Nếu như ở "Mùa xa”, hình ảnh người phụ nữ trở thành chủ đạo nhận được bao cảm thông của tác giả thì ở tập truyện này vẫn được quan tâm miêu tả như gam màu chính của bức tranh tổng thể. Họ thuộc nhiều thành phần xã hội: nông dân, trí thức, doanh nhân với đủ các thế hệ già có, trẻ có và sinh sống ở mọi nơi từ miền núi, đồng bằng đến chốn thị thành. Bản tính yêu chồng, thương con, thương người như thể thương thân đã trở thành căn cốt lưu truyền từ bà sang cháu, từ mẹ sang con.
Thật cảm động khi ta chứng kiến tình cảm sâu nặng, đức hy sinh của những người bước sang tuổi xưa nay hiếm. Một cặp vợ chồng già (Đôi dép) thương nhau rất mực, biết chiều nhau từ bữa ăn, chậu nước tắm đến sở thích nhỏ nhất là đôi dép "giống y chang đôi dép thời còn trẻ mà bà vẫn thường ao ước”... Không những thế còn hiếu thuận với bố mẹ chồng, chan hòa với hàng xóm để "Mọi điều lành trong nhà cũng theo ông mà rủ nhau tìm đến”. Chính cách sống của họ là bài học quý có tác dụng giáo dục con cái biết thương yêu, đùm bọc nhau. Có những người số phận không được may mắn nhưng phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ vẫn là nét đặc trưng ở họ.
Bà vợ trong "Cái nợ nhà chồng” có đức lang quân do bất mãn với đời, với người mà trở thành đệ tử của thần lưu linh. Cắn răng, có lúc sự chịu đựng vượt ngưỡng đã phải thốt lên "Trời đất ơi, sao số tôi lại khổ thế này. Sao ông không chết đi để mẹ con tôi được nhờ”. Nhưng khi ông chồng chẳng may mất vì ngộ sát trong một cơn say, "... ai cũng nghĩ cuộc đời bà từ nay sẽ phần nào thanh thản, đỡ vất vả đi ít nhiều” thì ngược lại bà "lầm lũi và khắc khổ hơn trước”. Bởi vì, "Với mọi người, ông chỉ là cái gai nhổ sớm được ngày nào tốt ngày ấy, nhưng với bà ông lại là một cái gai mà không có gì có thể thay thế được…”.
Đối tượng được nhắc đến nhiều và dễ gây ấn tượng là lớp người trẻ cùng trang lứa với tác giả. Đặc điểm chung của lớp người này là khát khao yêu thương và luôn hướng tới một tình yêu đích thực. Ai đã từng yêu và được yêu mới thông cảm với nỗi buồn, cảm giác cô đơn khi đêm xuống của những cô giáo cắm bản như Mai, Hiền (Sương núi) hay sự giận hờn do ngộ nhận bị bội bạc của Di (Tiếng đêm).
Cám dỗ vật chất cùng sở thích phụ nữ vẫn được coi là nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc, song cây bút Nguyễn Thị Ngọc Yến không nặng miêu tả mà tập trung làm rõ khát vọng yêu thương cùng vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.
Cô Diễm (Café tím) từng cặp bồ với đại gia, lấy chồng như một nghĩa vụ trả ơn vẫn nhận ra tình yêu chân thật nơi Bảo. Rồi đó là Mi (Đóa mi trắng), My (Bóng hạnh phúc), Ái Thy (Vũ điệu Kaoshikii). Mỗi người mỗi cuộc sống riêng song đều rơi vào éo le. Nếu không gặp những ông chồng ghen tuông, gia trưởng, cặm cụi kiếm tiền mà quên lãng nghĩa vụ gia đình thì cũng lại thiếu niềm tin, coi vợ "như một thứ trang sức di động và quan trọng là biết đẻ cho Quốc một cậu con trai”.
Trong hoàn cảnh đó người phụ nữ sớm ý thức được hạnh phúc với họ chỉ như một cái bóng "Càng sống với Huấn, My càng hiểu rằng tiền không phải là tất cả, bản thân cô còn khao khát quá nhiều thứ và điều mà My cần ngoài một gia đình đúng nghĩa còn là sự cảm thông và chia sẻ đến tận cùng” (Bóng hạnh phúc). Và "Cô không thể tiếp tục cuộc sống hôn nhân mà chỉ mình cô hết lòng, còn người đàn ông của cô chỉ xem cô như một phép toán trong cuộc đời” (Đóa mi trắng).
Kết cục tất yếu là chia tay hoặc lại có chuyện ngoại tình, tổ ấm gia đình tan vỡ. Bởi, cảm thương sâu sắc với những phận người mà ta luôn thấy cây bút Nguyễn Thị Ngọc Yến thường kết thúc truyện bằng nhãn quan tươi sáng: Người dì (Mùa xa) dù là nạn nhân của thói bạo hành vẫn khước từ tình cảm của Nam để quay về với người chồng vũ phu, hay ghen tuông vì ước muốn của bé Na "Gia đình mình mãi hạnh phúc”. My quay lại với Huấn (Bóng hạnh phúc), Mi tìm thấy niềm tin nơi đứa con chồng (Đóa mi trắng), Di nhận ra tình yêu nơi Phúc (Tiếng đêm)…
Cũng có bi kịch nhưng là bi kịch lạc quan như trường hợp Ái Thy (Vũ điệu Kaoshikii), vì sau đổ vỡ là sự sám hối để hướng thiện "Thy phải trả giá cho tất cả những sai lầm và ích kỷ. Thy phải tự gỡ bỏ cho mình những dằn vặt, đau khổ. Thy phải sống như bao người bình thường khác, phải có ngày có đêm. Thy phải là một người mẹ thực sự, biết hy sinh và dám thay đổi”.
Đẹp và trong sáng khi tác giả đưa người đọc về với tình người nơi non cao, thôn ổ. Phải chăng chốn này còn ít chịu tác động của mặt trái kinh tế thị trường, là căn cứ vững chắc của những giá trị đạo đức truyền thống đang có nguy cơ băng hoại. Một cô Mây (Khói xanh) tận tình chăm sóc người chồng mới cưới sống thực vật sau tai nạn, không nỡ bỏ đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Rồi Pùa (Vách gỗ) theo tiếng Tày là "nâng đỡ” thực sự bộc lộ bản chất như tên gọi. Cô nêu tấm gương hy sinh vì hạnh phúc người khác: về làm vợ hờ Nhếnh bởi thương Nín, muốn giúp cho họ có đứa con nối dõi dù chịu nỗi bẽ bàng; lặn lội lên núi cao hái cây lá cùng lấy chính ngón tay út của mình đốt thành tro làm thang thuốc chữa vô sinh. Họ - nhân vật phụ nữ trong truyện đã làm cho "Cả một vùng trời yêu thương đang hiện ra trước mắt”. Những người đàn ông trong "Vách gỗ” cũng được tác giả miêu tả tương đối kỹ như một tương phản tôn vẻ đẹp nữ tính.
Đọc truyện ta thấy được phần nào cách nhìn, đánh giá họ qua trải nghiệm cuộc sống của Nguyễn Thị Ngọc Yến. Có đủ loại người: lọc lừa, toan tính như Phong, Vỹ; độc đoán, gia trưởng như Hưng; ham kiếm tiền mà quên bổn phận làm chồng như Huấn, Quốc; tràn đầy yêu thương như ông Thành, Phúc, Nín, Tráng, Chu, Khởi, Nam, Bảo… Xuất hiện ở đây, họ là nguyên nhân của khổ đau; là ân nhân và còn là đấng mày râu biết trân quý tình yêu cùng cái đẹp. Và vô cùng cảm phục những người chồng, người bạn, người yêu biết dành cho "phái yếu” sự bao dung, tôn trọng.
Giữa bao "cạm bẫy người” giăng ra với giới nữ thì việc tôn trọng tình cảm, không lợi dụng để thỏa mãn khát khao thể xác của Bảo (Café tím) hay Tráng (Khói xanh) là điển hình hiếm. Bên cạnh Hưng (Đóa mi trắng), Huấn (Bóng hạnh phúc), Quốc (Vũ điệu Kaoshikii)… muốn vợ chồng "gắn bó với nhau bởi một sự ràng buộc” vô tình biến người phụ nữ thành kẻ phụ thuộc thì còn có nhiều bậc nam tử biết tôn trọng mà góp phần nâng cao phẩm giá con người. Từ lớp người già như ông Thành (Đôi dép) thương yêu, chăm sóc vợ hết mực đến Nhếnh (Vách gỗ) không vì lời nguyền gia tộc mà phụ bạc bạn trăm năm; Khởi (Khói xanh) dù xót xa cho thân phận mình vẫn "không được phép để cho Mây khổ, cô ấy đã đau khổ quá nhiều. Khởi phải tìm cho Mây một chỗ dựa vững chắc”; hay Phúc (Tiếng đêm) bị người yêu hiểu lầm khi đi làm nhiệm vụ mật của ngành công an nhưng luôn chỉ có một câu duy nhất "Em không thể ngăn anh đừng yêu em”.
Tình thương yêu là những giá trị gốc rễ của con người - giá trị nhân bản. Bấy naу nó đang bị lớp bụi của tham ѕân ѕi, của bon chen, tranh quуền đoạt lợi che phủ. Lớp bụi ngàу một dàу lên khiến nhiều lúc chúng ta quên mất những điều tốt đẹp đó vẫn hiện hữu trong mình. Chỉ khi lớp bụi được phủi đi, những giá trị nhân bản đó mới lại được khơi dậу.
"Văn học là nhân học”, bằng việc xây dựng hình tượng nghệ thuật sẽ góp phần hoàn thành sứ mạng đó. Và những truyện ngắn của cây bút Nguyễn Thị Ngọc Yến đang là một đóng góp.
Thế Quynh