021, em mới ra một cuốn sách đầu tiên cho mình. Em muốn cất giữ những cảm xúc và trải nghiệm của một người đàn bà đã đi qua đủ xuân, hạ của đời người. Anh biết đấy, không có ở đâu con người tự giác bộc lộ bản chất như trong văn học, và vì thế, tôi muốn được soi mình một cách chân thật như bản tính của người miền Trung mình vậy.
Tới đây, tôi mới nhớ ra Phương là người miền Trung nên trong giọng nói vẫn nghe được vị mặn của biển và sự đanh sắc của gió Lào không pha lẫn. "Ra đây công tác được 10 năm rồi, không có gì nhanh bằng thời gian. May mà em cũng kịp ghi lại được chút gì đó trước khi nó vùn vụt lao đi. Đó là thế mạnh của một giáo viên chuyển nghề anh ạ”. - Phương bộc bạch.
Cô kể: "Em tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn - một ngành khá "hot” của những năm 2001- 2005 và cũng là lựa chọn duy nhất của những cô gái xuất thân nông thôn thời đó. Rồi cuộc sống, những sắp đặt và lộn xộn, những kế hoạch và tình cờ đã mang em lên Tây Bắc. Từ đấy em không còn tiếp tục với công việc của 5 năm trước nữa.
Hình như đến một lúc nào đó, con người sẽ tự "kiện toàn”, em cảm giác như mình phải đoạn tuyệt với cái cũ để bắt đầu cái mới. Nhưng lạ thay, càng xa rời lại càng khao khát, cảm giác như khi mất rồi mới biết tiếc ấy. Không còn nhiều cơ hội để thả trôi với những cảm xúc và số phận trong các tác phẩm văn học thì em tự ghi lại cảm xúc và tự hưởng thụ như một cách em luôn được nuôi dưỡng trong cảm xúc.
Nói về nghề viết, Phương bộc bạch: "Chọn công việc gì cũng có khó khăn của nó và em tin rằng ai cũng thế. Không biết em dùng từ "nghề” có chính xác không, vì "cơm áo không đùa với khách thơ mà anh”! Nó chẳng thể nuôi sống được mình, ít nhất là thời điểm hiện tại. Nhưng em tin rằng, mỗi con người sẽ có một giá trị. Ai cũng cống hiến cái giá trị riêng có của mình thì cuộc sống này đã đủ tốt đẹp. Em sáng tác đã khá lâu và đa số trong trang văn của mình là hình ảnh và số phận những người đàn bà.
Bởi em biết, trong sự hiểu biết nhỏ hẹp của mình, em hiểu nhất về đàn bà. Không chỉ là em có bà, có mẹ, có chị gái, em gái, con gái, có nhiều học sinh nữ mà không gian sống của em trải rộng. Em đi từ thành thị đến miền núi, em gặp những người đàn bà xưa cũ đến hiện đại, từ vùng biển đến cùng núi cao. Không chỉ bằng 5 giác quan thông thường mà bằng kinh nghiệm của người đàn bà, em có thể hiểu họ bằng giác quan thứ 6.
Được biết, Phương là cây bút trẻ nhưng đã nhận được khá nhiều giải thưởng về văn học. Ngoài giải C, Giải thưởng VHNT năm 2021 do Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam tổ chức, cô còn nhận được 2 giải thưởng về Cuộc thi "Viết truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ” và giải thưởng của Hội VHNT Yên Bái năm 2021, chuyên ngành Văn học.
Đọc và ngẫm qua "Chuyện đàn bà” của Dương Thu Phương mới thấy một văn phong khá mở khi nhiều nhân vật không được gọi tên riêng mà chỉ hiện lên qua những chi tiết…, điều đó làm cho tính đại diện cao hơn. Kết cấu trong nhiều câu chuyện cũng hiện đại khi cái kết không có hậu hoặc để ngỏ vấn đề…
Các thế hệ đàn bà nối tiếp nhau trong 15 truyện ngắn, chứa đựng trong gần 200 trang sách đã khắc họa, tô đậm bản tính của đàn bà nói chung: bền bỉ và giàu lòng yêu thương, giàu đức hy sinh. Đó là người mẹ can trường làm thay cả việc của đàn ông trong thời chiến tranh; là người bà ngoại đi lấy vợ cho chồng mình để trọn đạo làm vợ làm dâu của thời phong kiến; là muôn vàn người phụ nữ từ thành thị đến miền núi tự nguyện trói mình, chịu đựng… buộc phải học cách vượt qua.
Những người phụ nữ hiện đại trong trang văn, hiện đại cả về ngành nghề, cả về tuổi tác và lối sống. Hay có những cô gái mới chỉ mười tám, đôi mươi nhưng đã đi qua hết một kiếp người. Tôi cảm nhận, mỗi câu nói là những dòng tự sự đầy chiêm nghiệm, nếm trải là sự dồn nén chất chứa của nỗi lòng.
Không chỉ có duyên với tản văn và truyện ngắn, Dương Thu Phương còn biết đến với bài thơ lãng mạn, đầy cảm xúc và triết lý về cuộc sống, như: "Mùa đông nhớ mẹ” và "Cõi người”.
Vinh dự hơn, nhiều bài thơ của Phương đã có mặt trong tuyển tập các tác phẩm thơ tiêu biểu, hoặc triển lãm thơ Nguyên tiêu hàng năm do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức.
Bật mí những dự định tới đây, Phương cho biết: Em đang miệt mài cho ra tuyển tập ký "Yên Bình & Yêu thương”, gồm 15 tác phẩm được tuyển tập từ những tác phẩm đã được đăng trên các báo ở trung ương và địa phương. Đây là tác phẩm ký em viết về những đổi thay của huyện Yên Bình trong những năm gần đây. Cuốn sách như một công trình nhỏ của cá nhân, hy vọng sẽ được ra mắt vào đúng dịp huyện Yên Bình tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (20/6/1947 - 20/6/2022).
Tháng Ba về trong sự trẻ trung, nhiều năng lượng, nhiều sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tháng 3 về trong sự đằm thắm duyên dáng và vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ. Nắng xuân vẫn vàng, sáng và ấm phơi trải trên muôn cây và hoa lá. Qua cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và tình cờ với Dương Thu Phương, tôi càng cảm phục về nghị lực của người phụ nữ vốn mỏng manh yếu đuối đã vượt qua nhiều sóng gió để vươn dậy và giành được nhiều thành quả như hôm nay.
Tin rằng, với nhiều năng lượng tích cực, với ngọn lửa đam mê trên lĩnh vực văn học, Dương Thu Phương sẽ tiếp tục thành công với những dự định của mình trong tương lai không xa.
Dương Thu Phương sinh năm 1983, hiện công tác Huyện ủy Yên Bình. Hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái, chuyên ngành Văn học. "Chuyện đàn bà” là tập truyện ngắn đầu tay, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2021. Ngoài truyện ngắn, Dương Thu Phương có nhiều bài thơ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông của trung ương và địa phương.
|
Văn Tuấn