Ngoài gần 20 lần triển lãm nhóm, đây là triển lãm cá nhân lần thứ 3 của Trần Vĩnh Thịnh, hai lần đầu diễn ra năm 1998 tại Nha Trang và tại Đà Nẵng.
Đầu tiên, xét về bảng màu, Từ trong vô tận là cuộc chuyển đổi mạnh mẽ từ vàng-đen sang xanh-đen-trắng. Với tranh trừu tượng, bảng màu chiếm yếu tố quan trọng, nó không chỉ là tín hiệu cho bề mặt thị giác, mà còn là chìa khóa của nhận thức, của quan niệm, của cách thế nhìn.
Trần Vĩnh Thịnh sinh ra tại Thuận An, đến năm 14 tuổi thì vào chùa, sau gần 10 năm thì xin trở ra, lang bạt kỳ hồ, trước khi tốt nghiệp Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Khánh Hòa. Quê xứ Thừa Thiên-Huế, nơi còn nhiều gốc tích cung đình và những năm tháng ở chùa đã để lại dấu ấn không nhỏ trong bảng màu vàng-đen, vốn làm nên phong cách trừu tượng và một phần sức hút của tranh Trần Vĩnh Thịnh.
Khi chuyển sang xanh-đen-trắng, Trần Vĩnh Thịnh tự do hơn, trần thế hơn và buông lỏng hơn, vài bức phảng phất chất thư pháp bị xóa nhòa.
Tuy Từ trong vô tận được sáng tác trong một thời gian ngắn, chỉ vài tháng của năm 2022, nhưng lại là kết quả của sự chiêm nghiệm trong rất nhiều năm, nhất là ký ức về giai đoạn lưu lạc khắp miền Trung trước đây. Trần Vĩnh Thịnh nói rằng các con đường miền Trung thời tuổi trẻ là chủ đề và ý niệm chính của Từ trong vô tận.
Hơn nữa, ở độ tuổi U50 và độ chín trong kỹ thuật trừu tượng, Trần Vĩnh Thịnh không chỉ thong dong hơn, mà còn sâu lắng hơn, thi vị hơn với Từ trong vô tận.
Việt Nam ngày nay có nhiều họa sĩ vẽ trừu tượng, nhưng theo đuổi trừu tượng liên tục vài chục năm, hoặc gần như suốt đời, thì vẫn là số ít. Trần Vĩnh Thịnh là một trong số ít đó. Nhìn vào những số ít này, thấy thật lý thú, vì từ con đường chung, mỗi người đang dần dà đi vào con đường riêng của mình. "Con đường vô hạn, khách Đông Tây” - Tản Đà.
Xét về con đường học vấn, Thịnh nói rằng bản thân không giỏi, kể cả không thuận lợi. Việc vẽ cũng vậy, nhiều lận đận. Nhưng ngay từ những ngày đầu bước vào con đường hội họa anh đã thích trừu tượng, nên cứ tự tìm tòi.
Thời trước khi Internet phổ biến tại Việt Nam, điều kiện tiếp cận trừu tượng của Thịnh còn hạn hẹp, thỉnh thoảng biết chút ít qua sách báo có được. Có lẽ vì vậy mà trừu tượng thời kỳ này chịu ảnh hưởng của Trịnh Cung, Nguyễn Cầm, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Trung, Đỗ Minh Tâm, Phạm An Hải... Trừu tượng sau này của Thịnh đã phong phú và cởi mở hơn, nhiều nỗ lực vượt thoát hơn. Và cũng bắt đầu tự tại hơn.
Thịnh nói: "Sau này vẽ hoàn toàn tranh trừu tượng, tôi cũng nghĩ rất nhiều và luôn muốn tìm kiếm, khai thác vấn đề sâu hơn cho mỗi tác phẩm. Nhưng càng nghĩ tôi càng thấy mọi thứ thật gần mà cũng thật xa, vì vậy tôi không còn nghĩ vẽ gì và vẽ như thế nào nữa. Và dĩ nhiên, tôi luôn muốn đến được sự tối giản, rỗng lặng nhất”.
"Đến được sự tối giản, rỗng lặng nhất” trong trừu tượng không hề đơn giản, vì vậy mà con đường của Thịnh hãy còn dài. Nhưng ở khía cạnh sáng tạo, sự thách thức mới là chất kích thích để dấn bước, để đi dài lâu hơn.
Chân dung họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh.
Tranh trừu tượng tại Việt Nam manh nha từ giữa thập niên 1950 ở Sài Gòn, với các tranh thuộc giai đoạn chuyển biến từ kỷ hà/ký hiệu sang bán trừu tượng của Tạ Tỵ.
Rồi sau đó là tranh trừu tượng của Nguyên Khai và của một số thành viên khác thuộc Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam (ở Sài Gòn) trong các thập niên 1960-1970.
Rồi bẵng đi gần 20 năm sau đó, với ý thức hệ câu nệ hiện thực, trừu tượng gần như vắng bóng chính thức ở Việt Nam. Các tên tuổi lớn như Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái và một số người khác vẫn âm thầm thực hành trừu tượng, nhằm nghiên cứu nhận thức và triết lý, nhưng gần như "hoạt động kín”, chứ ít khi được bày biện công khai.
Đến đầu thập niên 1990, từ Nguyễn Cầm (Paris) và Nguyễn Trung (Sài Gòn), trừu tượng mới làm cuộc trở lại, xuất hiện thêm một số tên tuổi đáng nhớ khác. Chừng vài năm sau đó, ở độ tuổi ngoài 20, Trần Vĩnh Thịnh đã mày mò vẽ trừu tượng.
Ngay khi còn đi học mỹ thuật, việc vẽ trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh vừa nhận về những ngạc nhiên, vừa nhận về cả thị phi. Những năm cuối thế kỷ 20, ở Nha Trang và miền Trung, mà theo đuổi trừu tượng, thì thường bị cho là "không biết vẽ nên mới quậy bậy”.
Vượt qua sự thị phi và cả sự ngạc nhiên đó, Trần Vĩnh Thịnh cứ nhẩn nha đi với trừu tượng cho đến ngày nay. Và triển lãm cá nhân Từ trong vô tận là một ví dụ thú vị cho hành trình phiêu du và kiên định của Trần Vĩnh Thịnh.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận xét: "Đến với hội họa trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh là đến với những chuyển động không ngừng. Xem tranh của anh, tôi tìm thấy "mouvements”, nghĩa là những nét cọ mạnh mẽ và phóng khoáng dẫn lối đưa đường chúng ta đi về điểm vô tận, không có chỗ dừng lại”.
Họa sĩ Phan Thiết cho rằng: "Trần Vĩnh Thịnh, người con xứ Huế, có số phận tuổi thơ thấm đẫm Phật giáo, nên khi trở thành hoạ sĩ, tranh anh cũng từng thấm đẫm sắc vàng... Màu vàng ấy là chặng đường "sắc nhiễm”, là lý trí tu tập của anh. Và nay tranh trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh "vượt thoát” ám ảnh số phận để tâm thức Thịnh, tâm tình Thịnh… khởi cuộc riêng từ "từ trong vô tận” bước ra vô tận bên ngoài của hành trình hội họa ngày càng riêng tư hơn…”.
(Theo nguoidothi)