Cặm cụi, ghi chép những số liệu, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Giám đốc Bảo tàng cổ vật Đông Sơn như chạm đúng mạch nguồn cảm hứng khi chúng tôi xin được tìm hiểu về những trống đồng cổ đang được trưng bày ở đây.
Bà Hiền cho biết: Bảo tàng cổ vật Đông Sơn được phép hoạt động từ tháng 5/2021. Nổi bật nhất trong trưng bày cổ vật nơi đây chính là bộ sưu tập trống đồng với hơn 100 chiếc, trong đó có 12 trống Đông Sơn - Loại I Heger (HI), 16 trống Mường - Loại II Heger (HII); 2 trống loại III - trống Shan (HIII); 74 trống minh khí văn hoá Đông Sơn; 2 trống đồng sản phẩm nghề truyền thống.
Để có được bộ sưu tập trên, số lượng trống đồng đã được sưu tầm qua các hình thức như khai quật, người dân phát hiện, mua lại của các nhà sưu tập tư nhân và hiến tặng của cá nhân, tổ chức, bà Hiền cho biết.
Theo các nhà nghiên cứu khoa học, trống HI có cách đây khoảng hơn 2.000 năm; trống loại HII có cách đây khoảng từ 500-700 năm; còn trống loại III thì ra đời khoảng thế kỷ 14-15. Theo tư liệu, năm 1924, với cuộc khai quật khảo cổ học ở di tích Đông Sơn, Thanh Hoá, lần đầu tiên trống HI được biết đến qua một cuộc khai quật với mục đích nghiên cứu khoa học.
Cũng từ những cuộc khai quật di tích Đông Sơn ở những thập niên đầu của thế kỷ XX, nền văn hoá Đông Sơn đã được xác lập. HI luôn được gắn với nền văn hoá Đông Sơn, do đó các nhà khoa học gọi HI là trống Đông Sơn.
Sau đó, trống Đông Sơn, HII, HIII được tìm thấy ở nhiều địa phương ở Thanh Hoá từ các huyện miền núi, trung du đồng bằng đến các huyện ven biển như: Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, Hoằng Hoá, Thiệu Hoá, Đông Sơn…
Bà Hiền chia sẻ, hiện nay, đơn vị đang bảo quản trống đồng cổ và hiện vật ở đây bằng phương pháp thủ công truyền thống. Đối với cá nhân, tổ chức sưu tầm thì mỗi chiếc trống tìm được đều mang theo một câu chuyện buồn, vui lẫn lộn. Và sau mỗi câu chuyện ấy, hơn tất cả là những giá trị về lịch sử, văn hoá, tinh thần đời sống của người Việt ở mỗi giai đoạn được nghiên cứu.
Từ cách thức tìm thấy trống đồng, các nghiên cứu cho rằng người Việt cổ ở Thanh Hoá chôn trống là để chia của cho người đã khuất như một đồ tuỳ táng hoặc có thể dùng trống là quan tài để chôn xương cốt người chết. Ngoài ra, cũng có thể trống đồng được chôn xuống do tín ngưỡng, phong tục của người Mường thường đánh trống trong những dịp có sự kiện của bản, của đời người như lễ hội, tang ma…
Trên mỗi chiếc trống Đông Sơn được tìm thấy, những hoa văn, tạo hình như chim, nhà sàn, cóc…thể hiện đời sống của người dân trước đây là những cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Cụ thể như, hình tượng chim cũng được cư dân nông nghiệp coi là linh vật quan trọng, vì thế mà dường như trống nào cũng được trang trí ở những vị trí quan trọng. Cùng với chim là hình tượng mặt trời thể hiện tục thờ mặt trời của người dân vùng nông nghiệp.
Trong khi đó, trống Mường (HII) được tìm thấy nhiều khu vực người Mường sinh sống ở Thanh Hoá. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trống Mường gắn bó với đời sống của người Mường xưa và nay…
Nghệ nhân đúc đồng Lê Văn Bảy, làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá cho biết: Ngày nay, tiếp nối truyền thống cha ông, những chiếc trống đồng mới được ra đời. Không chỉ đúc trống đồng tại làng nghề, các nghệ nhân Thanh Hoá đã đến nhiều nơi, tham gia nhiều sự kiện để đúc trống bằng phương pháp thủ công.
Những chiếc trống đồng nhỏ, lớn làm đồ trang trí, lưu niệm không chỉ nhiều người trong nước biết đến mà đã thành sản phẩm xuất khẩu cho nhiều nước khác trên thế giới.
Ngoài trưng bày hơn 100 trống đồng, Bảo tàng cổ vật Đông Sơn còn trưng bày hơn 1.000 hiện vật khác, phần lớn là đồ đồng Đông Sơn, còn lại là đồ đồng thời phong kiến và sản phẩm nghề truyền thống đúc đồng…
Cụ thể như các nhóm hiện vật: Công cụ lao động (lưỡi cày, lưỡi rìu, lưỡi câu, chì lưới); vũ khí (giáo, mũi tên, dao găm…); đồ dùng sinh hoạt (thạp, bình, nồi, âu…); nhạc khí (thanh la, chuông); đồ trang sức và nghệ thuật (vòng tay, vòng chân, hạt chuỗi…)…
Các hiện vật thể hiện giá trị lịch sử, đời sống, văn hoá của người Việt xưa. Những nghiên cứu về giá trị của trống đồng cổ, hiện vật cổ chưa dừng lại. Lưu giữ, bảo quản những trống đồng cổ, hiện vật cổ tại Bảo tàng cổ vật Đông Sơn không chỉ còn là đam mê, mà như là trách nhiệm với tiền nhân, lịch sử.
(Theo TP)