Sân khấu truyền thống kết nối với du lịch: Cần cái “bắt tay” thật chặt

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/6/2022 | 3:11:32 PM

Đưa nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu truyền thống trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc là xu hướng và mục tiêu mà các đơn vị nghệ thuật cũng như ngành du lịch Việt Nam hướng đến.

Chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch của Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch của Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Hoạt động du lịch đang được kích cầu sau Covid-19 với hàng loạt tour phục vụ du khách trong và ngoài nước. Những tưởng đây sẽ là cơ hội "vàng” để tạo ra những sản phẩm đặc sắc phục vụ du lịch của nghệ thuật biểu diễn, thế nhưng tại cuộc Tọa đàm "Sân khấu truyền thống kết nối với du lịch” do CLB Nhà báo Sân khấu thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vừa tổ chức, với rất nhiều trăn trở, lãnh đạo các nhà hát sân khấu truyền thống chia sẻ rằng họ đã rất "cố gắng” bắt tay với ngành du lịch bằng nhiều hoạt động nhưng hiệu quả thì "chưa biết thế nào…!”.

Vẫn bị hờ hững...

Kể từ năm 2008 đến nay, Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo, nghệ sĩ của 12 nhà hát trực thuộc Bộ với các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn nhằm tạo cơ hội trong việc hợp tác để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, thu hút khán giả, đồng thời các công ty cũng rất cần sự hỗ trợ từ nhà hát để làm phong phú sản phẩm du lịch. Vậy mà đã 13 năm trôi qua, hai ngành này vẫn chưa thực sự có cái "bắt tay” chặt chẽ!

Theo Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn, có rất nhiều nguyên nhân khiến sự phối hợp này chưa đạt hiệu quả như mong muốn, trước hết là bởi cơ chế chính sách để tạo lực gắn kết chưa có. "Chúng ta chưa khuyến khích được các công ty du lịch và lữ hành khai thác sản phẩm của sân khấu truyền thống thành những sản phẩm du lịch. Nhiều năm nay, các doanh nghiệp chủ yếu chỉ khai thác và đưa vào các tour chương trình múa Rối nước”, ông Phạm Ngọc Tuấn nhận định.

Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Thanh Ngoan cũng cho rằng, mặc dù có sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL là ngành du lịch và nghệ thuật biểu diễn phải có sự kết nối, nhưng hiện nay vẫn chưa có tour du lịch nào có sự tham gia của nghệ thuật Chèo truyền thống. Cuối năm 2019, sau khi có cuộc tiếp xúc, xin ý kiến của các công ty lữ hành, Nhà hát Chèo Việt Nam đã xây dựng nhiều chương trình lớn, nhỏ, với độ dài từ 20 phút, 30 phút đến 60 phút để phục vụ từng đối tượng du khách. Tiếc rằng sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng thì đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ toàn bộ kế hoạch phối hợp, và giờ Nhà hát Chèo Việt Nam phải làm lại từ đầu.

Trong khi đó, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, chương trình phục vụ khách du lịch của Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng như của các nhà hát thuộc Bộ VHTTDL quản lý như Tuồng, Chèo, Cải lương... đều được làm rất kỹ lưỡng, công phu. Tuy nhiên, bản thân các nhà hát cùng phải thừa nhận là khâu quảng bá, truyền thông cho các sản phẩm nghệ thuật phục vụ du lịch đều đang rất có "vấn đề”, bởi lẽ khâu marketing còn thiếu và yếu.

Để có cơ sở vật chất đáp ứng mọi yếu tố, điều kiện biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp hiện cũng đang là điều quá "xa xỉ” khi mà hệ thống rạp hát xuống cấp trầm trọng, các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng lỗi thời… Nhiều nhà hát không có phòng thu, phòng ghi âm nên phải đi thuê bên ngoài. Thậm chí, Nhà hát Cải lương Việt Nam còn không có nhà hát riêng, điều kiện làm việc và tập luyện của cán bộ, nghệ sĩ còn đang gặp vô vàn khó khăn, nan giải, thử hỏi làm sao có được một lịch đỏ đèn cố định để phục vụ hoạt động du lịch?


 Cảnh trong chương trình "Trăng đất Việt”, một chương trình mới được xây dựng để phục vụ khách du lịch của Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Quảng bá nghệ thuật truyền thống phải là những thương hiệu "xịn”

Chủ trương phối hợp giữa nghệ thuật biểu diễn với ngành Du lịch của Bộ VHTTDL đã có, thế nhưng cái bắt tay thực sự bằng các hợp đồng ký kết hay mua bán các sản phẩm nghệ thuật để đưa vào tour... vẫn còn quá xa. Không thể giậm chân tại chỗ và chờ đợi, cùng chung nỗi niềm đau đáu đưa nghệ thuật tiếp cận gần hơn với khán giả, đặc biệt là giới thiệu nghệ thuật truyền thống với khách quốc tế, các nhà hát đã phải tự nghĩ "kế” để tiếp thị và đi tắt đón đầu bằng nhiều phương thức.

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn hào hứng chia sẻ về sức hút của Tuồng với du khách tại Phố đi bộ Hồ Gươm: "Nhà hát vẫn diễn vào tối thứ hai, thứ năm. Chúng tôi đã kết nối với Ban quản lý phố cổ và Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm để biểu diễn cho du khách. Họ cũng nhận thấy đây là một sản phẩm tốt cho du lịch, nên hết dịch là bắt tay với chúng tôi ngay”. Nhưng cái bắt tay này vẫn chưa hẳn là ra tiền, ra các tour đi xem nghệ thuật Tuồng cho Nhà hát. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam hiện vẫn phải bươn chải để mưu sinh, chưa thể làm được sản phẩm phục vụ du lịch. Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên cho biết, họ cũng kết hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam để ra những vở Cải lương - Xiếc với cách thể hiện mới theo mô hình nổi tiếng Cirque du Soleil của Canada. "Nhà hát Cải lương chúng tôi phải đi kiếm tiền tại các tỉnh, chưa dám mơ ước gì cao xa. Mô hình phục vụ du lịch chắc phải vài năm tới”, ông Kiên nói.

Khá hơn cả là Nhà hát Múa rối Việt Nam. Giám đốc NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết, trước thực tế nhiều đơn vị nghệ thuật mở ra các chương trình biểu diễn Múa rối nước truyền thống, dẫn tới sự cạnh tranh lớn, Nhà hát đã thử nghiệm thành công một số chương trình, vở diễn theo hình thức mới kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa Rối nước và Rối cạn. Nhiều tác phẩm như Hồn quê, Đồng vọng rối Việt, Trê và Cóc, Âm vang đồng quê, Trăng đất Việt, Thân phận nàng Kiều... đã mang đến một diện mạo mới cho nghệ thuật Múa rối. Hiện Nhà hát có 5 sân khấu biểu diễn nằm trong khuôn viên 361 Trường Chinh, Hà Nội. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Nhà hát đã thực hiện được 300 suất diễn, trong đó có 200 suất phục vụ Hội chợ thế giới 2020 Dubai và 100 suất tại sân nhà. Điều đáng mừng là có những thời điểm cả 3 sân khấu của Nhà hát đều cùng sáng đèn!

Nhiều công ty lữ hành du lịch cho biết, họ rất muốn có một trung tâm nghệ thuật biểu diễn tập hợp nhiều loại hình nghệ thuật để tiện cho việc đi lại của du khách chứ không thể muốn xem Múa rối thì ngược về tận Trường Chinh, muốn xem chèo lại lộn về 71 Kim Mã…! NSND Triệu Trung Kiên và nhiều vị lãnh đạo các nhà hát cũng cho rằng, cần có một cụm công trình văn hóa giải trí nghệ thuật khép kín với các khu vực biểu diễn riêng của Tuồng, Chèo, Cải lương, Múa rối… và một số hạng mục bổ trợ như bảo tàng sân khấu, khu vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống...

Qua Tọa đàm, có thể thấy các nhà hát nghệ thuật dân tộc vẫn còn đứng cách du lịch một quãng rất xa. Về điều này, giới nghề cho rằng, họ mong chờ Bộ VHTTDL hỗ trợ làm chương trình cũng như marketing để cú bắt tay sân khấu - du lịch chặt chẽ hơn. Tổng cục Du lịch đã tổ chức một số cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa các công ty lữ hành với các nhà hát, tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Tổng cục, các đối tác lữ hành chưa thật sự thấy được ý nghĩa của việc đưa ra những chương trình hay, chất lượng để du khách cảm nhận được giá trị tuyệt vời của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Ngay đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cũng thiếu những người am hiểu chuyên sâu để quảng bá cho từng loại hình sân khấu truyền thống.

Điều quan trọng nhất hiện nay là sự phối kết hợp "ăn ý” giữa cơ quan quản lý với những đơn vị đang điều phối thị trường để từ đó đưa ra sự lựa chọn, hoạch định phù hợp cho từng nhóm, từng loại hình nghệ thuật. Có hiểu khách hàng là ai, họ muốn gì thì mới có thể biến nghệ thuật truyền thống trở thành sản phẩm du lịch phù hợp. Ngành du lịch cũng rất cần một cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn với ngành nghệ thuật để làm sao khách quốc tế đến Việt Nam không những được hưởng những tour du lịch giá rẻ, chất lượng mà còn được thưởng thức những chương trình nghệ thuật đặc sắc, xứng đáng là thương hiệu nghệ thuật của các nhà hát quốc gia.

(Theo VHO)

Các tin khác
Một phần trưng bày Trang phục Hoàng gia.

Nhân dịp Festival Huế 2022, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức triển lãm “Chế độ y quan triều Nguyễn” tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Bảo tàng Mỹ thuật Huế.

Bộ thiết kế độc đáo “Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga”.

Một sáng tạo đặc biệt mới lạ của chương trình nghệ thuật "Nguyễn Ðình Chiểu - Ðạo sáng mãi giữa đời" chính là bộ sưu tập áo dài “Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga” của nhà thiết kế thời trang trẻ Yến Nhi.

Các  vũ  công, nghệ  sĩ  biểu  diễn  trên  đường  phố.

Carnival đường phố Sun Fest diễn ra trong khung giờ từ 19h30 đến 21h00 các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần (từ 25/6 - 24/7/2022). Chương trình hứa hẹn đem đến cho du khách và người dân Đà Nẵng một tháng hè tưng bừng, rực rỡ và sôi động trên những nẻo đường khám phá Đà Nẵng về đêm.

Sau chiến thắng của Thùy Tiên, Việt Nam được xác nhận sẽ trở thành quốc gia đăng cai cuộc thi Miss Grand International 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục