Đây là giải thưởng thường niên, phát động từ năm 2020, nhằm tìm kiếm và tôn vinh các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc "của thiếu nhi", hoặc "vì thiếu nhi". Năm nay, giải thưởng đã thu hút 89 tác phẩm/chùm tác phẩm dự thi với 60 bản thảo và 29 tác phẩm đã công bố hoặc xuất bản trong thời gian từ quý II-2021 đến tháng 5-2022. Trong đó, có 9 chùm thơ, tập thơ hoặc series thơ nhiều tập; 19 phim hoặc series phim hoạt hình; còn lại là các tập truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết... So với mùa giải lần 1 năm 2020 và lần 2 năm 2021, số lượng các tác phẩm dự thi ít hơn, nhưng vẫn phong phú về thể loại.
Bên cạnh những tác giả đã thành danh, ở mùa giải năm nay, đáng chú ý là một số tác phẩm do các em thiếu nhi chỉ mới 9-12 tuổi sáng tác. Không chỉ là thơ, truyện ngắn, có em còn tham gia trong vai trò là họa sĩ minh họa hoặc dịch thuật cho các cuốn sách tranh; có em viết tiểu thuyết giả tưởng dài 3 tập, dày hàng trăm trang; có em còn viết truyện dài trực tiếp bằng tiếng Anh sau đó tự dịch ra tiếng Việt để in sách song ngữ Việt - Anh… Giải thưởng cũng thu hút các tác phẩm của tác giả Việt kiều, hoặc các tác giả, họa sĩ người nước ngoài có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và sáng tác hướng tới đối tượng là thiếu nhi Việt Nam.
Sau 2 vòng chấm chọn (vòng loại và vòng chấm điểm), Ban sơ khảo gồm 9 thành viên đã chọn 11 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, trong đó có 5 truyện dài, 1 chùm truyện ngắn, 1 bộ thơ 5 tập, 1 truyện tranh và 3 sách tranh.
Nhìn vào danh sách các tác phẩm lọt vào chung khảo, có thể thấy văn học, mà cụ thể là văn xuôi chiếm đa số, gồm có: "Biệt đội thám tử" và "Emma thảm họa" của tác giả Quyên Gavoye - Việt kiều tại Pháp; "Cá Linh đi học” của tác giả Lê Quang Trạng; "Chiếc dép thất lạc” của tác giả Geralda De Vos (Bỉ) và họa sĩ Sofia Holt (Thụy Điển), dịch giả Kim Ngọc; "Cơ bản là cơ bản” của tác giả Phạm Huy Thông; "Đu đưa trên ngọn cây bàng” của tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy…
Chủ đề Covid-19 rất tự nhiên đi vào 2 tác phẩm lọt vòng chung khảo là "Covid trong mắt trẻ thơ” (7 tập) và "Trường học chẳng có gì vui?”. Vượt lên trên những thông tin thời sự, giờ đây khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, những tháng ngày giãn cách đã dần đi vào hoài niệm, nhưng 2 tác phẩm trên vẫn lắng đọng lại những câu chuyện nhân sinh muôn thuở.
Về thơ, lọt vào chung khảo chỉ duy nhất có bộ thơ 5 tập "Dắt mẹ đi chơi” của tác giả Mai Quyên khá trong trẻo, nhiều bài hay và có chiều sâu, gợi thông điệp về sự gắn kết, yêu thương, giáo dục trẻ thơ về tình yêu ông bà, cha mẹ, quê hương…
Từ 11 tác phẩm này, Hội đồng chung khảo sẽ khởi động quá trình chấm qua 2 vòng độc lập trong thời gian từ nay đến ngày 31-5-2022 để chọn Giải thưởng lớn mang tên "Hiệp sĩ Dế Mèn" (Cricket Knight) và một số giải "Khát vọng Dế Mèn" (Cricket Desire).
Dự kiến Lễ trao giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022 sẽ diễn ra vào tối 31-5 tới tại Hà Nội. Trong khuôn khổ của lễ trao giải, Báo Thể thao và Văn hóa sẽ tiến hành đấu giá nghệ thuật "Vì mái trường cho em” nhằm gây quỹ để hoàn thiện cơ sở vật chất cho một số trường, điểm trường ở vùng sâu, vùng xa.
(Theo HNMO)