Với 100 tác phẩm hội họa, chất liệu sơn dầu và acrylic trên toan và tác phẩm điều khắc được trưng bày tại triển lãm với chủ đề 3 câu chuyện: Thế sự, phong cảnh và hoa, trong đó có tác phẩm đầu tay Vòng xoáy vẽ lúc ông viết kịch bản sân khấu Vòng xoáy, và đặc biệt là những tác phẩm ông vẽ trong 10 năm "lao động hết mình" vừa qua.
Nhà văn Hữu Ước cho biết, trong 10 năm qua ông vẽ được gần 400 bức tranh, ấn hành 2 bộ tiểu thuyết: Kiếp người (3 tập) và Suối cọp, 3 vở kịch, 2 tập thơ Gió hoang và Mùi lửa, làm 1 đêm nhạc.
Nhà văn Hữu Ước tự hoạ năm 50 tuổi cùng bức chân dung người vợ quá cố của ông.
Mỗi một bức tranh ông gửi gắm là những suy tư về cuộc sống, những trăn trở, những nỗi lòng mà lắm khi văn chương không nói hết được. Ví dụ như bức "Trái tim tôi” - chính là ông vẽ trái tim mình, một trái tim "bầm dập" vì một cuộc đời quá nhiều sóng gió.
Hay bức "Vũ điệu quỷ và người” nói về cái xấu cái tốt cùng tồn tại trong mỗi con người. Hay bức "Nước chảy đá mòn” ông muốn nói về sức mạnh của nước, chính là sức mạnh của nhân dân…
Nhà văn Hữu Ước cũng cho biết đề tài về Trường Sơn ông vẽ nhiều hơn bởi ông đi lính từ rất sớm và gắn bó nhiều với núi rừng nên ông rất thích phong cảnh, vì thế nhiều người cho rằng đây là chủ đề mà ông thành công hơn cả. Tác giả cho biết khách nước ngoài mê tranh phong cảnh của ông, mê bảng màu tình cảm của một nhà văn, những phong cảnh rất hữu tình.
Ngoài các bức họa, điểm nhấn của triển lãm là tác phẩm điêu khắc có tên Người lính - chân dung người lính mà cũng có thể là "tự họa", tự khắc mình. Tạo hình khúc triết, khỏe khoắn, thiên về những hình khối kỷ hà vuông vức, tay giơ thẳng, mắt nhìn thẳng, phần thân gợi về hình của trống đồng Đông Sơn, cánh tay như một thân cây tre... Sức mạnh của người lính có là do cái bệ đỡ vững chãi của hồn dân tộc, hồn tre, của bề dầy văn hóa mấy ngàn năm tích tụ từ văn hóa Đông Sơn.
Như nhận xét của họa sĩ Lê Thiết Cương: Với nhà văn Hữu Ước, chất lính được tạo lập bởi những hồi ức, hoài niệm về chiến tranh bằng nhiều gam màu khác nhau. Khi thì xanh biêng biếc của núi rừng, lúc lại rừng rực đỏ cháy bởi bom đạn nơi con đường Trường Sơn huyền thoại mà ông đã sống, chiến đấu nhiều năm. Những bức tranh được đặt những tên gọi như: "Chiều Trường Sơn”, "Vận chuyện hàng vào Nam”, "Đường Trường Sơn thời chiến” hay như "Lính trinh sát”…
Chiến tranh qua đi, đất nước thống nhất, ông về với hòa bình, trở thành nhà báo, nhà văn khoác áo lính. Công việc đã đưa ông đến nhiều vùng miền. Trong hòa bình có cả niềm vui và hạnh phúc, nhưng cũng luôn có những khó khăn riêng trong lòng mỗi người.
Những nỗi niềm, trăn trở, băn khoăn, lòng tự hỏi sống sao đây để xứng đáng với mình - một người lính, với những người đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh, để chúng ta có hòa bình, có hôm nay. Điều đó được thể hiện trong các sắc màu cân đối, hài hòa với tác phẩm: "Xuất ngũ”, "Mẹ con”, "Thân cò”...
Có những câu hỏi không nhất thiết phải trả lời. Có những bức tranh như một câu hỏi, người xem sẽ tự trả lời, mỗi người câu hỏi ấy một khác và cũng sẽ có những câu trả lời khác nhau, không ai giống ai. Nghệ thuật là một con đường mở, đa chiều, đa diện.
Đó là một gam màu ấm, sáng, vui tươi. Mẹ thiên nhiên luôn là một đề tài lớn trong nghệ thuật là vậy. Ông vẽ nhiều về những dòng sông: Sông Đà, sông Luộc, Bến sông, Sông quê... Cũng có nhiều bức về bản làng, bản của người Thái ở Điện Biên, bản của người Mông ở Lào Cai.
Việt Nam là đất nước của những dòng sông, của những cửa sông. Việt Nam là một dân tộc có nhiều những tộc người thiểu số... Cho nên đó là những "sắc màu” không thể thiếu trong những tác phẩm của ông, được thăng hoa bởi thời gian.
Trong không gian văn hóa, nghệ thuật tại tòa nhà 42 Yết Kiêu, những người yêu mến nhà văn, họa sĩ Hữu Ước bày tỏ yêu thích nét vẽ đầy màu sắc của ông được hòa mình vào "Sắc màu”. Ở đó, bằng bút pháp tự do và đầy nội lực, nhưng cũng không kém phần "thô nhám”, "Sắc màu” trong những bức tranh của nhà văn Hữu Ước được thỏa hứng và đậm đà trên mặt toan.
Với những người yêu nghệ thuật, yêu mến nhà văn Hữu Ước, triển lãm "Nhà văn Hữu Ước và Sắc màu” đã khắc họa thêm về một con đường "màu sắc” trong nhà văn Hữu Ước. Đó không phải là con đường đi mà là con đường trở về với bản thân của mình một cách đầy lắng đọng, xúc cảm.
(Theo CAO)