Mỗi buổi đi học hay chiều tà, vắt vẻo trên chiếc xe bò từ dưới ruộng về, đều phải ngang qua đình. Hôm nào thấy sáng đèn phía trong là tôi biết sắp có hội đình. Sau bữa cơm chiều, thấy bác Hai đang thả võng dưới nhà ngang, tôi lén xuống dò hỏi: "Tối nay có hội ngoài đình hả bác Hai, cho con đi với”. "Nít nôi theo chi, ở nhà học bài”, bác Hai trả lời.
Hội đình theo cách gọi của người dân quê tôi, chỉ hầu hết sinh hoạt, hội họp, tế lễ, gánh hát, giỗ chạp… Không gian đình trở thành nơi hội tụ của mọi gia đình trong ấp, xã. Mọi sinh hoạt, hội họp, tế lễ trong đình đều gọi là hội.
Bác Hai tôi tham gia trong Ban tế tự nên hầu như tháng nào cũng đi hội ngoài đình, khi thì họp bàn chuẩn bị các lễ, hội, giỗ chạp, khi thì tham gia hòa giải xích mích giữa các họ, các gia đình, rồi cứu xét giúp đỡ nhà khó, kêu gọi vần đổi công hỗ trợ nhau đập lúa, sắc thuốc (thuốc lá), dựng nhà, hiếu hỷ…
Mỗi năm, đình Thới Tam Thôn có 3 hội đình lớn, gồm: Khai Sơn (25 tháng Chạp), Tam Nguyên (ngày rằm tháng Giêng, tháng bảy và tháng mười) và Kỳ Yên. Trước vài ngày diễn ra hội đình, tối nào sân đình cũng sáng đèn, tấp nập cảnh già trẻ, gái trai tham gia trang hoàng, họp bàn, tập hát, diễn xướng... Nhưng vui nhất vẫn là hôm gánh hát bội hay Hồ Quảng về tập dợt các tiết mục chuẩn bị cho lễ hội chính.
Từ chiều hôm trước ngày diễn ra hội đình, xe chở gánh hát bội đã đổ xuống nào bàn ghế, phục trang, phông bạt, nào nhạc cụ, trống chiêng, rồi các kép, đào tập trung thành từng nhóm hát múa theo tiếng trống, đàn vang cả góc sân.
Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy quên đói, dán mắt dõi theo từng điệu múa, lời ca, trầm trồ khi thấy những cờ, lọng, bao gươm, áo mão, mũ hài… được hóa trang trên người các kép, đào. Hội đình thường diễn ra trong một ngày với đủ các hoạt động từ nghi thức dâng hương, dâng lễ, múa lân, múa cù, hát bội, đến thi thố các trò chơi dân gian, múa hát đến thâu đêm.
Vào các ngày lễ hội Kỳ Yên, chính quyền địa phương và bà con nhân dân tự nguyện đứng ra cùng với ban tế tự lo việc cúng bái nhằm tôn vinh các bậc tiền hiền, hậu hiền và những anh hùng dân tộc đã khai hoang, mở đất và có công giữ gìn bờ cõi đến ngày hôm nay. Các buổi lễ luôn được cử hành một cách trang nghiêm, đúng nghi thức trên tinh thần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa cổ của địa phương.
Trong các lễ hội đình cũng là dịp nhà nhà nấu xôi, gói bánh ít, bánh tét, làm gà, làm vịt, heo sắp lễ dâng cúng tổ tiên, thần Hoàng, cầu mong gia đình hòa thuận, con cháu hiếu thảo, tấn tài, tấn lộc.
Hội đình vì ý nghĩa đó mà được truyền từ đời này sang đời khác, coi như một góc tâm hồn để hàng năm mọi người cùng hướng về nguồn cội, tỏ lòng tri ân các bậc tiền hiền và nhắc nhớ nhau gìn giữ những giá trị truyền thống của tinh thần đoàn kết, hiếu nghĩa, thủy chung với con người và vùng đất phương Nam.
Vùng quê ngoại thành Hóc Môn xưa, nay đã thành vùng đô thị hóa với phố xá khang trang, nhà cửa san sát và cánh đồng ấp Đông trước mái đình Thới Tam Thôn đã thành khu dân cư đông đúc. Ngôi đình xưa vẫn còn đó nhưng khung cảnh và không khí của những ngày hội đình Khai Sơn, Tam Nguyên, Kỳ Yên đã trở về với ký ức của mỗi người nơi đây.
(Theo SGGP)