Nhà văn Hà Lâm Kỳ - Người nặng tình với quê hương

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/3/2022 | 7:35:18 AM

YênBái - Đau đáu trăn trở với quê nhà – vùng đất cách mạng đã nuôi ông khôn lớn, cùng với việc góp tay khôi phục giá trị văn hóa bị mai một, với tư cách một nhà văn, cựu chiến binh, nhà văn Hà Lâm Kỳ đã miệt mài sáng tác và xuất bản 25 đầu sách về các lĩnh vực: sáng tác văn học, sưu tầm khảo cứu dân gian, tiểu luận văn học... Các tác phẩm của ông lấy chất liệu từ cuộc sống nên rất giản dị, gần gũi, gắn bó và đặc biệt dễ hiểu đối với bạn đọc.

Nhà văn Hà Lâm Kỳ ký tặng sách cho học sinh Trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thọ, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn.
Nhà văn Hà Lâm Kỳ ký tặng sách cho học sinh Trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thọ, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn.

 
Tôi biết đến ông đã lâu và hôm nay được cùng ông trở về xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn - mảnh đất nơi ông sinh ra để làm chương trình "Đưa văn học địa phương vào giảng dạy” với tác phẩm "Kỷ vật cuối cùng” tại Trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thọ - ngôi trường mang tên người anh dùng, liệt sĩ thiếu niên người dân tộc Tày Hoàng Văn Thọ, người đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và Bằng Tổ quốc ghi công, niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Đại Lịch. 

Cuốn "Kỷ vật cuối cùng” về Hoàng Văn Thọ đã vinh dự được đưa vào Tủ sách Vàng của Nhà Xuất bản Kim Đồng, đạt giải C Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1992 và được lựa chọn đưa vào giảng dạy ở môn Ngữ văn lớp 9 trong chương trình văn học địa phương tỉnh Yên Bái nhiều năm nay. 

Khi viết tác phẩm này, ông đang là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Yên Bái. Bây giờ, khi ông đã nghỉ hưu nhiều năm, tôi mới lại có dịp được tâm sự, trò chuyện nhiều hơn với ông. 

Trong căn phòng nhỏ, ông cho tôi xem những vần thơ, tập sách đầu tay và cuốn sách ông sắp xuất bản "Bạn văn – bạn đọc”. Đó là những bài viết, những tâm sự của nhà văn, nhà thơ và của chính tác giả về những ký ức tuổi thơ cho đến sự nghiệp văn chương của mình. 

Sinh ra và lớn lên ở xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đã nuôi lớn tâm hồn ông từ thời thơ ấu. Học hết phổ thông, ông vào học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Thái Nguyên). Năm 1972, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông gác bút lên đường vào chiến trường Tây Nguyên chiến đấu. Năm 1976, ông trở lại trường đại học tiếp tục học tập. 

Tốt nghiệp, ông về quê hương tham gia giảng dạy môn Ngữ văn ở Trường Cao đẳng Sư phạm, rồi làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hoàng Liên Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái. Với tình yêu văn chương sớm nhen nhóm, trong thời gian tham gia chiến đấu ở chiến trường, thời gian đầu ông chủ yếu làm thơ. Những vần thơ của ông trong trẻo, mang đậm hồn quê hương, tình yêu con người. 

"Mùa mưa hai đứa hai nơi/ Mùa khô hai đứa hai trời xa nhau/ Vào mùa cùng một ước ao/ Được đi chiến dịch được vào tung thâm”- đó là mấy câu thơ được Báo Tây Nguyên đăng trên trang nhất tháng 10/1974. 

Ông tâm sự: "Lúc đầu làm thơ, mình viết chủ yếu vào sổ tay. Sau đó, khi gặp các nhà văn, nhà thơ gạo cội được hướng dẫn và đặc biệt là tháng 1/1996 khi được kết nạp làm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, được tham gia các trại sáng tác, có định hướng rõ ràng nên mình chuyển sang thể loại truyện viết về mảng cho thiếu nhi nhiều hơn”. 

Truyện đầu tay của ông viết cho thiếu nhi năm 1985 với tựa đề "Chú Cuội đi đâu” được đăng trên báo Hoàng Liên Sơn. Sản phẩm nhỏ nhưng niềm vui lớn vì ông được tiếp thêm động lực. Là một người lính, chứng kiến những tấm gương hy sinh vì đồng bào trên chính mảnh đất quê hương mình, ông đã viết thành công những câu chuyện về tấm gương hy sinh quả cảm đó. 

Truyện dài "Kỷ vật cuối cùng” ra đời năm 1991 viết về người thiếu niên anh hùng Hoàng Văn Thọ đã ghi dấu tên tuổi của ông. Tên của liệt sĩ Hoàng Văn Thọ đã được đặt cho giải thưởng của Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Hoàng Liên Sơn và những công trình, con đường được mang tên người anh hùng, liệt sĩ thiếu niên này. 

Tìm tòi, sưu tập những giá trị, nhân chứng lịch sử để viết nên những câu chuyện chân thực về miền quê núi của mình, tất cả những tác phẩm của ông mang đậm tính giáo dục sâu sắc về truyền thống yêu nước, yêu quê hương để các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ học tập và noi theo. Không kể biên soạn, khảo cứu, sưu tầm, làm thơ, cùng với viết truyện thiếu nhi, nhà văn Hà Lâm Kỳ còn viết truyện lịch sử. Những tác phẩm như "Gió Mù Cang”, "Thủ lĩnh Rừng Già”, "Cánh cung đỏ”… đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng cao quý. 

Tiểu thuyết "Cánh cung đỏ” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2018 và Nhà Xuất bản Quân đội xuất bản năm 2019 đã đạt giải A Cuộc thi Sáng tác quảng bá văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng năm 2020 và Giải thưởng "Cánh cung đỏ” được Tỉnh đoàn Yên Bái lấy làm giải thưởng để tuyên dương những tấm gương cán bộ, đoàn viên tiêu biểu trong dịp 26/3 hàng năm. 

Ngần ấy năm tháng của đời mình, nhà văn Hà Lâm Kỳ đã sáng tác hàng trăm bài thơ, hàng chục truyện ngắn thể hiện sâu sắc tình cảm của mình với quê hương Yên Bái, với vùng đất Đại Lịch anh hùng. Tình yêu quê hương, đất nước lan tỏa mạnh mẽ từ những sáng tác văn chương của ông như một sự đền đáp với quê hương, nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng ông cùng một tâm hồn văn chương trong sáng, mãnh liệt.

Thanh Tân

Tags Nhà văn Hà Lâm Kỳ sáng tác văn học sưu tầm khảo cứu dân gian tiểu luận văn học "Kỷ vật cuối cùng"

Các tin khác
Hơn 330.000 thiếu nhi thi vẽ Toyota - ‘Chiếc ô tô mơ ước’

Công ty Ô tô Toyota Việt Nam vừa công bố kết quả cuộc thi vẽ tranh Toyota - “Chiếc ô tô mơ ước” lần thứ 11 với 150 tác phẩm đạt giải, trong đó, 9 bức tranh xuất sắc nhất sẽ gửi đi cuộc thi quốc tế ở Nhật Bản.

Chung cuộc, người đẹp đến từ Ba Lan đăng quang Miss World 2021. Danh hiệu á hậu 1, 2 lần lượt trao cho người đẹp đến từ Mỹ và Bờ biển Ngà.

Người đẹp Ba Lan Karolina Bielawska đã đăng quang Miss World lần thứ 70 trong chung kết được tổ chức sáng nay 17-3 (theo giờ Việt Nam).

Cha đẻ

Bom tấn hình sự "Bão ngầm" đang là chương trình truyền hình được xem nhiều nhất cả nước với chỉ số rating 4.6. "Cha đẻ" của bộ phim - TS Đào Trung Hiếu đã tiết lộ nhiều điều thú vị về siêu phẩm này.

Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi viết tiểu phẩm tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục