Nhà thơ Vũ Tường Vi - Sóng lòng vỗ mãi không thôi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/4/2022 | 7:41:28 AM

YênBái - Là con gái xứ Thanh, theo chồng lên Yên Bái lập nghiệp, Vũ Tường Vi công tác ở Hội Nhà báo tỉnh. Cùng với làm báo, hồn thơ nhen nhúm trong chị từ “Gạn trong võng nhạc ầu ơ/ Gói trong lúc tập làm thơ ru mình”..., để đến bây giờ đã có hai tập thơ trình làng: “Lặng lẽ mùa thu” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2015 và “Bóng thời gian” năm 2021.

Tường Vi và những trăn trở, bộn bề cảm xúc.
Tường Vi và những trăn trở, bộn bề cảm xúc.

Xuyên suốt trong thơ của cây bút nữ là tình cảm sâu nặng với quê hương, gia đình, bạn bè, người thương, mở rộng đến suy ngẫm về thơ và những vấn đề xã hội. Có thể nói, nghề nghiệp đã giúp chị có cái nhìn tinh nhạy trước bao sự kiện của cuộc sống, của tình người để cất lên tiếng lòng ấm áp sẻ chia, đau đáu chờ mong và thắp lên khát khao hội ngộ. 

Như nhiều người cầm bút làm thơ, tiếng nói đầu tiên hầu hướng về quê hương với bao kỷ niệm thuở thiếu thời đến khi mình cất bước xa nơi sinh thành lập nghiệp. Với Tường Vi, quê mẹ xứ Thanh đẹp như tranh "núi biếc sông xanh biển mát lành”, nhất là cội nguồn Xóm Năm chôn rau cắt rốn có bãi mía, nương dâu, bến sông, cây cầu…. 

Đó là "hồn quê rơm rạ - Hành trang cuộc đời”, để: "Nhớ quê năm tháng đi tìm/ Thơm chùm khế ngọt trong tim cội nguồn” (Quê mẹ). Khi lấy chồng "một chốn đôi quê” thì vùng quê chiêm trũng Tiên Lữ - Hưng Yên luôn là hình ảnh khó phai mỗi lần về thăm với "nét quê chợ chiều” và ẩm thực làng thấm vị ca dao "Hương canh cua đồng riêu cá/ Hương nhãn lồng nghĩa cả/ Quê chồng tình bao la(Quê chồng). Tình quê hương cũng là tiền đề mở rộng đến quê mới Yên Bái, Văn Yên: "Về bên anh vui mối tình đầu/ Thơm hương quế tinh dầu vụ tới/ Chè thêm đậm hẹn hò mùa cưới/ Lúa thêm xanh, phơi phới mùa vàng” (Bâng khuâng). 

Yêu quê, tình cảm của chị còn hướng tới những người anh, người chị cùng các cháu đôi bên nội ngoại. Và càng nặng tình với đấng sinh thành vất vả nuôi nấng đàn con. Thế nên mùa vu lan lại bâng khuâng nhớ: "Lẫn trong gió bụi cuộc đời/ Kiệt dòng sữa mẹ lần hồi nuôi con/ Liêu xiêu rạc bước héo hon/ Tàn canh gió lạnh không tròn giấc cha” (Vu lan). 

Song, sâu nặng vẫn là người mẹ, có đến chục bài thơ viết về mẫu tử tình thâm: "Mẹ”, "Con về thăm mẹ”, "Mẹ đi”, "Tiếng ru lòng mẹ”… Hình ảnh mẹ trong thơ Tường Vi thật chân quê, hội đủ đức tính yêu chồng thương con, chịu thương chịu khó "Lặn lội thân cò khoác cả cơn mưa”. Mẹ đã đi xa mà tình mẹ còn mãi, vẫn là chỗ dựa tinh thần cho những đứa con:

Mãi là bé bỏng chúng con
Ru mòn cánh võng lon ton ngày nào
Đường đời hỏi khúc chênh chao
Vững lòng có mẹ, không sao mẹ à!
                                 (Có mẹ)

Với gia đình riêng, Tường Vi luôn xác định đó là nơi "Đong đầy yêu thương” và thiên chức của người vợ, người mẹ phải vun vén, xây dựng cho "mái ấm ngôi nhà” của mình "Một nếp nhà đơn sơ/ Một tấm lòng rộng mở/ Bao dung và nhân hậu/ Nơi bến đỗ bình yên” (Đong đầy yêu thương)

Tác giả đã có những vần thơ chan chứa yêu thương dành cho con: "Trong mắt mẹ con mãi là đứa trẻ/ Vẫn dại khờ trong tiếng ầu ơ”..., hay cho cháu: "Bà yêu bà quý như quà trời ban”. 

Đặc biệt, với người bạn đời đầu gối tay ấp gắn bó suốt bao năm, nay chẳng may gặp cơn trọng bệnh. Trong gian nan ấy vẫn "Nén lòng cơn quằn quại”, tận tình chăm sóc và chỉ một ước muốn: "Em luôn kề bên anh/ Ru giấc ngủ không thành/ Chập chờn quanh giường bệnh/ Ngọn lửa hồng mong manh” (Ước).


Hai tập thơ"Lặng lẽ mùa thu” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2015 và "Bóng thời gian” năm 2021 của tác giả Tường Vy được nhiều người yêu thơ đón nhận như một món quà tinh thần lớn.

Ở cái tuổi "Vào thu”, khi "Búi tóc phai, vai mòn mưa nắng/ Nhấn giọt buồn sâu lắng trong tim”, con người dường như chín chắn hơn trong suy nghĩ, sâu lắng hơn trong tình cảm. Cây bút Tường Vi cũng vậy, những tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố… đã được sàng lọc và mặc định: "Bớt oán hận trong ta/ Vun cao mầm nhân ái/ Lòng ung dung tự tại/ Ngắm hoa và làm thơ” (Bớt). Ấy là lúc bản ngã đầy nữ tính được khẳng định: "Trái tim nhân hậu sáng trong/ Tình, tiền đừng trộn xiết vòng oán ân” (Ước vọng). Và cái "Bóng thời gian”, "Bụi thời gian”, "Nấc thời gian”, "Đường xưa”… ám ảnh cứ gợi nhớ về thời con gái mộng mơ với bao kỷ niệm êm đềm của tình yêu sáng trong ban đầu:

Sóng lòng vỗ mãi không thôi
Trắng đêm lăn lóc một thời yêu thương 
                                (Thời gian)
Hương tình tím cả bến mê
Thỏa miền say đắm lời thề mùa yêu 
                                        (Valentine) 

Yêu thơ song Tường Vi đến với thơ và thực sự chuyên chú cho thơ khá muộn. Tuy vậy, cái tình dành cho thơ đã bù đắp khoảng thời gian thiếu hụt để có kết quả hôm nay: "Yêu thơ đâu dám cạn tình/ Đã yêu, yêu đến hết mình mới thôi” (Thơ). 

Thơ chị chủ yếu tôn trọng những thể loại truyền thống, thi liệu là những gì quen thuộc của cuộc sống mà mình đã thấy, đã trải nghiệm. Nhưng tình yêu thơ và kinh nghiệm sống giúp ngòi bút vượt qua yêu cầu cách tân hình thức để cũng có sáng tạo của riêng mình. 

Thật thú vị khi đọc những câu thơ giàu tính phát hiện rất riêng: "Hoa cải quên vàng trốn lạnh mùa đông”; "Bóng mẹ bước trên đường/ Gùi ban mai lên rẫy”; hoặc chiêm ngưỡng bức tranh đồng quê, chợ vùng cao qua thứ ngôn ngữ giàu nhạc tính: "Bát rượu đầy ngấm vui/ Nhuộm tím chiều Bản Phố / Khói thơm nồi thắng cố/ Hẹn hò chợ xuân sau” (Hội xuân vùng cao)

Từ "Lặng lẽ mùa thu” đến "Bóng thời gian”, chặng dài dăm năm đủ thấy tác giả chắc tay hơn trong bút pháp. Đã bớt đi loại thơ ngâm vịnh, đề tặng, để tập trung cho cảm xúc, suy tư giàu chất trí tuệ. Những bài thơ "Khát”, "Bớt”, "Lạc bước”, "Lục bát lời ru”, "Bóng thời gian”…, cái tôi cá nhân được đẩy lên mang tính phổ quát. Riêng với thể thơ lục bát quen thuộc đến "nhàm chán”, nếu người viết chẳng vững tay thì ở Tường Vi sự dụng công khiến câu thơ giữ được vẻ mượt vốn có mà còn gợi triết lý sâu xa về cõi nhân sinh:

Còn đây câu sáu lẻ đôi 
Đi tìm câu tám cuối trời chung chiêng
                                          (Lục bát làm thơ)

Nghĩ về thơ, người phụ nữ làm thơ này viết: "Chở che ngọn bút phôi pha/ Nỗi niềm câu chữ xót xa kiếp người/ Bồn chồn thao thức đầy vơi/ Thả thơ theo gió bồi hồi khói mây”.

Rõ ràng ý thức trách nhiệm về những gì mình viết ra phải hướng tới đời sống con người, khơi gợi những cảm xúc thẩm mỹ cao đẹp. Và khi "Sóng lòng vỗ mãi không thôi” thì nhà thơ sẽ vượt qua khó khăn, tuổi tác để cánh thơ luôn bay bổng "theo gió bồi hồi khói mây”.

Thế Quynh

Tags Nhà thơ Vũ Tường Vi Bóng thời gian chùm thơ Yên Bái

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (thứ 4 bên phải) và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan thực hiện nghi thức khai mạc Triển lãm thực tế ảo với chủ đề “Tự hào một dải biên cương”

Sáng 31/3, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông và Truyền thông, Bộ VHTT&DL… tổ chức khai mạc Triển lãm thực tế ảo với chủ đề “Tự hào một dải biên cương” đồng thời phát động Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia lần thứ 2 với chủ đề này.

Sáng 31/3, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức Lễ phát động Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2022).

Chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao phục vụ lễ hội Đền Hùng vào tối 9/3 âm lịch… (Trong ảnh: Bắn pháo hoa dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021 tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ).

Đến nay công tác chuẩn bị Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022 đã cơ bản hoàn tất. Điểm nổi bật của năm nay là nhiều hoạt động gắn với kỷ niệm 10 năm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO ghi danh.

Thông tin chương trình Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu 2022 (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)

"Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu 2022 - Lễ giỗ Tổ linh thiêng và Vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu" sẽ diễn ra vào ngày 10/4, bằng hình thức kết nối trực tuyến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục